Gặp khó chuyện đón con ở các Khu công nghiệp

GD&TĐ - Ngoài việc phải lo lắng về những khoản tiền đóng góp đầu năm học, mua sách vở, đồ dùng học tập cho con em đến trường… giờ đây, nhiều công nhân đang lao động trong các khu công nghiệp còn phải rất vất vả đưa đón con đi học mỗi ngày.

Giờ tan trường, học sinh tiểu học vẫn phải có phụ huynh hoặc người nhà đến đón để đảm bảo an toàn cho các con.
Giờ tan trường, học sinh tiểu học vẫn phải có phụ huynh hoặc người nhà đến đón để đảm bảo an toàn cho các con.

Khó khăn đối với những cặp vợ chồng công nhân làm ở các khu công nghiệp là lịch tan ca của nhiều công ty thường lệch với giờ tan học của các con. Điều này khiến không ít phụ huynh lo lắng làm sao đón được con đúng giờ tan trường.

Chia sẻ với Báo GD&TĐ, anh Vũ Như Yên - công nhân làm việc trong KCN Phố Nối A, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên, cho biết: “Cả 2 vợ chồng tôi đều làm việc theo ca, bố mẹ già ở quê nên rất khó khăn trong việc đưa đón con tới trường. Vì có hôm cả hai vợ chồng làm trùng ca, không nhờ được ai đi đón con giờ tan học”.

Theo anh Yên, dù con đã hơn 10 tuổi nhưng gia đình anh không yên tâm để cháu tự đi, đến trường. Hàng tuần 2 vợ chồng anh phải chủ động sắp xếp thời gian để đón con cho đúng giờ. Nếu anh làm ca 2 (từ 14h đến 22h), vợ anh sẽ xin công ty làm ca 1 (từ 6h đến 14h) để có thể đón con. Hôm nào làm giờ hành chính, anh thường xin công ty về sớm ít phút để kịp đón con.

Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng có thể sắp xếp thời gian như gia đình anh Yên, nhiều gia đình phải chọn giải pháp thuê người đón con. Nhưng việc này cũng không hề dễ dàng, bởi phải lựa chọn được người quen mới tin tưởng nhờ cậy.

Cùng hoàn cảnh như những gia đình công nhân có con trong độ tuổi đến trường, anh Vũ Văn Hiện quê Hải Phòng, cho hay: “Gia đình chủ nhà nơi tôi đang trọ cũng có cháu đang học lớp 2, hằng ngày bà chủ nhà đi đón cháu nên tiện đón luôn con giúp tôi, cho cháu ăn và tắm rửa. Mỗi tháng vợ chồng tôi sẽ chi trả số tiền 700.000 đồng cho việc này,  nhưng bù lại vợ chồng tôi yên tâm để làm thêm giờ tại công ty”.

Giao thông lúc tan học thường xuyên tắc nghẽn khiến học sinh dễ mất an toàn trở về nhà nếu không có phụ huynh đón.
Giao thông lúc tan học thường xuyên tắc nghẽn khiến học sinh dễ mất an toàn trở về nhà nếu không có phụ huynh đón. 

Khó khăn trong việc đưa đón con đến trường nêu trên đang là trở ngại không hề nhỏ đối với những người công nhân ở các khu công nghiệp. Đã không ít ý kiến của các phụ huynh mong muốn nhà trường tổ chức các lớp trông giữ học sinh thêm giờ để công nhân không còn phải lo lắng trong việc đón con khi giờ tan học không trùng với giờ tan ca của bố mẹ.

Tuy nhiên, theo bà Lê Thị Phượng, Hiệu trưởng trường Tiểu học Nguyễn Văn Linh, huyện Yên Mỹ - là một trường nằm trên địa bàn có nhiều khu công nghiệp tập trung, đa số học sinh là con em công nhân - cho biết: “Tại cuộc họp phụ huynh đầu năm học, nhà trường thông báo phải nhận các cháu đúng giờ. Nhà trường không có chính sách giữ thêm giờ, tan học là phụ huynh phải đến đón con”.

Được biết, nhà trường chưa thực hiện được vấn đề trông giữ học sinh thêm giờ ở các khu công nghiệp là do chưa có chủ trương từ cơ quan chức năng cho phép. Đây quả là vấn đề nan giải cho cả phụ huynh và học sinh, bởi nhà trường chưa có phương án giúp cho công nhân trong việc đưa đón con để yên tâm làm việc.

Chia sẻ với PV về vấn đề này, cô Hà Thị Thủy, quận Long Biên, Hà Nội cho biết: “Tôi đã làm hội trưởng hội phụ huynh nhiều năm liền, hiểu rất rõ sự khó khăn về thời gian của những công nhân xa nhà trong việc đón con. Nhiều phụ huynh đang làm công nhân lương ổn định 7-8 triệu/tháng nhưng cũng phải bỏ công ty, ra ngoài làm tự do để có thể đón được con đúng giờ. Nhiều lần hội phụ huynh có ý kiến mong muốn nhà trường tìm cách giảm bớt gánh nặng giúp cha mẹ học sinh là công nhân. Tuy nhiên, hội phụ huynh và nhà trường vẫn chưa tìm được tiếng nói chung”.

Khi nhà trường và phụ huynh còn chưa có được “tiếng nói chung” trong việc tìm ra giải pháp hỗ trợ cho công nhân đưa đón con giờ tan trường, các địa phương có khu công nghiệp đông công nhân đóng trên địa bàn cũng chưa có biện pháp hỗ trợ phù hợp, thì những người thợ trong giờ sản xuất chưa thể yên tâm làm việc. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bác sĩ Nghĩa đọc tên của từng đồng đội đã hy sinh trong khoảng năm 1961 đến 30/4/1975.

Chuyện của người chiến sĩ quân y

GD&TĐ - Kể về những ngày tháng chiến đấu giữa làn đạn bom ác liệt, đôi mắt của người chiến sĩ quân y ánh lên niềm xúc động xen lẫn tự hào.