Cô gái sản xuất sách từ giấy loại tạo việc làm cho người khuyết tật

GD&TĐ - Từ bỏ một chỗ làm có thu nhập cao ở thủ đô, từ chối những cơ hội để được thăng tiến, cạnh tranh để trưởng thành trong nghề nghiệp, sống một cuộc sống thú vị ở thủ đô, Lê Khởi Nghĩa về quê, bán mảnh vườn làm vốn, khởi nghiệp từ… đống giấy loại.

Xưởng xuất bản sách thủ công của Lê Thị Khởi
Xưởng xuất bản sách thủ công của Lê Thị Khởi

“Ai cũng bảo mình quá mạo hiểm, ngăn cản mình, thậm chí nói mình bị… điên rồi. Chỉ có mẹ là vẫn ủng hộ mình từ trước đến nay”, Lê Thị Khởi (SN 1987), tác giả dự án sản xuất sách truyện, sách giáo dục dành cho thiếu nhi 2 – 10 tuổi từ vật liệu tái chế bằng phương pháp thủ công kể lại.

Truyện, sách giáo dục từ giấy loại

Những sản phẩm độc đáo, sinh động của cô gái trẻ
Những sản phẩm độc đáo, sinh động của cô gái trẻ

Ngôi nhà nhỏ nằm ở rìa làng Hưng Mỹ, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An cũng chính là xưởng xuất bản sách thủ công của Lê Khởi Nghĩa. Trời mùa đông gió lạnh, hai người thợ già tỉ mẩn cắt rồi phết hồ dán những tấm bìa các-tông theo mẫu, ít ai ngờ được đó là 2 người khuyết tật được khởi tạo công ăn việc làm để có thêm thu nhập mỗi tháng.

Bên cạnh đó, là chiếc bàn cũng ngổn ngang giấy loại, nhưng cũng có nhiều sản phẩm đã hoàn thiện. Đó là những cuốn sách về chủ đề số đếm, chữ cái, con vật… với hình minh họa thú vị, sinh động, độc đáo.

Dự án của mình nhằm hướng tới 3 mục tiêu chính là làm giảm lượng rác thải vào môi trường, từ đó giáo dục, tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và tạo điều kiện công ăn việc làm, cơ hội hòa nhập cộng đồng cho người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam, trẻ mồ côi lang thang cơ nhỡ”, Khởi chia sẻ.

Những ngày đầu “khởi nghiệp” gặp muôn vàn khó khăn. Không kể đến sự phản đối của mọi người về dự án đầy rủi ro này, việc huy động vốn là một trở lại lớn.

Sau khi nghỉ việc tại Hà Nội, Khởi vẫn tích lũy được một khoản tiền nhưng thời điểm đó, mẹ của Khởi nhập viện, trải qua 3 lần phẫu thuật đã tiêu sạch số vốn dự tính dành cho khởi nghiệp của cô gái.

Trở về quê với hai bàn tay trắng, Khởi hỏi: Mẹ có tin con không? Bà Lê Thị Khuyên (mẹ Khởi) lúc đó trả lời: Con cứ làm theo ý của con, mẹ ủng hộ. Vậy là cô gái xin mẹ bán một phần đất vườn, được 140 triệu và bắt đầu mua sắm một số máy móc, thiết bị…

Phần ý tưởng, lên nội dung, trình bày do Khởi trực tiếp làm. Phần kẻ vẽ, tạo hình sách, tìm và cắt dán các hình minh họa do các công nhân đảm trách.

Các cuốn sách của Khởi được trình bày bằng tiếng Anh kèm theo minh họa là những hình ảnh được cắt từ các loại giấy phế liệu. Chính vì thế cách làm thủ công này thì mỗi cuốn sách dù nội dung giống nhau nhưng cách trình bày hoàn toàn khác nhau và chỉ có 1 bản duy nhất.

Bên cạnh đó, Khởi sáng tác những câu chuyện nhỏ bằng minh họa cho các bài học trong sách. Cô gái còn lồng ghép thông điệp bảo vệ môi trường vào sách để nhằm giáo dục nhắc mở mọi người có trách nhiệm với môi trường sống thay đổi nhận thức dẫn đến thay đổi hành động của người đọc.

“Không hiểu sao mình cứ bị ám ảnh bởi vấn nạn ô nhiễm môi trường, về những loại rác thải có thể tái chế nhưng chưa được tận dụng. Tác dụng đầu tiên có thể nhận thấy là nhận thức của những người dân trong xã đã thay đổi rất nhiều khi em bắt tay vào thực hiện dự án. Mọi người phân loại rác, không vứt rác bừa bãi dành dành những thứ có thể tái chế mang sang xưởng để cho mình”, Khởi nói.

Lời hứa với những người bạn khuyết tật

Tất cả đều làm thủ công nên không sản phẩm nào giống nhau
 Tất cả đều làm thủ công nên không sản phẩm nào giống nhau

“Không phải tự nhiên mà mình bỏ hết tất cả để trở về khởi nghiệp từ đống phế liệu như mọi người vẫn nói. Mà đây là một lời hứa từ rất lâu rồi mà em phải thực hiện, và đến thời điểm này, nó không còn sớm nữa, nhưng may mà vẫn kịp…”

Cái lời hứa mà Khởi Nghĩa nói đã dẫn chúng tôi về câu chuyện hàng chục năm về trước. Hồi đó mình còn bé, mỗi lần đi học qua nhà O Hiển trong xóm, đều thấy hình ảnh 4 anh chị em là con của O ngồi chơi tha thẩn ngoài sân. Các em ấy đều bị di chứng chất độc màu da cam, nên chân tay bị tật, trí óc phát triển chậm chạp hơn những người bình thường khác. Hằng ngày, o Hiển mang giấy, bìa các-tông, cùng chiếc kéo thủ công nhủ để mấy đứa ngồi cắt dán với nhau ở góc sân. Và các em ấy cứ ngồi chơi như thế suốt buổi, tự chơi, thỉnh thoảng nhìn ra ngoài đường xem người qua lại chờ bố mẹ về.

Khởi Nghĩa vẫn hay trò chuyện với các em như những người bạn thân thiết. Và Khởi có hứa với các em ấy là sẽ sáng tạo ra sản phẩm là đồ chơi hoặc sách vở từ giấy loại, để giúp đỡ những người như các em, có thể lao động, kiếm tiên, tự nuôi sống bản thân…

Nhưng cuộc sống vất vả ở thành phố cuốn cô gái từ làng quê nghèo ra đi học vào vòng quay cơm áo gạo tiền. Mải mê kiếm tiền nuôi sống bản thân, gửi về cho mẹ ở quê, khiến lời hứa năm nào cứ bị lần lữa chưa thực hiện được.

Cho đến một buổi tối, Khởi nhận được tin nhắn của 1 trong số 4 bạn là con của O Hiển trong quê nhắn ra hỏi: Chị Khởi ơi, bao giờ chị thực hiện dự án tạo việc làm cho chúng em? Lúc ấy, Khởi giật mình và dành nhiều thời gian hơn để suy nghĩ.

Trong số 4 người bạn ấu thơ ấy, có 3 người đã không đợi được Khởi mà đã ra đi. Người còn lại sức khỏe cũng đang rất yếu. “Phải làm ngay, nếu không sẽ không còn kịp nữa”.

Hạnh phúc khi làm đem lại cho người khác

Dự án của Khởi đã tạo công ăn việc làm cho người khuyết tật
Dự án của Khởi đã tạo công ăn việc làm cho người khuyết tật

Bản thân cuộc đời của cô gái trẻ Lê Thị Khởi cho đến lúc này cũng là một tấm gương nghị lực vươn lên trong cuộc sống để học tập, chiến đấu với bệnh tật và làm đủ mọi nghề kiếm sống.

Sinh ra không có bố bên cạnh, người mẹ tật nguyền nấu kẹo lạc nuôi con gái mắc bệnh tim bẩm sinh đi học. Cô gái nhỏ vượt qua những cơn đau, những lần ngất xỉu liên tiếp để đến lớp, tốt nghiệp THPT rồi đậu vào ngành Biên kịch, Cao đẳng VHNT. Năm 2013, trải qua cuộc phẫu thuật sinh tử giành giật sự sống với tử thần, cuối cùng cô gái đã khỏi bệnh. Sau đó, Khởi có một công việc quản lý cho một công ty với thu nhập hơn 15 triệu/tháng tại Hà Nội.

Nhưng đúng lúc này cô gái lại quyết định từ bỏ tất cả để về quê. “ Nếu mình ở lại Hà Nội làm việc, với thu nhập của mình, em có thể đón mẹ ra ở cùng, mẹ con ở với nhau, mọi việc rồi cũng sẽ ổn. Nhưng nếu như thế, thì em chỉ biết đến bản thân mình, đến hạnh phúc của riêng mình thôi.

Với dự án này, mình đang cố gắng đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người khác, những người khuyết tật như mẹ của em, như các chú, bác trong xóm, hi vọng giúp họ hạnh phúc hơn. Nghĩ đến đó là mình có thêm động lực để tiếp tục làm việc, cố gắng”, Khởi tâm sự.

Hiện xưởng sản xuất sách từ vật liệu tái chế của Khởi có 2 công nhân của Khởi là ông Lê Văn Trung (SN 1968) và ông Phạm Xuân Thái (SN 1952), hai người khuyết tật ở trong xóm.

“Công việc cũng vừa sức, cũng không khó lắm. Mỗi tháng Khởi trả lương 1 triệu đồng, cũng có thêm thu nhập phụ gia đình”, ông Trung nói. Ngoài hai lao động này, Khởi hợp đồng với chị Trần Thị Huế (SN 1991) phụ trách chọn hình ảnh phù hợp với nội dung từng cuốn, cắt và dán vào từng “tờ” sách, với mức lương 3 triệu đồng/tháng.

Mình dự định sẽ làm 20 đầu sách, mỗi đầu 100 cuốn. Sau đó sẽ tổ chức triển lãm để quảng bá và bán sản phẩm. Thời gian tới sẽ còn nhiều khó khăn nhưng cô gái vẫn quyết tâm và có niềm tin với dự án của mình.

Khởi cũng cho biết mục tiêu trong tương lai là kết nối với các tổ chức phi chính phủ để đem sách bán ra nước ngoài, bởi vì họ rất thích và quý những sản phẩm thủ công, sáng tạo, độc đáo và sử dụng vất liệu tái chế.

Gần đây, Tỉnh đoàn Nghệ An đã trích 50 triệu từ Quỹ Hỗ trợ Thanh niên lập nghiệp cho Lê Thị Khởi vay với lãi suất thấp để thực hiện dự án này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận tại Estonia.

Trung tâm mới của NATO

GD&TĐ - Bulgaria chuẩn bị xây dựng một khu phức hợp cơ sở vật chất để làm nơi đóng quân cho một lữ đoàn NATO đa quốc gia gồm 3.000 quân nhân.