Marion Donovan chào đời với tên khai sinh là Marion O’Brien tại Nam Bend (tiểu bang Indiana, Mỹ) vào năm 1917. Mẹ bà qua đời khi con gái còn nhỏ, và chính người cha - vốn là kỹ sư kiêm nhà phát minh tự học - đã khuyến khích con gái tự động não trong lúc còn đang học tiểu học.
Sau khi tốt nghiệp đại học, Donovan làm biên tập viên cho các tạp chí nữ giới ở New York, trước khi lấy chồng và định cư ở tiểu bang Connecticut. Chính ở đó, khi thấy một bà mẹ trẻ phát ốm khi phải liên tục thay những chiếc nôi bị ướt đẫm bởi con trẻ, Donovan bỗng nẩy ra một ý tưởng táo bạo. Theo quan điểm của bà Donovan, tã vải “dùng như một cái bấc hơn miếng bọt biển” trong khi những cái quần cao su có thể gây ra chứng hăm tã khiến trẻ đau. Vì vậy Donovan quyết định tạo ra một loại tã tốt hơn. Donovan đã hạ tấm rèm cửa nhà mình xuống và cắt nó ra thành nhiều mảnh nhỏ, rồi khâu các mảnh lại tạo thành một cái tã chống thấm nước. Từ đây dẫn đến việc ra đời một cái tã làm bằng loại vải dù thoáng khí, trong tã được chèn một miếng thấm nước.
Bà Donovan đặt tên cho “phát minh” của mình là Boater. Nhưng các nhà sản xuất chả mấy ai quan tâm. Sau này, bà Donovan kể lại với nhà báo Barbara Walters rằng: “Tôi đã đi tới tìm những tên tuổi lớn và ở đâu họ cũng nói đại loại một kiểu rằng “Chúng tôi không muốn đâu”. Nhưng những bà mẹ trẻ lại quan tâm tới sản phẩm của tôi. Họ rất sung sướng khi mua quần tã cho con của họ. Vì vậy, tôi tự mình sản xuất”. Năm 1949, Donovan bắt đầu bán “Boater” tại Saks Fifth Avenue. Hai năm sau đó, Donovan bán lại công ty và các bằng phát minh của mình cho Nghiệp đoàn Keko với mức giá 1 triệu USD.
Donovan đã xem xét tới việc phát triển tã bằng cách dùng giấy thấm, nhưng các giám đốc điều hành (CEO) tại thời điểm đó có vẻ không quan tâm. Pampers, loại tã dùng một lần được sản xuất hàng loạt đầu tiên, đã không gây tiếng vang trên thị trường cho mãi đến năm 1961.
Tã Boater không phải là phát minh cuối cùng của bà Donovan. Tổng cộng bà đã được công nhận 20 bằng sáng chế, với những sản phẩm như dây kéo dùng cho loại váy có khóa kéo ở phía sau, hoặc một loại thiết bị xỉa răng mới.
Những chiếc túi ghim tăm xỉa răng do Donovan sáng chế vào năm 1991 |
Bà Donovan đã phát minh ra một loại “tủ quần áo” mang tên Big Hang-Up |
Sau khi Donovan tạ thế vào năm 1998, con của bà đã hiến tặng những bài báo viết về mẹ cho Trung tâm lưu giữ hồ sơ của Bảo tàng lịch sử quốc gia Mỹ (Smithsonian) gồm 17 cái hộp chứa đầy ắp các ghi chú, bản vẽ, bằng sáng chế, bài viết, sổ lưu niệm, giấy tờ cá nhân và ảnh chụp.
Bộ sưu tập của bà Donovan được sử dụng thường xuyên bởi các học giả mà nhiều người trong số họ nghiên cứu về lịch sử của phụ nữ hay lịch sử công nghệ. Ông Oswald, người đã mua bộ sưu tập của Donovan để đưa vào kho lưu giữ, phát biểu: “Bộ sưu tập của bà Donovan khá toàn diện cho một nhà phát minh nữ ở thời kỳ này. Chúng tôi thực sự may mắn vì gia đình bà ấy đã cứu được nhiều hiện vật quan trọng, nếu không thì hồ sơ phát minh có thể bị tản mác khắp nơi”.
Bà Christine, con gái cả của bà Donovan nhớ lại mình đã lớn lên trong ngôi nhà lớn như một phòng thí nghiệm. Bà kể về mẹ: “Mẹ tôi luôn vẽ hay làm việc với các loại vật liệu: dây cáp, nhựa, nylon, giấy. Mẹ đặt văn phòng ngay trên nhà để xe, nhưng thật lòng mà nói thì khắp mọi ngóc ngách nhà đều có bảng vẽ của bà. Mẹ luôn xuất hiện ở nhà bếp, nhưng đôi khi không nấu thức ăn mà là… đun nóng sắt và mát-tít”. Trong ký ức các người con của bà Donovan thì ngôi nhà của họ với cơ man các dây chuyền lắp ráp và dung môi sủi bọt sùng sục trên bếp lò được xem là hết sức bình thường. Christine và hai người em gồm trai và gái của mình thường giúp hoàn thành các phát minh của mẹ. Bà nhắc lại một chi tiết: “Tôi nhớ rằng mình hay đặt miếng thấm vào trong cái tã nylon”.
Nhà phát minh Donovan từng lấy bằng về kiến trúc tại Trường Đại học Yale vào năm 1958. Bà là một trong số 3 phụ nữ tốt nghiệp khoa kiến trúc khi ấy. Bà tự thiết kế ngôi nhà mình ở Connecticut.
Trong suốt cuộc đời mình, những người phụ nữ đã thay hàng ngàn cái tã để nuôi con cái hay chăm sóc các cháu nội/ngoại. Và nhờ những phát minh quý giá của bà Marion Donovan mà hàng triệu bậc cha mẹ đã nuôi con cái dễ dàng hơn.