Cô gái múa Lân Sư Rồng và những tuyệt chiêu

GD&TĐ - Lân, Sư, Rồng - theo một số quan niệm xưa - là ba con vật tượng trưng cho sự may mắn, tài lộc và thịnh vượng, thậm chí còn được xem là ba loài vật rất linh thiêng. 

Cô gái múa Lân Sư Rồng và những tuyệt chiêu

Đó cũng là lý do vì sao Lân Sư Rồng luôn được chọn làm tiết mục biểu diễn chính ở các sự kiện đặc biệt, quan trọng như khai trương, đại hội; đón mừng Tết Nguyên đán, Trung thu hàng năm. Múa Lân Sư Rồng trước đây chỉ dành cho nam giới,

thế nhưng, Lê Yến Quyên - kỷ lục gia còn rất trẻ của bộ môn nghệ thuật đường phố này đã làm thay đổi quan điểm của xã hội.

Nam giỏi, nữ không thể kém

Dáng người mảnh mai, khuôn mặt nhỏ với nụ cười luôn tỏa sáng khi trò chuyện, Quyên cho biết cô là chị cả, dưới Quyên còn một em trai. Gia đình em sống ở quận Ô Môn, TP Cần Thơ. Cha em kinh doanh nhỏ còn mẹ em làm y sĩ.

Đam mê học võ Taekwondo từ khi mới 6 tuổi, cô bé được võ sư Lương Ấn Đường chú ý khi cô gia nhập đội múa Lân Sư Rồng lúc 9 tuổi, cả đội toàn những đàn anh. Vẻ chăm chú, cái nhìn say mê như bị thôi miên của cô gái nhỏ lúc xem đàn anh luyện tập đã làm vụt nảy lên ý tưởng phát triển lực lượng lân nữ trong đầu vị trưởng đoàn Tú Anh Đường.

Nghe thầy hỏi có muốn tham gia luyện tập không, Yến Quyên vui sướng gật đầu không chút do dự. Hai thầy trò bắt tay vào luyện tập ngày đêm. Và cũng chính trong năm 2009, báo hiệu cho sự khởi đầu thuận lợi hanh thông, ở tuổi 14, Quyên đã lập được kỷ lục đầu tiên, đoạt Huy chương Vàng nội dung leo cột trong hội thi múa Lân của thành phố Cần Thơ.

Màn múa Hoa mai thung của Quyên đã chinh phục được những khán giả khó tính nhất. Đây cũng là tiết mục múa nguy hiểm bậc nhất trong nghệ thuật múa Lân Sư Rồng, rất ít lân nữ nào trên thế giới dám biểu diễn.

Dàn Hoa mai thung có 16 cột sắt xen kẽ chông chênh. Cột cao nhất gần 2,4 m, cột thấp nhất cũng 1,2 m, trải dài 7,5 m. Múa trên Hoa mai thung là nhảy múa trên dàn đinh cột ấy. Cô gái đã biểu diễn nhiều pha nhào lộn đẹp mắt và cực kỳ nguy hiểm.

“May mắn là em đã từng có thời gian tập võ dài, đạt hạng võ sĩ huyền đai đệ tam đẳng và giành nhiều HCV nên em có được điểm mạnh về thể lực. Có lẽ cũng nhờ yêu bộ môn này nên em có đủ sức mạnh, sự khéo léo, độ dẻo dai, sức chịu đựng để làm bật được ra cái hồn của nghệ thuật múa Lân Sư Rồng”- Quyên bộc bạch.

Để leo được cột cao 10 mét, Quyên luyện tập leo bằng chân không trước rồi mới leo bằng giày sau để tạo độ dẻo cho các khớp xương. Quyên đã thực hiện các kỹ thuật múa Lân trên cột, như: Lân chào; Lân múa; vòng sang trái rồi vòng sang phải; Lân bước run, sợ hãi; Lân thở; Lân thả liễn chúc mừng; Lân xoay vòng 3600 liên tục vòng trái, liên tục đổi chiều sang vòng phải; Lân đạp ếch; Lân phun tuyết. Đặc biệt là pha xuống cột vừa khó lại vừa mạo hiểm: Nguyên đầu Lân chúi từ từ xuống cột. Kỷ lục leo cột cao 7 m của Quyên vẫn chưa có vận động viên nào phá được, Quyên còn tự phá kỷ lục của mình, đưa độ cao lên 8 m. Chính Yến Quyên cũng là người đầu tiên khắc phục được điểm yếu của tiết mục Lân leo cột mà trước nay không ai làm được.

Khổ luyện thành tài

Gắn bó với bộ môn múa nghệ thuật dân gian đường phố, cô gái trẻ đã phải đánh đổi không chỉ bằng mồ hôi, nước mắt, nhan sắc mà có khi cả máu và nhiều tuần lễ nằm bẹp một chỗ dưỡng thương.Tập luyện mà bị té ngã là chuyện thường xuyên, tay chân bầm tím, da trắng hóa đen giòn là chuyện thường ngày nhìn thấy. Nhưng chiến thắng chính bản thân để không bỏ cuộc trước khó khăn thách thức thì chỉ có Quyên mới tường tận mà thôi.

Thành công bao giờ cũng phải được xây dựng từ một nền móng vững chắc. Có được vị trí Phó Trưởng đoàn nghệ thuật Lân Sư Rồng Tú Anh Đường hôm nay cũng nhờ Quyên đã có một bề dày thành công. Yến Quyên đã từng giành được 20 huy chương trong những năm phổ thông trong môn võ thuật Teawondo và múa Lân Sư Rồng. Khi bước vào tuổi 20, lân nữ Lê Yến Quyên đã xác lập 5 kỷ lục Việt Nam.

Tại lễ tôn vinh và trao giải thưởng Phụ nữ Việt Nam 2016, Quyên vinh dự là người trẻ nhất. Cả khán phòng dành không ít tràng pháo tay cho tiết mục trình diễn của em và đã ồ lên bởi lời phi lộ đầy tâm huyết về động lực khiến cô gái vượt qua tất cả và không ngừng vươn lên: “Em lúc nào cũng muốn dấn thân chinh phục cái mới. Em không chỉ chứng tỏ bản lĩnh của mình mà muốn khẳng định rằng cái gì nam giới làm được thì phụ nữ cũng có thể làm được và làm rất tốt”.

Chính nhờ sự can đảm của Quyên, đến nay đoàn Lân Sư Rồng Tú Anh Đường là đoàn trẻ nhất Việt Nam thu hút trên 20 cô gái trẻ tham gia luyện tập. Các thành viên từ 14 - 17 tuổi này có thể biểu diễn được tất cả các màn múa từ dễ đến phức tạp, thậm chí là mạo hiểm và có tính chất thi đấu, cạnh tranh cao.

Đã ghi được 5 kỷ lục Việt Nam, Đoàn Tú Anh Đường đang chờ kết quả xác nhận 2 kỷ lục: Nữ vận động viên duy nhất múa Lân trên cột rất cao và đội nữ vận động viên duy nhất múa Lân trên Hoa mai thung của châu Á và thế giới. Cũng nhờ sự độc đáo ở các vận động viên nữ đầu tiên của Việt Nam, nên Tú Anh Đường được biết tiếng và được mời đi biểu diễn ở khắp nơi.

Lê Yến Quyên – cô gái sinh năm 1994, là người phụ nữ trẻ nhất được nhận giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm 2016. Quyên cũng là một trong những người phụ nữ Việt Nam tiên phong, can đảm luyện tập Lân Sư Rồng và lập được nhiều kỷ lục danh giá.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ