Cô gái khiếm thị ước mơ làm giáo viên

GD&TĐ - Nghị lực, có ý chí vươn lên và tinh thần hiếu học, đó là những nhận xét của hầu hết mọi người khi biết đến em Nguyễn Thị Thúy – Hội viên Hội Người mù quận Tây Hồ (Hà Nội).

Nguyễn Thị Thúy - Tấm gương về tinh thần hiếu học
Nguyễn Thị Thúy - Tấm gương về tinh thần hiếu học

Ước mơ đến trường

Sinh ra và lớn lên ở Thái Nguyên, hiện Nguyễn Thị Thúy đang theo học ở Trung tâm Giáo dục Thường xuyên Nguyễn Văn Tố (Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Với người bình thường thì đó là chuyện hết sức bình thường, thế nhưng với một người khiếm thị và ở tỉnh lẻ như Thúy đó lại là một câu chuyện về nghị lực và ý chí vươn lên của em.

Thúy kể: “Bị khiếm thị từ nhỏ, thế nên em lớn lên trong sự mặc cảm và tự ti. Em nhìn mọi thứ xung quanh bằng bằng thứ ánh sáng nhờ nhợ chẳng rõ hình, rõ khối. Tủi cực nhất là hồi bé, em thường bị bạn bè chọc ghẹo.

Nhưng điều đó cũng không buồn bằng việc: Cứ chiều chiều hàng ngày em nghe các bạn, rồi anh chị em ríu rít kể chuyện đến lớp, đến trường và kể chuyện về thầy cô, bạn bè; những lúc như thế em thường trốn vào một góc và khóc một mình, lòng thậm nghĩ: Ước gì mình cũng được như họ”.

Cứ như vậy, ước mơ đến trường, đến lớp cứ lớn dần trong em. Rất may, Hội Người mù tỉnh Thái Nguyên có chủ trương mở lớp học chữ nổi Braille cho những người khiếm thị. Nhận được tin này, Thúy quyết định đi học ngay.

Được học chữ, với Thúy đó là một bước ngoặt, mở ra một trang mới trong cuộc đời. Thúy đã không bỏ lỡ cơ hội, em chăm chỉ miệt mài học chữ và nhanh chóng trở thành một trong những thành viên đọc thông viết thạo nhất lớp.

Sau đó Thúy tiếp tục theo học cùng các bạn sáng mắt theo diện học sinh đặc biệt. Hết THCS, Thúy muốn tiếp tục theo đuổi con đường học hành của mình.

Thế nhưng khổ một nỗi, đường đến trường cách nhà khá xa, Thúy thì lại không thể tự đi một mình. Thúy cũng không muốn bố mẹ vất vả về mình phải đưa đi đón về hàng ngày. Thế nên Thúy đành gác lại việc học hành và chọn đi học nghề xoa bóp, bấm huyệt, massage để có thể tự lập cuộc sống và mở rộng giao tiếp.

Thúy tâm sự: “Phải tạm ngừng chuyện học hành em buồn lắm. Nhưng em vẫn tự an ủi bản thân: Mình chỉ tạm gác lại thôi chứ khi nào có cơ hội em sẽ tiếp tục theo học”.

Một năm, rồi hai năm Thúy đã có kinh nghiệm trong nghề xoa bóp, bấm huyệt, massage và đã kiếm được tiền bằng chính sức lao động của mình. Nhận thấy, ở Hà Nội sẽ có tiềm năng để phát triển nghề này hơn và cơ hội học tập sẽ rộng mở với mình hơn.

Vậy là, bỏ qua mọi lời khuyên ngăn của bố mẹ, người thân, Thúy quyết định “khăn gói quả mướp” lên Hà Nội để theo đuổi ước mơ học hành của mình.

Thúy kể: “Ngày mới lên Hà Nội, em gặp rất nhiều khó khăn. Mắt kém, đường sá thì không thông thuộc, rất may em được Hội người mù quận Tây Hồ (Hà Nội) tiếp nhận và kết nạp thành hội viên. 

Điều may mắn nhất đó là em đã được Hội tạo điều kiện cho làm thêm ở phòng dịch vụ xông hơi, tẩm quất massage do Hội thành lập. Bụng bảo dạ: Vậy là mình lại có cơ hội để tiếp tục đi học rồi”.

Ước mơ làm cô giáo

Sau một thời gian ổn định “nơi ăn chốn ở” và công việc. Thúy đã xin vào học Trung tâm Giáo dục Thường xuyên Nguyễn Văn Tố. Hiện nay em đang học lớp 11 của Trung tâm.

Thúy cho biết: “Những ngày đầu mới vào học em gặp không ít khó khăn. Môi trường mới, thầy cô mới và cách học mới nên với em mọi thứ đều xa lạ.

Đã có những lúc em thấy nản lòng và có ý định bỏ học, nhưng rồi được sự động viên của của gia đình và thầy cô và các thành viên trong Hội Người mù, em đã không nản chí.

Em đã lập cho mình một kế hoạch học tập để không bị thua kém bạn bè. Có những hôm em thức trắng đêm học bài, đọc thêm tài liệu”

Càng học Thúy càng khiến thầy cô và bạn bè khâm phục về nghị lực và ý chí vươn lên trong học tập. Thành quả cho sự nỗ lực ấy là kết quả học tập luôn đứng top đầu của lớp.

Nhận xét về em Thúy, ông Nguyễn Văn Hiển – Chủ tịch Hội Người mù quận Tây Hồ - cho hay: “Điều đáng quý ở cô bé này là tinh thần hiếu học và ý chí vươn lên.

Với những người bình thường có lẽ đó điều hết sức bình thường, nhưng với một người khiếm thị và ở tỉnh lẻ như Thúy thì đó quả thật là điều đáng trân trọng và đáng để mọi người noi gương”.

Trao đổi với chúng tôi về ước mơ của mình, Thúy bộc bạch: “Con chữ đã giúp cuộc sống của em sang một trang mới. Em đã học được nghề để có thể tự lập cuộc sống và đứng vững trên đôi chân của mình.

Với em ánh sáng bắt nguồn từ con chữ. Em mơ ước sau này là một giáo viên để có thể dạy cho những học sinh không may mắn bị khiếm thị như em”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ