Vĩnh Long là miền đất học. Nơi đây, để ghi nhớ công ơn 20 nhà giáo vượt qua bao mưa bom bão đạn gieo chữ, người dân địa phương đã lập nên miếu có tên gọi Ân Sư Từ (Ơn thầy).
Lời dặn dò còn văng vẳng
Miếu Ân Sư Từ nằm nép mình bên bờ sông Tiền, phía thượng nguồn vàm Bà Cò, thuộc ấp Phú Thuận 1, huyện Long Hồ, Vĩnh Long. Ân Sư Từ có kiến trúc đặc biệt. Nóc miếu có đúc biểu tượng quyển sách và cây bút.
Phía trước ngôi miếu là hai câu đối do nhà nghiên cứu văn hóa Trương Ngọc Tường (quê Tiền Giang) thủ bút: “Thầy cô cũ qua rồi, lời dặn dò vẫn còn văng vẳng/ Nền trường xưa còn đó, tuổi ngây thơ sống dậy ngậm ngùi”.
Bên trong ngôi miếu, ngay giữa chính điện là bức bình phong đề bốn chữ “Tôn sư trọng đạo”. Phía dưới là dòng “Cung thỉnh chư vị ân sư” cùng tên tuổi của 20 thầy, cô giáo đã quá vãng.
Hai bên bức bình phong còn có hai câu đối hay: “Đức hạnh sáng soi đèn Bắc đẩu? Hiền tài nối tiếp nước Tiền giang”. Ngoài ra, miếu còn có chân dung của 18 thầy, cô giáo (có hai người không tìm được di ảnh) được họa trên gốm đỏ đặt trên bệ thờ.
Miếu Ân Sư Từ nằm trong khu vực một ngôi trường xưa lập từ năm 1919. Ấy là Trường Elementaire Ecole Ninh Thuận, dân gian thường gọi là Trường Bà Cò, vì nằm ngay vàm sông Bà Cò.
Sau Chiến tranh Thế giới thứ nhất, nước Pháp kiệt quệ nên đã sáp nhập nhiều làng lại với nhau để giảm bộ máy hành chính. Trường Elementaire Ecole Ninh Thuận xưa có ba lớp: Đồng ấu, dự bị và cơ bản, tương đương lớp 1, 2 và 3 hiện nay.
Địa danh Ninh Thuận là do Pháp dồn hai thôn Phú Thuận và Hòa Ninh thành một để dễ kiểm soát. Ninh Thuận xưa đầy cách trở, cầu tre lắt lẻo. Nhà này sang nhà kia phải bơi xuồng. Cặp bờ kênh rạch có nhiều cây gừa, cây sộp tàn lớn sà ngang con rạch. Người dân lợi dụng các nhánh cây “sà ngang” ấy để làm… cầu qua kênh rạch.
Ngày xưa nơi đây là sông Đại Tuần, gối đầu lên sông Cổ Chiên, rộng lớn như biển cả. Gặp mùa gió Nam, gió chướng, là không qua sông được, nếu đi là phải đánh đổi bằng cả mạng sống.
Việc học hành khi đó cũng gặp vô cùng khó khăn do bom đạn thực dân Pháp bắn phá. Tuy nhiên trong khó khăn, cách trở ấy vẫn có những thầy cô giáo mang đầy nhiệt huyết đến vùng đất này khai chữ, mở mang dân trí cho xứ cù lao Minh. Họ đều là những người được đào tạo sư phạm chính quy ở Sài Gòn.
Thầy giáo đầu tiên đến trường là ông Giáo Chánh ở Tân An; ông Giáo Khảm ở Giồng Ké, Vũng Liêm, Vĩnh Long… Thầy Phan Văn Cam về trường năm 1926, rồi thầy Lê Văn Tình, Trần Văn Có, Vương Kim Liêng, Trần Gi Minh (1943 - 1944) là những nhà giáo yêu nước tham gia kháng chiến.
Thầy Phan Văn Nhạc về trường lúc nổ ra Cách mạng Tháng Tám, thầy Trương Ngọc Hữu là thủ lĩnh Thanh niên Tiền Phong… Những lúc vắng người, nhiều thầy còn giảng riêng cho từng trò nghe về lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Về sau, nhiều thế hệ học trò của các thầy tham gia kháng chiến chống Pháp và Mỹ.
Hằng năm, các thầy, cô giáo đều về đây tưởng nhớ công ơn nhà giáo vượt bom đạn dạy chữ cho trò. |
Dành lương hưu xây miếu thờ thầy giáo
Để bày tỏ lòng tôn kính những người thầy giáo quá vãng, ông Nguyễn Hồng Tâm, sinh năm 1946, cư ngụ tại xã Đồng Phú, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long đã tự lập miếu trang nghiêm có tên gọi “Ân Sư Từ”. Ngày ngày, ông hương khói để ghi nhớ công ơn những người đã gieo cái chữ ở xứ cù lao này từ thời Pháp thuộc.
Không phải là học trò của 20 thầy giáo trên, nhưng tấm lòng của ông Tâm thật đáng quý. Hỏi động cơ nào khiến ông đi đến quyết định dựng miếu thờ các thầy, ông bảo bởi sinh ra và lớn lên trong khói lửa chiến tranh, chuyện học hành ở cái xứ cù lao này quá ư là khó, nên ông trọng sự học.
“Tôi thuộc thế hệ sau, không được học trực tiếp từ những thầy giáo ấy. Nhưng tôi được các anh, các chú dạy chữ. Những người học trò của các thầy khi học được những con chữ ít ỏi về dạy lại cho lũ trẻ quê tôi. Hồi ấy, tụi tôi đến tuổi đi học đều chăn trâu”, ông kể.
Ông Nguyễn Hồng Tâm, người có công tìm hiểu và xây dựng nên Ân Sư Từ. |
Ân Sư Từ đã trở thành một địa chỉ đỏ để người dân địa phương tìm đến tri ân sự học, tri ân nhà giáo. Đặc biệt ngày Tết, ngày 20/11… nhiều đoàn khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan nơi đây để được nghe kể về truyền thống hiếu học, tinh thần tôn sư trọng đạo của đất và người quê hương Vĩnh Long.
Năm 1966, ông Tâm đi bộ đội cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, mới trở lại quê nhà. Tình cờ nghe những bậc cao niên trong làng trong lúc “trà dư, tửu hậu” nhắc lại các vị “ân sư”, thế là ông Tâm lân la tìm hiểu, ghi chép. Cuối cùng ông đã tìm được tư liệu, tên tuổi, thời gian đến dạy và đi của 20 thầy giáo ở Trường Elementaire Ecole Ninh Thuận.
Có tư liệu trong tay nhưng ông Tâm không biết phải làm thế nào để bày tỏ tấm lòng tri ân đối với các thầy giáo quá vãng. Sau nhiều đêm trằn trọc và được nhiều người góp ý, năm 2000 ông quyết định lập một ngôi miếu ngay trên phần đất của nền trường học cũ, từ những đồng lương hưu ít ỏi.
Ông muốn ghi lại công trạng người thầy bằng một miếu thờ cạnh bờ sông “để dân xứ này thế hệ trước sau, người già, kẻ bé luôn hiểu công khai sáng lớn như thế nào”.
“Ngày nay có xe máy, có đường mà vẫn rất khó đi và mất thời gian như thế. Trong lúc hồi xưa các thầy đi dạy là đi bộ, vượt đường mòn, đường rừng, vừa phải tránh mưa bom, bão đạn, chưa kể còn gặp phải rắn rết, bị cướp, mất mạng như chơi. Như vậy mới thấy tấm lòng của các thầy quý đến dường nào. Nếu không có thầy thì dân xứ này làm sao biết chữ Quốc ngữ”, ông Tâm nói thêm.
Biết việc làm cao quý của ông, nhiều thế hệ học trò cũ, đồng hương, giáo chức và mạnh thường quân đã ủng hộ hơn 30 triệu đồng để xây dựng.
“Thế nhưng, lúc này tôi lại có thêm nỗi lo khác. Vì lập miếu dễ nảy sinh mê tín dị đoan. Một lần gặp nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Trương Ngọc Tường (Tiền Giang) tôi mời về nhờ giúp đỡ. Ông Tường đã cho tôi ba chữ “Ân Sư Từ” thay cho miếu mạo. Rồi ông Tường còn tặng mấy câu đối và cách bày trí, thể hiện nơi thờ tự”, ông Tâm bộc bạch.