Bất ổn thành viên Hội đồng trường là người bên ngoài

GD&TĐ - Cho đến nay có khá nhiều thành viên Hội đồng trường bị miễn nhiệm, trong đó có không ít trường hợp vi phạm pháp luật...

Mới đây, Hội đồng trường Trường ĐH Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TPHCM) cho biết trong phiên họp quý 4/2024, đơn vị sẽ xem xét miễn nhiệm tư cách thành viên Hội đồng trường đối với ông Nguyễn Anh Thi - Bí thư Đảng ủy, Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao TPHCM. Trước đó trong tháng 9, Hội đồng trường này cũng xóa tên TS Đinh Minh Hiệp - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM.

Cho đến nay có khá nhiều thành viên Hội đồng trường bị miễn nhiệm, trong đó có không ít trường hợp vi phạm pháp luật, thậm chí bị khởi tố, bắt giam. Có thể kể như ông Nguyễn Cao Trí (Trường ĐH Văn Lang), ông Nguyễn Công Khế (Trường ĐH Luật TPHCM), ông Trần Văn Tân và ông Lê Ngọc Tường (Trường ĐH Quảng Nam)… Đáng chú ý, đa số thành viên Hội đồng trường bị miễn nhiệm với lý do vi phạm pháp luật đều là những người ở bên ngoài nhà trường.

Theo Luật Giáo dục đại học, thành viên Hội đồng trường ngoài trường chiếm tỷ lệ tối thiểu là 30%. Sự có mặt của những thành viên này nhằm đảm bảo kết nối giữa đào tạo và thực tiễn, gắn đào tạo với nhu cầu xã hội. Thời gian qua, không ít thành viên Hội đồng trường bên ngoài trường là người có uy tín và tầm ảnh hưởng, trách nhiệm đã tham gia tích cực và đóng góp cho các nhà trường phát triển. Tuy vậy bên cạnh đó còn nhiều thành viên có vai trò mờ nhạt, đóng góp rất ít cho nhà trường, thậm chí nhiều cuộc họp quan trọng không có mặt.

Tại tọa đàm “Mô hình cơ cấu tổ chức Hội đồng trường giai đoạn mới” do CLB Chủ tịch Hội đồng trường (trực thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) tổ chức, TS Nguyễn Viết Lộc - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ GD&ĐT cho biết: “Một số Hội đồng trường có thành viên ngoài trường không tham gia cuộc họp nào, không đóng góp gì nhưng Hội đồng trường không đánh giá và cũng không có cơ chế để làm sao miễn nhiệm, thay thế thành viên mới có đóng góp tốt hơn”.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng một số thành viên Hội đồng trường là người bên ngoài “hữu danh vô thực”, hoặc chưa đủ uy tín để đại diện cho nhà trường. Là người có vị trí cao trong xã hội, các thành viên diện này thường rất bận rộn. Trong khi đó phần quyền lợi kinh tế của họ vẫn chung chung và không có văn bản nào quy định nên khó điều hành và động viên được sự nhiệt tình.

Có trường để đảm bảo quân số theo quy định đã qua loa, không xem xét kỹ các tiêu chí đối với thành viên là người bên ngoài, nên không ít thành viên Hội đồng trường thiếu hiểu biết về môi trường học thuật, văn hóa tổ chức của trường đại học.

Có nơi lãnh đạo trường chọn trước những thành viên ngoài trường thân quen, rồi giới thiệu làm thành viên để có đa số phiếu trong việc chọn lựa nhân sự, mà không để tâm đến các tiêu chí khác. Cơ chế phối hợp giữa Hội đồng trường và các thành viên ngoài trường chưa được quan tâm đúng mức, thiếu quy định trách nhiệm ràng buộc, thiếu kiểm tra giám sát.

Là cơ quan mang lại giá trị chiến lược và định hướng cho nhà trường, Hội đồng trường là một bộ phận rất quan trọng, do vậy những thành viên của tổ chức này phải thực sự có khả năng lãnh đạo, kinh nghiệm quản lý, hiểu biết về giáo dục hoặc tiềm năng hợp tác với nhà trường. Nếu chọn không đúng người, thành viên Hội đồng trường là người bên ngoài sẽ chỉ có tên nhưng không đóng góp gì, thậm chí còn ảnh hưởng đến hoạt động và uy tín nhà trường.

Tình trạng một số thành viên Hội đồng trường là người bên ngoài bị miễn nhiệm do vi phạm pháp luật vừa qua cho thấy việc lựa chọn, kiểm tra, giám sát đối với nhân sự này vẫn còn nhiều bất ổn. Thực tế này đòi hỏi cần có sự thay đổi từ tiêu chí lựa chọn, cơ chế hoạt động cho đến cách thức giám sát và đánh giá hiệu quả các thành viên, để Hội đồng trường trở thành tổ chức thực quyền, thực chất và đóng góp vào sự phát triển bền vững của trường đại học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tranh biện giúp trẻ có khả năng giao tiếp tốt và tư duy logic. Ảnh: INT

Bí quyết dạy trẻ tranh biện hiệu quả

GD&TĐ - Để có thể sở hữu kỹ năng tranh biện, trẻ cần lưu ý tới một số yếu tố như lựa chọn chủ đề, đưa ra lập luận vững chắc, lý lẽ thuyết phục...