15 năm tự nguyện vá đường

GD&TĐ - Nghèo và phải làm đủ thứ nghề để sống nhưng bà Nguyễn Thị Phượng Thu (53 tuổi, ngụ khóm 1, phường 4, TP Sa Đéc, Đồng Tháp) lại dùng hết số tiền có được để mua cát, đá, xi măng… làm chuyện bao đồng: vá đường.

Bà Thu vá đường
Bà Thu vá đường

Bà Thu từng có một mảnh đất nhỏ do cha mẹ để lại nhưng sau mấy trận sạt lở đã bị cuốn mất, do vậy bà phải thuê nhà để ở với giá 1 triệu đồng/ tháng. Bà có chồng, nhưng chồng bà bị nghiện rượu và cờ bạc nên không làm được gì. Bà có con, nhưng các người con của bà đều đã lập gia đình và cũng nghèo… như bà.

Trước đây, với chiếc ghe là tài sản duy nhất, hàng ngày, bà Thu chèo ghe trên sông để bán tạp hóa, rau cải, nước mắm, nước tương… Sau này, với sự phát triển của giao thông đường bộ, việc mua bán gặp khó, bà đành bỏ nghề lên bờ kiếm kế sinh nhai. Gom hết vốn liếng, bà mua được chiếc xe ba gác để đi thu mua ve chai. Được một thời gian, bà chuyển sang gánh xôi, chè, bánh bông lan… đi hết xóm này sang xóm khác để bán.

Hàng ngày, từ 6 giờ 30 đến 3 giờ chiều, bà Thu đi hái thuốc nam. Công việc này đã gắn liền với bà hơn 30 năm nay. Lúc trước bà chỉ biết đến cây trinh nữ, bây giờ hầu như loại cây cỏ nào bà cũng biết tên. Ngày trước không có điều kiện nên chỉ đi hái ở những nơi gần nhà, còn nay đi khắp các tỉnh như: Cần Thơ, Vĩnh Long, Trà Vinh, Đồng Tháp vì có xe gắn máy. Số thuốc hái được, bà đem về chặt, lựa, phơi khô rồi vô bao chở lại các phòng thuốc nam hoặc chùa chiền để hiến tặng.

Trong lúc đi hái thuốc cứu người, thấy nhiều tuyến đường bị xuống cấp nham nhở khiến người tham gia giao thông hay bị gặp tai nạn, bà Thu bức xúc nghĩ đến việc phải “vá” lại những chỗ hư hỏng. Bà nói: “Nhiều lần tôi chứng kiến cảnh người dân qua lại chỉ vì tránh những ổ gà mà xảy ra va chạm dẫn đến thương tích, thậm chí mất mạng. Lúc đó bản thân tôi hoang mang lắm và nghĩ phải làm việc gì đó để hạn chế thấp nhất những rủi ro như thế này”.

Để có chi phí thực hiện việc vá đường, hàng ngày, bà Thu rửa bát thuê cho tiệm phở, giặt quần áo, lượm ve chai, chạy xe ôm… Bà nói ai mướn gì làm nấy, miễn không phạm pháp và có tiền là được. “Trong lúc phụ việc ở quán, nếu có người cần xe ôm tôi cũng làm luôn. Có ngày chạy 3-4 cuốc kiếm cũng được vài chục ngàn nhưng nhiều lúc chẳng có khách nào. Tính ra tiền này, tiền nọ mỗi ngày thu nhập cũng khoảng 200.000 đồng”, bà thật tình chia sẻ.

Bà Thu làm công việc vá đường đã được 15 năm nay. Ban đầu nguyên liệu chỉ là than đá nhưng thấy không mấy hiệu quả bà chuyển sang vá bằng xi măng. “Than đá khi gặp mưa hay bị lún không giữ được lâu, còn xi măng thì chắc chắn, an toàn”, bà giải thích. Có hôm bà làm đến 3 giờ chiều mới về vì phải canh cho xi măng khô. Bà kể về cái khó của công việc “bất đắc dĩ” này: “Có nhiều lần đang ngồi vá, do đường chưa khô nên xe chạy qua, hồ trộn văng đầy mặt mày, quần áo mà không dám la, bởi sợ họ tránh, té còn nguy hiểm hơn”.

Vì lo vá đường mà quên cả việc ăn cơm là chuyện bình thường của bà Thu. Có khi buổi sáng bà chỉ uống một cốc trà đá tại quán phở của chủ rồi mua ổ bánh mì không lót dạ, vì nghĩ ăn cơm sẽ không còn tiền để mua xi-măng. Nhiều người đi ngang ghé đóng góp tiền nhưng bà đều từ chối. “Giờ tôi có bao nhiêu vốn thì làm bấy nhiêu, nếu sau này không tiền sẽ trở lại vá bằng than đá. Có nhiều người nói tôi nhà còn không có để ở, cơm không có để ăn mà tối ngày vá đường, rách việc”, bà Thu hồn nhiên kể.

Là hàng xóm gần nhà, chứng kiến những việc làm hơn người của người phụ nữ nghèo khổ này, ông Võ Hồng Điệp nhận xét: “Hiếm có ai tốt bụng được như cô Thu. Mỗi lần đường bị hư là cô tự nguyện làm và chỉ khi nào xong việc cô mới về nhà”.

Với những gì đã làm, nhiều lần bà Thu được chính quyền địa phương trao tặng giấy khen, bằng khen nhưng bà đều từ chối không dám nhận vì cho rằng, so với những chiến sĩ công an đi bắt cướp đây chỉ là “việc lẻ tẻ”! Chính từ cách nghĩ đó mà vừa qua bà được Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương tặng bằng khen kèm số tiền thưởng kha khá, bà liền dùng nó ngay vào việc vá lộ.

Bà kể vui: “Trước đó mấy ngày liền tui ngủ không được vì muốn vá đường mà nhà chỉ còn đá với cát. Lúc đó tui ước gì mình chỉ cần trúng vé số được 500.000 đồng để mua 5 bao xi-măng thôi thì tha hồ mà làm. Nào ngờ mấy hôm sau, tui được gọi lên phường nhận 1.210.000 đồng, mừng quá nên liền chạy ra tiệm vật liệu mua một khối đá, khối cát và chục bao xi-măng về làm”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ