Cô gái làm đẹp cho đời

GD&TĐ -20 tuổi bắt tay vào khởi nghiệp bằng sản phẩm may mặc, cô gái 8X Nguyễn Thị Trung (thôn Đại Tảo, xã Đại Thành, huyện Quốc Oai, Hà Nội) không chỉ giúp gia đình thoát nghèo mà còn mang cơ hội việc làm đến cho hàng trăm lao động tại địa phương.

Chị Nguyễn Thị Trung bên máy may tại gia đình.
Chị Nguyễn Thị Trung bên máy may tại gia đình.

Chứng minh bằng sản phẩm chất lượng

Tốt nghiệp THPT, nuôi ước mơ vào Đại học nhưng không đủ điểm, cũng không muốn đi học Cao đẳng, chị Trung đã bắt tay vào khởi nghiệp từ việc đăng ký đi học may.

Đối với chị, đó là quyết định đúng đắn nhất cho đến giờ không chỉ giúp ích cho bản thân và gia đình chị, mà còn giúp cho nhiều phụ nữ tại địa phương thoát nghèo, có cuộc sống hạnh phúc hơn.

Vô tư, mộc mạc và chân thành là những gì tôi cảm nhận được ngay từ lần đầu tiên trò chuyện cùng chị. Sinh ra trong gia đình có truyền thống làm nông nghiệp ở huyện Quốc Oai. Từ tấm bé, chị Trung đã quá quen với những lam lũ, tảo tần vất vả của người dân quê mình.

Không có nghề phụ, mọi khoản chi tiêu, sinh hoạt của gia đình chị cũng như bao nhà nông khác đều trông cả vào mấy sào ruộng và sự bấp bênh của giá cả thị trường. Cũng từ đó, cô gái sinh năm 1984 luôn trăn trở với suy nghĩ, phải làm gì để thoát nghèo, tạo thêm công ăn việc làm cho những người dân quê.

Chị Trung tâm sự: “Ngày mới vào nghề, việc tìm kiếm mối hàng với tôi vô cùng khó khăn. Đối tác thử thách rất nhiều. Bằng sự kiên trì, nhẫn nại, tôi chứng minh năng lực của cơ sở sản xuất bằng những sản phẩm chất lượng, cách làm ăn bài bản, chuyên nghiệp, uy tín. Chất lượng sản phẩm là điều quan trọng nhất và phải đặt lên hàng đầu. Mình có nói hay, nói giỏi đến đâu nhưng làm không tốt thì cũng không khẳng định được điều gì”.

Kiên trì học hỏi thêm để nâng cao tay nghề, dần dần, khi đã có tiếng đối với các khách hàng, chị Trung lại truyền đạt lại những gì mình học được cho các thợ may khác. Sản phẩm của chị luôn đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận và hài lòng cho từng đối tượng. Với chị Trung, chất lượng của sản phẩm phải luôn đặt lên hàng đầu.

14 năm kiên trì để thành công

Năm 2006, ước mơ của chị Trung trở thành hiện thực khi chị mạnh dạn bàn với chồng đem hết của cải, vay mượn thêm gia đình, người thân để nuôi mở xưởng. Tuổi đời chưa nhiều, kinh nghiệm còn hạn chế trong khi nghề may đối với những người dân quê chị còn là một nghề rất mới mẻ nên chị Trung gặp không ít khó khăn, trở ngại.

Sẵn nguồn lao động dồi dào do địa phương ngoài nghề làm ruộng chưa có nghề phụ nào để tăng thu nhập, chị Trung đã dựa vào đó để giúp chị em có điều kiện vừa học, vừa làm có thêm thu nhập bù vào những ngày nông nhàn.

Chị đi khắp nơi tìm kiếm mối hàng, gây dựng thương hiệu, tạo niềm tin bằng những sản phẩm chất lượng. Từ mối bán buôn tại các chợ đầu mối như chợ Đồng Xuân, chợ Mơ… dần dần, nhiều khách hàng đã biết đến cơ sở sản xuất của chị và chủ động tìm đến để kí kết hợp đồng.

Bằng niềm đam mê cộng với nỗ lực, sau 14 năm kiên trì, giờ đây chị cũng đã gặt hái được không ít thành công. Nhờ tay nghề cao cùng với sự tỉ mỉ, xưởng may của chị dần chiếm được uy tín, sự tin tưởng của khách hàng, càng ngày chị Trung càng nhận được nhiều hợp đồng sản xuất hơn. Giờ đây, không chỉ cung cấp cho địa phương, các huyện lân cận, sản phẩm may mặc từ xưởng của chị đã sang các tỉnh khác: Phú Thọ, Hòa Bình...

Thị trường ngày càng mở rộng, vì vậy, để thuận tiện cho các mối giao hàng và tạo công việc làm ăn thuận lợi cho lao động địa phương, ngoài xưởng may tại thôn với 20 đầu máy và trên 20 lao động, chị Trung đã mở thêm 4 cơ sở may vệ tinh khác tại các xã lân cận trong huyện và ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, Hòa Bình.

Trong thời gian tới, chị Trung sẽ tìm hiểu các thủ tục thành lập công ty, để có tư cách pháp nhân, đóng bảo hiểm và đảm bảo chế độ cho các chị em khi làm việc tại các xưởng may của gia đình chị.

Mỗi ngày, các xưởng may của chị sản xuất ra từ 1.500 – 1.600 sản phẩm, trừ mọi chi phí, mỗi năm các xưởng cho thu lãi từ hàng trăm triệu đồng. Giờ đây, không những thoát nghèo cho bản thân, chị còn tạo cơ hội việc làm cho trên 100 lao động, với mức thu nhập trung bình từ 5 – 7 triệu đồng/tháng tùy từng thời điểm. Tính đến nay, chị đã giúp đỡ được một hội viên thuộc hộ cận nghèo và hộ nghèo của thôn thoát nghèo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.