Ngày 22/6, Viện KSND TP. Hồ Chí Minh đã gia hạn thời gian tạm giam thêm 2 tháng đối với bà Nguyễn Phương Hằng (SN 1971, trú tại quận 3, TP. Hồ Chí Minh - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nam) theo đề nghị trước đó của Công an TP. Hồ Chí Minh.
Lý do của việc gia hạn thời gian tạm giam đối với Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nam được lý giải là vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, cần phải có thời gian dài hơn cho việc điều tra và không có căn cứ để thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giam đối với bà Nguyễn Phương Hằng. Cơ quan chức năng cho rằng việc làm này là cần thiết.
Đây là diễn biến mới nhất liên quan đến vụ án Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, quy định tại Điều 331 Bộ luật Hình sự có liên quan đến bà Nguyễn Phương Hằng.
Trước đó, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nam đã bị Cơ quan CSĐT Công an TP. Hồ Chí Minh ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam với tội danh nêu trên.
Quyết định của cơ quan chức năng TP. Hồ Chí Minh khiến dư luận đặt ra câu hỏi sau khi hết thời gian gia hạn tạm giam lần 1, cơ quan chức năng có được gia hạn thời gian tạm giam lần thứ 2 đối với bà Nguyễn Phương Hằng?
Trao đổi về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng (Trưởng Văn phòng luật sư Kết Nối - Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết, bà Nguyễn Phương Hằng là bị can đang bị điều tra trong vụ án hình sự với với tội danh Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo khoản 2 Điều 331 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Cơ quan tiến hành tố tụng có quyết định gia hạn tạm giam để điều tra đối với bà Nguyễn Phương Hằng thêm 2 tháng. Bà Hằng bị điều tra về tội nghiêm trọng với hình phạt cao nhất là phạt tù cao nhất là 7 năm theo khoản 2 Điều 331 Bộ luật Hình sự.
Căn cứ điểm b khoản 2 Điều 173 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Viện kiểm sát theo đề nghị của cơ quan điều tra có thể gia hạn tạm giam 1 lần đối với bà Hằng với thời gian không quá 2 tháng. Sau khi hết thời gian tạm giam đã được gia hạn như trên thì cơ quan điều tra phải hủy bỏ hoặc áp dụng biện pháp ngăn chặn khác đối với bà Hằng thay cho biện pháp tạm giam.
“Việc gia hạn tạm giam để điều tra được thực hiện vì vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, cần phải điều tra xác minh làm rõ mà không có căn cứ để hủy bỏ, thay đổi biện pháp tạm giam. Qua thông tin trên báo chí chúng ta cũng có thể biết phần nào tính phức tạp của vụ án, những người liên quan, chứng cứ chứng minh hành vi của bà Nguyễn Phương Hằng. Với một vụ án có những tình tiết như vậy thì thời gian điều tra buộc phải kéo dài.
Trường hợp cơ quan điều tra đề nghị truy tố đối với bà Hằng mà Viện kiểm sát trả lại hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung thì thời hạn tạm giam để điều tra bổ sung không quá thời hạn điều tra bổ sung không quá 2 tháng.
Trường hợp bà Nguyễn Phương Hằng bị đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án thì cơ quan điều tra, Viện kiểm sát phải hủy bỏ biện pháp tạm giam đối với bà Hằng ngay khi có quyết định định đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án”, Luật sư Hùng phân tích.