Cô gái trẻ nặng lòng với nghề truyền thống

GD&TĐ - Tốt nghiệp Trường ĐH Hồng Đức nhưng Hoàng Thị Oanh (Sinh năm 1988, quê ở xã Hà Lâm, Hà Trung, Thanh Hóa) đã quyết định về quê để tìm đường khôi phục và phát triển nghề truyền thống dệt cói của quê hương.

Hoàng Thị Oanh tại xưởng dạy nghề. Ảnh: Nguyễn Quỳnh
Hoàng Thị Oanh tại xưởng dạy nghề. Ảnh: Nguyễn Quỳnh

Trăn trở với làng nghề truyền thống

Hoàng Thị Oanh sinh ra ở vùng quê nghèo, người dân quanh năm bám vào đồng ruộng. Trước đây, người dân quê Oanh có nghề làm thảm cói truyền thống. 

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, thị trường cho các sản phẩm thủ công chiếu cói cũng gặp nhiều khó khăn. Người dân vì thế cũng dần bỏ nghề truyền thống.

Từ nhỏ Oanh đã quen với những âm thanh của tiếng khung cửi dệt chiếu lách cách rộn ràng khắp đầu làng ngõ xóm. Oanh nhớ hình ảnh vào những đêm trăng sáng, người dân tập trung vừa trò chuyện rôm rả vừa kết cói; hay những dịp lễ hội của làng, các chàng trai, cô gái trẻ lại háo hức với hội thi dệt chiếu... 

Những kỷ niệm đẹp ấy đã khiến cô gái trẻ trăn trở với nghề truyền thống của quê hương ngay từ khi còn ngồi trên nghế giảng đường đại học.

Oanh đã luôn suy nghĩ làm sao để người dân quê mình có thể khôi phục lại nghề của cha ông để lại. Vì vậy, sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Hồng Đức, Oanh đã không xin việc ở các công ty mà về quê để lập nghiệp.

Hoàng Thị Oanh tâm sự: Từ thực trạng nhiều thanh niên quê Oanh cũng như thanh niên các địa phương khác ở Thanh Hóa phải dời quê đi làm ăn xa, hoặc lên thành phố lập nghiệp. 

Nhiều người có bằng đại học, bằng nghề vẫn đang bế tắc trong hành trình lập nghiệp, phát triển kinh tế. Trong khi đó, làng nghề dệt chiếu của cha ông có truyền thống lâu đời lại đang bị mai một, không tìm được hướng đi. 

Oanh đã quyết tâm sẽ khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống của quê hương, đưa những sản phẩm có thương hiệu của quê hương ra thị trường cạnh tranh.

Đến làm giàu trên quê hương

Quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương và từ chính nghề truyền thống của cha ông để lại, Oanh đã được chính quyền địa phương và người dân đã từng gắn bó với nghề dệt cói truyền thống đặc biệt ủng hộ khiến Oanh như có thêm sức mạnh và quyết tâm để thực hiện ý tưởng của mình. 

Sau thời gian nghiên cứu thị trường rồi xây dựng kế hoạch, năm 2013, Oanh quyết định mở Hợp tác xã (HTX) thủ công mỹ nghệ và dạy nghề.

Ban đầu số vốn Oanh huy động được là 500 triệu đồng dùng để tổ chức các hoạt động như: sản xuất chiếu trúc mỹ nghệ, thảm cói mỹ nghệ, chế biến nông sản, dạy nghề thủ công mỹ nghệ miễn phí cho lao động nông thôn. HTX thủ công mỹ nghệ và dạy nghề của Oanh đã giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho hàng trăm lao động tại địa phương.

HTX thủ công mỹ nghệ và dạy nghề có phòng học lý thuyết là 400 m2, phòng thực hành và xưởng sản xuất 300 m2. Tại đây, hàng năm HTX thủ công mỹ nghệ và dạy nghề đều tổ chức dạy nghề miễn phí cho lao động, nhằm mục đích tuyển dụng thêm lao động có tay nghề tốt, tạo cơ hội cho lao động địa phương có thêm việc làm và nguồn thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Sau đó, Oanh mạnh dạn vay vốn mở rộng sản xuất và tìm cách mở rộng thị trường, tìm các đối tác tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, cơ sở của Oanh đã đi vào hoạt động ổn định. 

Lợi nhuận hàng năm đạt từ 600 – 800 triệu đồng. Tạo việc làm thường xuyên cho 35 lao động với mức lương từ 2,5 – 3 triệu đồng và 156 lao động thời vụ với mức lương từ 1,8 - 2 triệu đồng. 

Năm 2014, HTX đã đào tạo nghề thảm cói mỹ nghệ cho 140 lao động là con em gia đình chính sách, trẻ em mồ côi, con thương binh liệt sĩ; Đảm bảo việc làm cho 105 lao động; Giúp đỡ 5 hộ gia đình thoát nghèo và có công việc ổn định.

Với tinh thần vượt khó vươn lên lập thân, lập nghiệp, Hoàng Thị Oanh đã biết phát huy thế mạnh địa phương làm giàu từ nghề truyền thống. 

Không chỉ làm kinh tế giỏi, Hoàng Thị Oanh còn là một Phó bí thư Đoàn xã năng động, luôn tích cực đồng hành cùng thanh niên địa phương trong hành trình lập nghiệp.

Từ những thành tích đã đạt được, Hoàng Thị Oanh đã vinh dự được Trung ương Đoàn tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn và phong trào TTN; Bằng khen của Chủ tịch Hội làng nghề khuyết tật Thanh Hóa; Giấy khen của UBND huyện Hà Trung trong phong trào thi đua hộ gia đình SXKD giỏi, phong trào thi đua yêu nước. 

Vừa qua, Hoàng thị Oanh vinh dự là một trong những thanh niên nông thôn xuất sắc tiêu biểu toàn quốc nhận giải thưởng Lương Định Của do Trung ương Đoàn trao tặng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ