Với chức vụ Chủ tịch HiSilicon, Teresa He Tingbo đang điều hành đơn vị cung cấp chip bán dẫn Huawei. Đây là công ty thành viên đóng vai trò chủ chốt sau khi tập đoàn Trung Quốc bị liệt vào danh sách nhập khẩu có điều kiện và các đối tác từ Mỹ quay lưng.
|
Trước tháng 5, ít ai biết He Tingbo là một trong ba người phụ nữ giữ ghế điều hành tại Huawei. Hai người còn lại gồm Chủ tịch bộ phận Quan hệ công chúng và Truyền thông Lifang Chen và Mạnh Vãn Châu, Giám đốc tài chính, con gái nhà sáng lập Nhậm Chính Phi.
Nhà lãnh đạo kín tiếng nhất Huawei
Theo lý lịch được đăng tải trên trang web của Huawei, Teresa He Tingbo sinh năm 1969, có bằng Thạc sĩ tại Đại học Bưu chính Viễn thông Bắc Kinh.
Bà gia nhập Huawei vào năm 1996 và lần lượt trải qua nhiều cương vị quan trọng như kỹ sư trưởng, Giám đốc nghiên cứu và phát triển ASIC (mạch tích hợp dành riêng cho ứng dụng) tại HiSilicon, Phó chủ tịch nhóm nghiên cứu sáng kiến 2012 Laboratories.
Hầu như không tìm được thông tin gì khác về nữ giám đốc này trước khi bản ghi nhớ nội bộ của bà xuất hiện vào giữa tháng 5, hai ngày sau khi chính quyền Mỹ tuyên bố cấm vận tập đoàn Trung Quốc.
Trong một cuộc phỏng vấn với Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) phát sóng ngày 26/5, nhà sáng lập Nhậm Chính Phi tiết lộ He Tingbo kín tiếng đến mức nhiều hình ảnh xuất hiện trên Internet được gán cho chức danh chủ tịch HiSilicon thực ra không phải là của bà.
|
"Tại sao chúng ta phải cho thế giới bên ngoài biết về những gì HiSilicon đã đạt được? Tôi nghĩ không cần", ông Nhậm phát biểu. "Những người đến nhận giải thưởng không phải là nhà phát minh thực sự, vì chúng tôi không để các nhà phát minh thực sự đi nhận giải", Chủ tịch Huawei ám chỉ vai trò to lớn nhưng lặng thầm của Teresa He Tingbo.
Theo SCMP, khi HiSilicon trở thành một phần của Huawei vào 2004, Nhậm Chính Phi hứa sẽ cung cấp cho He Tingbo nguồn nhân sự cần thiết cùng khoản kinh phí 400 triệu USD phục vụ nghiên cứu và phát triển hàng năm. Đó là thời điểm Huawei chi dưới 1 tỷ USD mỗi năm cho R&D toàn tập đoàn.
"Chiếc lốp dự phòng" quan trọng
Khi Huawei chuyển trọng tâm sang thị trường smartphone, đặt mục tiêu trở thành thương hiệu số 1 thế giới, HiSilicon đã có đóng góp to lớn với dòng chipset Kirin.
Theo kết quả nghiên cứu do Digitimes Research công bố, doanh thu năm ngoái của đơn vị này tăng 34,2%, vượt qua MediaTek để trở thành nhà thiết kế chip bán dẫn lớn nhất châu Á. Tuy nhiên, vai trò của HiSilicon chưa dừng lại ở đó.
Trong một văn bản nội bộ ngày 17/5, He Tingbo tiết lộ HiSilicon đã dành nhiều công sức chuẩn bị kế hoạch dự phòng cho tình huống không thể mua được chip từ Mỹ.
|
Thông tin gây chấn động trong thời điểm dư luận lo ngại lệnh cấm từ chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ đẩy Huawei đến bờ vực diệt vong.
Qua bản ghi nhớ, He Tingbo khẳng định "Kế hoạch B" của HiSilicon sẽ đảm bảo cung ứng đủ chip cho hoạt động của Huawei, tránh được tình trạng gián đoạn nguồn linh kiện.
HiSilicon có hơn 7.000 nhân viên, văn phòng đặt tại Trung Quốc và nhiều nơi trên thế giới. Đơn vị này chịu trách nhiệm thiết kế mạch tích hợp cho các sản phẩm của Huawei. Chip do họ phát triển dùng công nghệ được ARM cấp phép và thuê bên thứ ba gia công.
Những mẫu chipset khác nhau của HiSilicon đã được chứng nhận ở hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, có mặt trong smartphone, tablet, máy chủ, camera an ninh do Huawei sản xuất.
Sau khi những đơn vị cung ứng chip lớn nhất toàn cầu như Intel, Qualcomm, Broadcom ngừng hợp tác, HiSilicon được xem là cứu tinh của Huawei.