Quan điểm của luật sư về vụ án Công An Bình Dương khởi tố liên quan bà Nguyễn Phương Hằng

GD&TĐ - Theo Luật sư, trường hợp bị can bị khởi tố về nhiều tội danh hoặc phạm nhiều tội thì cơ quan điều tra có thể nhập vụ án hình sự để giải quyết trong cùng một vụ án.

Ngày 22/4, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương cho biết đơn vị này đã khởi tố vụ án Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo điều 331, Bộ luật Hình sự. Vụ án này liên quan đến bà Nguyễn Phương Hằng (Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam)

Đáng chú ý, trước đó, ngày 24/3, Cơ quan CSĐT Công an TP. Hồ Chí Minh đã khởi tố vụ án hình sự, đồng thời khởi tố bị can, bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Phương Hằng về tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo điều 331, Bộ luật Hình sự.

Với diễn biến trên từ phía cơ quan điều tra, dư luận quan tâm đến việc bà Nguyễn Phương Hằng có thể sẽ bị khởi tố về tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo điều 331, Bộ luật Hình sự. Nếu điều đó xảy ra, bà Nguyễn Phương Hằng sẽ bị cơ quan chức năng tại 2 địa phương khởi tố về cùng 1 tội danh.

Công an Bình Dương vừa khởi tố vụ án Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo điều 331, Bộ luật Hình sự có liên quan đến bà Nguyễn Phương Hằng.
Công an Bình Dương vừa khởi tố vụ án Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo điều 331, Bộ luật Hình sự có liên quan đến bà Nguyễn Phương Hằng.

Liên quan đến vụ việc trên, Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp) cho biết, theo quy định của pháp luật thì mọi hành vi phạm tội do người thực hiện phải được phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng, công minh theo đúng pháp luật, mỗi hành vi vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý một lần.

“Nếu một người thực hiện 1 hành vi vi phạm pháp luật đã bị cơ quan tố tụng khởi tố, điều tra thì các cơ quan khác sẽ không xử lý, trừ trường hợp một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật, mỗi hành vi đều thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm”, Luật sư Cường nhấn mạnh.

Cũng theo ông Cường, nguyên tắc trong đấu tranh phòng chống tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự là hành vi phạm tội xảy ra ở địa phương nào, địa bàn nào thì cơ quan tố tụng ở địa phương đó, địa bàn đó có thẩm quyền giải quyết. Trường hợp hành vi vi phạm pháp luật xảy ra ở nhiều địa phương, nhiều địa bàn thì nơi nào phát hiện đầu tiên thì nơi đó sẽ giải quyết.

Tuy nhiên, đối với hành vi vi phạm pháp luật thực hiện trên không gian mạng thì cơ quan nào phát hiện trước tiên thì cơ quan đó sẽ giải quyết mà không phụ thuộc vào việc người vi phạm cư trú ở đâu hoặc nạn nhân cư trú ở đâu hay hậu quả xảy ra ở đâu.

Điều này đã được quy định cụ thể, Điều 163 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về thẩm quyền điều tra vụ án hình sự và các điều 19, 20, 21 Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015.

“Về nguyên tắc thì trong trường hợp một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật ở nhiều địa phương, hành vi xảy ra ở mỗi địa phương đều cấu thành tội phạm thì có thể sẽ có nhiều cơ quan tiến hành tố tụng cùng xem xét xử lý.

Trường hợp một người thường xuyên sử dụng mạng xã hội thực hiện những những hành vi livestream, chửi bới xúc phạm người khác trên mạng xã hội, đưa ra những thông tin bịa đặt, sai sự thật làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống tâm lý sức khỏe của nhiều cá nhân, ảnh hưởng đến uy tín của các tổ chức nhiều lần, mỗi lần đều thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm thì có thể bị xử lý về một tội danh với tình tiết là phạm tội nhiều lần hoặc cũng có thể bị khởi tố về nhiều tội danh như tội: làm nhục người khác, vu khống, lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân khi cơ quan tố tụng có căn cứ cho rằng chủ thể đó có nhiều hành vi vi phạm và xâm phạm đến nhiều khách thể mà pháp luật hình sự bảo vệ”, Luật sư Cường cho hay.

Luật sư Cường cho biết thêm, trong trường hợp một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm ở nhiều địa phương thì có thể sẽ bị khởi tố ở nhiều địa phương nhưng sau đó cơ quan tố tụng cũng có thể nhập vụ án hình sự để một cơ quan điều tra xử lý theo quy định tại Điều 170 Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành.

Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp).
Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp).

Điều 170 bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định: cơ quan điều tra có thể nhập để tiến hành điều tra theo thẩm quyền trong cùng một vụ án khi thuộc một trong các trường hợp: bị can phạm nhiều tội; bị can phạm tội nhiều lần; nhiều bị can cùng thực hiện một tội phạm hoặc cùng với bị can còn có những người khác che giấu tội phạm hoặc không tối u tác tội phạm, tiêu thụ tài sản do bị can phạm tội mà có.

“Bởi vậy, trong trường hợp bà Nguyễn Phương Hằng bị cơ quan điều tra TP. Hồ Chí Minh và cơ quan điều tra tỉnh Bình Dương cùng khởi tố về một tội danh là tội Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân theo Điều 331 BLHS mà không bị xử lý thêm về tội danh nào khác thì cơ quan tiến hành tố tụng có thể sẽ nhập vụ án hình sự để cùng điều tra theo quy định tại điều 170 bộ luật tố tụng hình sự trừ trường hợp bị can phạm nhiều tội. Việc nhập vụ án hình sự sẽ gây khó khăn cho cơ quan điều tra hoặc cho những người bị hại.

Việc nhập vụ án hình sự hoặc tách vụ án hình sự có thể được thực hiện theo quy định của pháp luật nhưng không bắt buộc. Trường hợp bị can thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật ở nhiều địa phương khác nhau thì việc nhiều cơ quan điều tra cùng khởi tố về một tội danh là có thể xảy ra và cơ quan điều tra cũng có thể nhập vụ án hình sự để một cơ quan tiến hành điều tra nếu như việc nhập vụ án hình sự đó khiến việc điều tra thuận lợi hơn, nhưng vẫn đảm bảo các nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hình sự”, Luật sư Cường tư vấn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô trò Trường Mầm non Khong Hin (huyện Tuần Giáo, Điện Biên). Ảnh: NTCC

Ngăn chặn từ gốc bạo hành trẻ mầm non

GD&TĐ - Từ các vụ bạo hành trẻ mầm non ở một số cơ sở, nhóm lớp ngoài công lập gần đây, giải pháp ngăn chặn tình trạng bạo hành được ngành Giáo dục tăng cường.