Chuyện về nhóm người 'làm việc lạ' trong đêm

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Gắn bó với nhóm vá đường tình nguyện được hơn 1 năm, anh Lê Văn Dũng cho biết bản thân hài lòng với những việc tốt đẹp mà nhóm đã và đang lan tỏa.

Những thành viên của đội vá đường tình nguyện miệt mài làm việc lúc tối trời.
Những thành viên của đội vá đường tình nguyện miệt mài làm việc lúc tối trời.

Đêm về khuya, dưới bóng sáng mờ ảo của đèn đường Tam Trinh (phường Yên Sở, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) một nhóm thanh niên lỉnh kỉnh với những bao tải màu trắng. Họ âm thầm vá những hố lồi lõm trên đường với ước mong sẽ không có ai gặp chuyện chẳng lành vì chúng.

Đèo đá vá đường

Đêm về khuya, phương tiện giao thông vắng dần, người thanh niên mặc áo phông xanh, dáng người đậm, đầu húi cua nhanh chân di chuyển ra sát lề đường Tam Trinh.

Anh dùng ánh đèn flash của chiếc điện thoại cầm trên tay ra hiệu cho các phương tiện đang di chuyển nhường đường trong khi 3 thanh niên còn lại vần bao tải đổ ra một thứ hỗn hợp đá và nhựa đường. Thứ hỗn hợp được họ nhanh chóng lấp đầy vào một chiếc ổ gà rộng chừng hơn 1m gần đó. Họ đang vá đường.

Thế nhưng, hỏi ra mới biết, họ chẳng phải công nhân của một doanh nghiệp nào cả, mà chỉ là những người vá đường với một mục đích rất cao đẹp là hạn chế cho những người tham gia giao thông khỏi gặp nạn vì “ổ gà”, “ổ voi” nằm chình ình trên đường. Trưởng nhóm vá đường này là anh Phạm Văn Hiếu (32 tuổi, trú tại xã Hà Hồi, huyện Thường Tín, Hà Nội).

Trong nhóm người này, anh Hiếu là người có thâm niên lâu nhất: Hơn 10 năm “đèo đá, vá đường”. Thuở nhỏ, do nhà nghèo, không có điều kiện ăn học tử tế nên anh Hiếu bám đất, bám ruộng để mưu sinh. Rồi thì ruộng đất cũng hoang hóa nhiều, anh Hiếu chuyển sang làm nhân viên giao hàng.

Gắn bó với nghề giao hàng nhiều năm nên đường phố Thủ đô anh Hiếu nắm trong lòng bàn tay. Trong lúc làm việc, từng bị và chứng kiến nhiều người gặp nạn do vướng phải “ổ voi”, “ổ gà” trên đường nên anh Hiếu đã nảy ra ý định vá lại những đoạn đường hư hỏng đó để người tham gia giao thông bớt đi phần nào nguy hiểm.

Nghĩ là làm, khi đi giao hàng anh Hiếu lưu lại trong trí nhớ những đoạn đường hư hỏng. Để rồi buổi tối hôm đó, anh mang theo cát sỏi, xi măng đến để vá đường. “Lúc đầu, tôi chỉ đơn thuần dùng xi măng để lấp đi những hố trên đường. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau đó, chỗ vá bị sụt lún, vỡ. Mãi sau này tìm hiểu, tôi mới biết đến và sử dụng hỗn hợp nhựa đường và đá dăm để vá đường”, anh Hiếu chia sẻ.

Thời gian đầu, cứ đều đặn sáng đi làm, tối đến anh Hiếu bỏ tiền túi ra mua dụng cụ, nguyên vật liệu và tự mình rong ruổi trên khắp các tuyến đường để tìm và vá đường. Khi nguyên vật liệu đã hết, lúc đó người đàn ông mới trở về nhà ăn cơm và nghỉ ngơi.

Hơn 10 năm ròng rã vá đường, anh Hiếu nói rằng bản thân chẳng thể nhớ đã vá được bao nhiêu chiếc ổ gà, ổ voi nữa. Tuy nhiên, khi di chuyển qua cung đường nào, vị trí nào đã được bàn tay mình tu bổ, anh đều dễ dàng nhận ra. “Nhìn những chỗ hư hỏng được lấp đầy, người dân di chuyển an toàn, bản thân tôi như có thêm động lực để làm tiếp công việc này”, anh Hiếu chia sẻ.

Anh Lê Văn Dũng dùng búa đập nhỏ những nguyên vật liệu để vá một 'ổ gà' tiềm ẩn nguy hiểm trên đường Tam Trinh.

Anh Lê Văn Dũng dùng búa đập nhỏ những nguyên vật liệu để vá một 'ổ gà' tiềm ẩn nguy hiểm trên đường Tam Trinh.

Học sinh, sinh viên, người cao tuổi cùng đồng hành

Đến năm 2016, công việc thiện nguyện của anh Hiếu được nhiều người biết đến. Cảm cái tấm lòng thiện tâm của anh nên nhiều người đã tình nguyện đăng ký tham gia và thành lập lên một “Câu lạc bộ vá đường”. Nhóm ấy có lúc lên đến hơn 100 người và được tổ chức bài bản với đủ mọi thành phần từ học sinh, sinh viên, đến các ông bà đã ngoài 70 tuổi.

Gắn bó với nhóm vá đường tình nguyện được hơn 1 năm, anh Lê Văn Dũng cho biết bản thân hài lòng với những việc tốt đẹp mà nhóm đã và đang lan tỏa. Về cơ duyên đến với nhóm, anh Dũng kể, cách đây khoảng hơn 1 năm, trên đường đi làm về, mặc dù trời đã tối nhưng qua ánh sáng của ngọn đèn đường, anh thấy anh Hiếu vẫn lúi húi cầm búa đục đẽo nền đường.

Nghĩ rằng có người cần giúp đỡ, anh Dũng tiến lại hỏi chuyện và biết được việc làm ý nghĩa của anh Hiếu. Thế là, buổi vá đường tình nguyện đầu tiên của anh Dũng đến ngay lúc đó. Sau khi hoàn thành xong công việc, hai người thanh niên trao đổi số điện thoại và anh Dũng trở thành một thành viên trong nhóm.

Sáng làm công nhân, tối tham gia nhóm vá đường, dù mệt nhưng anh Dũng chia sẻ bản thân chưa bao giờ nghĩ sẽ dừng lại. “Đôi khi bị nói là gàn dở, nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm, đền đáp những người luôn ủng hộ”, anh Dũng chia sẻ.

Phong (người dân tộc Mông, quê Lào Cai) có lẽ là thành viên nhỏ tuổi nhất trong nhóm vá đường tình nguyện. Phong chia sẻ, cơ duyên để cậu đến với nhóm cũng thật tình cờ. Là sinh viên năm nhất học tập tại một trường đại học trên địa bàn Hà Nội nên ngoài thời gian lên giảng đường, Phong chẳng mấy khi bước chân ra khỏi phòng.

Trong một lần trò chuyện và được nghe những câu chuyện tử tế về nhóm vá đường của anh Hiếu, cậu sinh viên đồng ý tham gia. Thế rồi cũng từ đó đến nay, bất cứ khi nào nhóm có lịch, Phong cũng đi theo và rong ruổi khắp các ngõ phố của Thủ đô để vá đường.

Anh Phạm Văn Hiếu dùng đèn flash điện thoại cảnh báo cho phương tiện tham gia giao thông tại đoạn đường nhóm đang sửa chữa.

Anh Phạm Văn Hiếu dùng đèn flash điện thoại cảnh báo cho phương tiện tham gia giao thông tại đoạn đường nhóm đang sửa chữa.

Theo Phong, đây là một công việc rất ý nghĩa. Những đoạn đường được nhóm vá không chỉ góp phần làm giảm thiểu tai nạn giao thông cho người đi đường, mà còn làm đẹp thêm cảnh quan đô thị. Chưa biết tương lai sẽ ra sao nhưng Phong tâm sự rằng, ít nhất trong thời gian còn học tập tại Hà Nội, cậu sẽ vẫn là một thành viên tích cực của nhóm.

Anh Phạm Văn Hiếu chia sẻ, hơn 10 năm gắn bó với công việc đặc biệt này, thời gian đầu, anh nhận được nhiều ý kiến gièm pha của mọi người. Ngay cả những thành viên trong gia đình cũng thấy anh là một kẻ gàn dở.

Thế nhưng, chính mong muốn về việc không còn xảy ra tai nạn đáng tiếc nào của anh đã thuyết phục được mọi người. Họ thêm quý và không còn xì xào về những việc anh làm như trước nữa.

“Trước đây, nguyên vật liệu dùng để vá đường tôi đều tự bỏ tiền túi ra để mua. Thế nhưng khi biết công việc tôi làm, nhiều đơn vị thi công đường còn thừa nguyên vật liệu cũng tìm cách liên hệ để chúng tôi đến lấy. Đó được xem như thành công bước đầu khi không phải mất thêm chi phí. Đáng nói hơn là hoạt động của nhóm đã được mọi người ghi nhận”, anh Hiếu tâm sự.

Là nhóm vá đường tình nguyện nhưng hoạt động của nhóm đều tuân thủ theo quy định. Với những đoạn đường diện tích hư hại nặng, nhóm anh Hiếu đều xin phép chính quyền địa phương để tiến hành sửa chữa. Trong khi đó, với đoạn đường hư hỏng nhẹ, nhóm sẽ tự mang nguyên vật liệu đến để sửa chữa.

“Còn hố tôi còn làm, còn hỏng là còn vá, vì tôi không muốn thấy bất kỳ vụ tai nạn đau thương nào do những ổ, hố sụt gây nên”, anh Hiếu chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) được đầu tư xây dựng khang trang. (Ảnh: Thế Lượng)

Hai 'bông hoa' ở trường vùng biên xứ Thanh

GD&TĐ - Hai nữ sinh Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) đã vượt khó, nỗ lực phấn đấu khi đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử và Ngữ văn.