Cô Dung thiện nguyện

GD&TĐ - Hơn 30 năm gắn bó với nghề là ngần ấy thời gian cô Lò Thị Tuyết Dung nỗ lực vượt khó. Ở cương vị nào thì cô cũng đều cố gắng đổi mới, sáng tạo. Tất cả chỉ với mong muốn giữ chân trò ở lại trường nhiều hơn...

Cô Dung trao quà cho học sinh có thành tích cao.
Cô Dung trao quà cho học sinh có thành tích cao.

Đổi mới để... nâng cao chất lượng

Tháng 11 đến trong không khí hân hoan của cả nước hướng về ngày nhà giáo Việt Nam 20/11. Đây là ngày mà cả xã hội dành trọn tình cảm, sự tôn vinh công lao của các thế hệ nhà giáo trên khắp miền Tổ quốc.

Năm nay, ngày này càng đặc biệt hơn với cô Lò Thị Tuyết Dung – Trưởng phòng GD&ĐT Thị xã Nghĩa Lộ, khi cô cũng là một trong những gương mặt được tôn vinh tại chương trình "Thay lời tri ân năm 2021" do Bộ GD&ĐT và Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp tổ chức. 

Công tác trong ngành Giáo dục đã hơn 30 năm, ở cương vị là giáo viên hay quản lý, cô Dung cũng đều có nhiều sáng tạo, đổi mới trong phương pháp làm việc. Từ những sáng kiến đó đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục nơi đây.

Theo chia sẻ của cô Dung, những năm qua, bản thân cô luôn tích cực tham mưu, đề xuất với lãnh đạo các cấp quan tâm đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp học. Từ một địa bàn với muôn vàn khó khăn, thiếu thốn, đến nay, Thị xã Nghĩa Lộ đã có gần 30 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm 83,3%. Trong đó, có 14 trường Mầm non, 4 trường Tiểu học, 1 trường THCS và 10 trường TH &THCS.

Từ việc chỉ đạo quyết liệt trong việc duy trì, nâng cao chất lượng dạy và học của Phòng GD&ĐT, các trường trực thuộc trên địa bàn đã cụ thể hóa vào thực tiễn. Nhờ đó, chất lượng giáo dục và đào tạo toàn huyện ngày càng được nâng cao.

Cơ sở vật chất các trường học đang được cải thiện và nâng cao chất lượng.

Cơ sở vật chất các trường học đang được cải thiện và nâng cao chất lượng.

Đơn cử như năm học 2020 – 2021, các cơ sở giáo dục trên địa bàn đã hoàn thành chỉ tiêu đề ra. Các trường Mầm non thực hiện tốt công tác chăm sóc giáo dục trẻ theo chương trình giáo dục. Với bậc Tiểu học, 100% học sinh hoàn thành chương trình và ra lớp. Đối với Bậc THCS, tỷ lệ học lực giỏi và khá đều tăng so với năm học trước; tỷ lệ tốt nghiệp THCS đạt trên 98%. Số học sinh tham gia các kỳ thi học sinh giỏi tăng cả về số lượng và chất lượng.

Theo thầy Đoàn Kim Chung – Hiệu trưởng Trường THCS Tô Hiệu, Thị xã Nghĩa Lộ cho biết: “Ngay từ đầu mỗi năm học, nhà trường đã quán triệt, thực hiện nghiêm tinh thần chỉ đạo của Phòng GD&ĐT. Quán triệt thực hiện nghiêm kế hoạch của năm học. Còn về phía giáo viên, các thầy cô trong trường luôn tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy. Nhờ đó mà chất lượng giáo dục hàng năm đều tăng cao. Như cá nhân tôi, tôi nhìn vào phong cách lãnh đạo, nhìn vào tấm gương nỗ lực của cô Dung để học tập phương pháp chỉ đạo, điều hành công việc”.

“Cô Dung luôn quan tâm rất sát sao đến công tác chuyên môn cũng như các hoạt động ngoài giờ lên lớp. Đặc biệt là “mô hình trường học”. Từ những chỉ đạo ở cấp trên, cô ấy đã cụ thể hóa phù hợp với thực tiễn tại địa phương. Từ đó, chỉ đạo sát sao, kịp thời nên các đơn vị trường học đều thực hiện rất thuận lợi”, thầy Chung nói thêm.

Cô Lò Thị Tuyết Dung
Cô Lò Thị Tuyết Dung

Không để em nào ở lại phía sau

Những năm gần đây, kinh tế của thị xã Nghĩa Lộ đã có những bước phát triển vượt bậc. Đời sống nhân dân có những chuyển biến tích cực. Một số nơi trên địa bàn đã được chuyển ra khỏi vùng kinh tế xã hội khó khăn theo Quyết định số 861 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 433 của Ủy ban Dân tộc. Điều này đồng nghĩa với việc không ít học sinh rơi vào tình trạng “mất” hỗ trợ như trước.

Sợ thiếu vắng học sinh, Phòng GD&ĐT thị xã đã chỉ đạo các trường trên địa bàn thực hiện tốt công tác rà soát và có những giải pháp cụ thể nhằm giúp đỡ học sinh thuộc các đối tượng trên.

“Chúng tôi cũng xác định, để chia sẻ khó khăn với học sinh, rất cần phải có sự chung tay của xã hội thông qua hoạt động xã hội hóa. Vì thế, ngay trong Lễ khai giảng năm học 2021-2022, Phòng GD&ĐT đã kết nối, huy động được các nguồn lực trao quà ủng hộ cho 1.488 học sinh, với số tiền gần  235 triệu đồng. Tuy số quà không lớn song phần nào cũng chia sẻ được khó khăn với các trường trong thời gian ban đầu”, cô Dung cho biết.

Cô Phu Minh Diệp, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phúc Sơn chia sẻ: “ Học sinh ở đây có nhiều em không được nhận hỗ trợ do địa phương thoát khỏi vùng kinh tế xã hội khó khăn. Ngoài những phần quà trao đầu năm, Phòng GD&ĐT đã kết nối, tiếp nhận sự hỗ trợ bằng vật chất của “Chi hội nữ doanh nhân Mường Lò” để học sinh có những bữa ăn trưa miễn phí tại trường. Từ đó, các em hào hứng đến trường học tập đầy đủ”.

Các cơ sở giáo dục trên địa bàn đã đổi mới phương pháp dạy học nhằm phát triển năng lực và phẩm chất cho học sinh.
Các cơ sở giáo dục trên địa bàn đã đổi mới phương pháp dạy học nhằm phát triển năng lực và phẩm chất cho học sinh.
“Ngay như đợt Tết Trung thu vừa rồi, phòng GD&ĐT cũng đã huy động được rất nhiều phần quà dành tặng cho học sinh nghèo vượt khó. Toàn bộ những suất quà lên tới hơn 60 triệu đồng cùng hàng chục chiếc xe đạp hỗ trợ cho các học sinh trên địa bàn. Các em vui lắm và rất hào hứng đến trường học tập”, cô Dung vui vẻ nói.

Theo cô Diệp, có thời điểm không còn nhận được sự hỗ trợ của nhà nước, có trường hợp học sinh ngại đến trường để học 2 buổi/ngày bởi nhà xa. Tuy nhiên, sau khi cô Dung đã tận tay đi “gõ cửa” các nhà hảo tâm, tìm kiếm được nguồn hỗ trợ, giáo viên nhiệt tình tuyên truyền, thuyết phục nên đã “giữ” được chân trò ở lại lớp.

“Quan điểm của lãnh đạo Phòng là phải vào cuộc một cách quyết liệt để đảm bảo sĩ số của từng lớp. Cùng với việc tuyên truyền, thuyết phục vận động học sinh, cô Dung cũng đích thân đi vận động, kết nối với các câu lạc bộ trên địa bàn để có những suất quà, hỗ trợ cho các cháu.

Nhờ đó mà tỉ lệ học sinh ra lớp vẫn đảm bảo. Ngoài ra, trường cũng nhận được nhiều hỗ trợ về đồ dùng nhà bếp, dụng cụ học tập,… Những món quà đó đều được trang bị từ nguồn xã hội hoá do cô Dung kêu gọi, kết nối”, cô Diệp bộc bạch.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ