Cô bé tội nghiệp có biệt danh "ma cà rồng" ấy chính là Lưu Thị Hằng, sinh năm 2006, ở Cán Khê (Như Thanh, Thanh Hóa).
Nhiều năm nay, bố mẹ Hằng buộc lòng phải xích em dưới chân cột nhà cũng bởi lý do Hằng có sở thích rất khác người, đó là ăn thịt sống.
Nếu thả ra, em có thể đuổi bắt chuột, gà thậm chí là cả cóc, khi bắt được thì bỏ vào mồm nhai ngon lành. Tâm sự về sự bất thường của con gái, chị Thúy khóc nói: "Cùng là kiếp người sao con tôi lại khổ đến thế?".
Sinh ra đã có 2 răng mọc ngược
Có lẽ, nguồn gốc của biệt danh "ma cà rồng" mà người ta đặt cho Hằng không phải vì sau này em có sở thích ăn thịt sống. Mà ngay từ khi mới lọt lòng ở hàm trên của Hằng, hai bên đã có hai chiếc răng mọc ngược, nhọn hoắt.
Hai chiếc răng ấy càng ngày càng dài ra, nó thậm chí còn đâm thủng lớp da trên môi của Hằng và chồi ra phía ngoài. Ngày ấy những đứa trẻ trong làng và những người ác khẩu đã gọi em là "ma cà rồng". Mỗi khi nghe người ta gọi con mình với biệt danh ác độc ấy, chị Quách Thị Thúy (mẹ Hằng) lòng lại quặn thắt.
Năm 2005, chị Thúy kết hôn với anh Lưu Huy Dũng là người cùng xã. Lấy nhau rồi anh chị được cho ra ở riêng với túp lều lụp xụp và 14 thước ruộng. Cưới nhau được vài tháng thì anh chị có tin vui. Lần đầu đi siêu âm, bác sĩ nói chị Thúy mang song thai.
"Hồi đó nghe bác sĩ nói thế tôi vừa mừng vừa lo. Một lúc đẻ được hai đứa con ai chả thích nhưng vợ chồng trẻ lại nghèo nữa, biết lấy gì cho chúng ăn sau này nên tôi cũng lo lắm.
Biết tôi suy nghĩ nhiều nên chồng tôi vẫn thường động viên. Anh ấy bảo "trời sinh voi sinh cỏ", rau cháo cũng thành người. Ngày tôi vượt cạn, hai đứa con tôi một trai một gái nhưng chỉ nặng chưa đầy 3 cân. Sức khỏe yếu lắm!" - Chị Thúy kể lại.
Vì nhẹ cân nên cả hai đứa con của anh Dũng và chị Thúy đều rất yếu. Riêng cô bé Hằng thì không những không cất tiếng khóc chào đời mà còn không thèm cả bú tí mẹ. Điều này khiến đôi vợ chồng trẻ thực sự lo lắng. Anh chị cứ cảm giác như có điều gì đó chẳng lành sẽ đến.
"Khi cháu Hằng gần một tuổi, vợ chồng tôi phát hiện ở hàm trên của cháu có hai chiếc răng nanh nhọn, dài mọc ngược hất lên trên. Cái răng đó cứ mọc dài dần rồi đâm cả vào môi trên của cháu, xuyên ra ngoài.
Mình là bố mẹ nhìn thấy đau lòng lắm chứ người ngoài nhìn thấy ai cũng sợ. Người ta ác khẩu nên đã gọi con bé là “ma cà rồng”. Vợ chồng tôi xót xa lắm" - Anh Dũng chia sẻ.
Nhìn thấy con như vậy, anh Dũng hoảng hốt, kêu gọi mọi người tới giúp. Rồi hai vợ chồng vay tiền, vay vàng đưa con xuống Bệnh viện Nhi Thanh Hóa điều trị.
Sau 3 ngày 3 đêm được các bác sỹ tận tình cứu chữa, cuối cùng cháu cũng qua cơn nguy kịch. Sau lần đó, thỉnh thoảng Hằng lại bị những cơn co giật hành hạ.
Cuộc sống của gia đình chị Thúy chưa một ngày bình yên. Khi em trai đã được bố mẹ cho đi học lớp vỡ lòng thì Hằng mới bắt đầu chập chững tập đi.
Giờ đã hơn 8 tuổi, đứa em trai sinh đôi đã học lớp 2, vậy mà Hằng thì chưa biết cất tiếng gọi mẹ, khi đói không biết đòi ăn, cho ăn không biết lúc nào no. Còn quần áo bố mẹ mặc lên người chưa đủ ấm thì đã bị em xé tả tơi rồi cho vào miệng nhai ngấu nghiến.
"Có lần bác hàng xóm đến chơi, thấy trời lạnh mà Hằng lại không có quần áo mặc nên bác vội chạy về nhà lấy bộ quần áo cũ của cháu mình sang rồi giục tôi mặc cho cháu đỡ lạnh.
Mặc xong cho cháu, tôi quay ra rót nước mời khách nên không để ý, lúc quay lại đã thấy con "trần như nhộng", miệng thì nhai nhồm nhoàm, dưới nền nhà thì quần áo tả tơi. Chứng kiến cảnh đó, bác hàng xóm chỉ biết đứng lắc đầu" - Anh Dũng buồn rầu kể.
Sở thích kinh hãi và cuộc sống xiềng xích
Chiếc xích trở thành vật bất li thân của Hằng từ nhiều năm nay. |
Cực chẳng đã vợ chồng chị Thúy buộc phải xích con dưới chân cột căn nhà ọp ẹp. Gọi là nhà cho oai, chứ thực sự nơi mà gia đình anh Dũng đang ở giống với một túp lều hơn.
Nền nhà không phải bằng gạch hoa, cũng chẳng phải gạch lát mà là đất lổn nhổn. Bốn bức tường được chát bằng bùn trộn với rơm. Cửa ra vào được che bằng tấm nứa. Trong ngôi nhà ấy chả có gì đáng giá ngoài chiếc tivi 14 inch cũ rích được một người tốt bụng nào đó cho.
Chị Thúy tâm sự, nếu không xích Hằng thì vợ chồng chị không sao kiểm soát nổi con. Nếu cứ ở nhà mà canh con thì lấy ai là người lo kinh tế để duy trì cuộc sống gia đình vốn nghèo tơi tả này.
Cả hai vợ chồng anh Dũng và chị Thúy chả có việc gì ngoài vài sào ruộng. Cứ xong mùa, anh Dũng lại phải để vợ con ở nhà và ra Hà Nội kiếm thêm việc làm. Ai thuê gì làm nấy, anh Dũng không được phép chọn lựa.
Anh Dũng bảo: "Tôi làm tất cả miễn sao nuôi được vợ con. Thế nhưng chưa ráo mồ hôi đã hết tiền vì con bé Hằng nhà tôi hay phải đi bệnh viện lắm. Tiền dành dụm cũng chả đủ đâu lại phải chạy vạy khắp nơi".
Nhiều khi nhìn con quanh quẩn bên sợi dây xích dưới chân cột nhà, chị Thúy không sao cầm lòng được. Mỗi lần như thế chị đều khóc. Chị khóc thương cho con, khóc thương cả cho mình và cho chồng. Nhiều lần chị ngẩng mặt lên trời than rằng: "Sao cũng cùng là kiếp người mà ông trời lại đày đọa con chị nhẫn tâm đến thế? Ông để nó sinh ra là người mà lại không cho nó cuộc sống của một con người?".
Đã nhiều lần chị Thúy cởi dây xích ra cho con và hy vọng nó đừng làm điều gì đáng tiếc. Thế nhưng mỗi lần thương con là mỗi lần chị Thúy lại phải hứng chịu hậu quả. Lúc thì cô bé Hằng lao ra đường, suýt bị ôtô đâm, lúc lại ngã xuống ao may nhờ có người nhìn thấy nên vớt lên kịp.
Chị Thúy vừa khóc vừa kể lại những lần chứng kiến con ăn thịt sống: "Có lần tôi ra vườn hái rau thì nghe tiếng gà kêu quang quác. Tôi vội vã chạy vào xem có chuyện gì thì đã thấy con gái vặt cái đùi gà bỏ vào mồm nhai ngấu nghiến.
Nhìn thấy con như thế tôi vừa bủn rủn và đau lòng lắm. Tôi chạy lại ôm nó vào lòng mà nước mắt cứ rơi lã chã. Nếu không xích con, nó sẽ lại đi rình bắt chuột, bắt cóc và bắt gà để ăn. Có người mẹ nào nhìn con bắt được con chuột rồi bỏ vào mồm nhai ngon lành mà không đứt từng khúc hả cô chú?".
Nhiều lần chị Thúy mang con đến trường mầm non với hy vọng bên cạnh những đứa trẻ cùng trang lứa Hằng sẽ có những tiến triển.
Nhưng những cơn co giật bất thường xảy ra với Hằng khiến chị Thúy thường xuyên phải đón con về nhà sớm. Do cũng không ý thức được hành vi của mình nên Hằng thường cắn, xé, cào các bạn khiến nhà trường không dám nhận em.
Nhìn thấy cánh tay anh rớm máu chúng tôi hỏi anh sao không băng bó, anh cho biết đó là vết cắn trong lúc Hằng ngủ say. "Khi cháu cắn, tôi và vợ chỉ biết nằm im, nếu phản ứng cháu sẽ cắn mạnh hơn mà không chịu nhả ra, cháu đã cắn là phải bật máu mới chịu nhả ra".
Vừa rồi, cháu Hằng được gia đình đưa đi viện để nhổ 2 chiếc răng nanh mọc xuyên ra ngoài. Giờ không còn ai gọi em là "ma cà rồng" nhưng cuộc sống bên chiếc xích sắt vẫn gắn liền với cô bé tội nghiệp.
Hình ảnh ngôi nhà xập xệ, rách nát và đứa trẻ tội nghiệp với chiếc xích quấn quanh chân cứ mãi ám ảnh trong tâm trí chúng tôi. Cứ nghĩ nếu không có điều kỳ diệu nào xảy đến chắc có lẽ suốt quãng đời còn lại của cô bé tội nghiệp ấy sẽ chỉ quẩn quanh bên chiếc xích dưới chân cột nhà mà thôi.