Những ngôi miếu thiêng
Đất kinh kỳ ngàn năm văn hiến có nhiều danh lam thắng cảnh, đền chùa, miếu mạo cổ kính được giữ gìn, tôn tạo từ đời này qua đời khác. Những di tích, danh thắng ấy là linh hồn của Hà Nội, ai xa thủ đô cũng đều quay quắt nhớ về. Ngày rằm, ngày mồng một, đến chùa vãn cảnh, đến đền, miếu dâng hương cầu an lành, sung túc là một thói quen có từ lâu đời của người dân Kẻ Chợ.
Những đình, chùa nổi tiếng ở Hà Nội thì nhiều vô kể. Không chỉ người dân Thủ đô mà khách thập phương cũng đều biết đến những địa chỉ tâm linh này. Tuy nhiên, một "địa chỉ tâm linh" khác mà ít người biết tới, đó là những ngôi miếu thiêng, nơi mà cũng từ nhiều đời, người Tràng An thể hiện nét đẹp văn hóa uống nước nhớ nguồn, đồng thời gửi gắm niềm tin tâm linh của mình.
Sở dĩ ít người biết tới là miếu thường chỉ đại diện cho "niềm tin tâm linh" của một vùng, một khu dân cư nhất định. Có miếu có lai lịch, "lưu truyền sử sách", nhưng cũng có miếu chỉ tồn tại trong tiềm thức người dân và sự linh thiêng được biết tới qua việc đồn thổi.
Còn gọi là miếu Hai Bà Trưng, là một trong số ít những miếu được "lưu truyền sử sách". Miếu xuất hiện từ thế kỷ XII, ở cạnh sông Hồng. Theo truyền thuyết, sau khi Hai Bà Trưng gieo mình xuống dòng Hát Giang, khí anh linh kết thành tượng đá, theo dòng nước trôi xuôi mãi...
Đến thời Lý, một đêm, người dân phát hiện pho tượng phát sáng trên sông ngay trước bãi Đồng Nhân, dân làng đã vớt về. Hay tin, vua Lý Anh Tông đã sai dân làng dựng miếu thờ ở ngay sát bờ sông Hồng. Tuy nhiên, trải qua nhiều biến cố của của lịch sử, tự nhiên, việc thờ cúng Hai Bà Trưng đã được chuyển về đền Đồng Nhân tại phố Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng.
Miếu thờ trên đường Vũ Trọng Phụng
Dù ngôi miếu cổ đã dời đến nơi mới và được xây dựng khang trang nhưng dân bãi Đồng Nhân vẫn nhớ công đức Hai Bà nên vẫn lập miếu thờ. Đó là miếu Hai Bà, nay thuộc phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng.
Miếu nằm sát ven đường Bạch Đằng, quay mặt ra sông Hồng trên khu đất rộng 400m2. Tại đây cứ 5 năm một lần, vào sáng ngày mồng 5 tháng 2 âm lịch, đoàn rước gồm hai voi thờ, kiệu nước từ đền Hai Bà Trưng (phường Đồng Nhân), trước khi xuống sông lấy nước rước về bao sái tượng, lại vào làm lễ bái yết ở miếu Hai Bà.
Cao niên ở bãi Đồng Nhân bảo, từ ngày lập miếu, lễ hội được duy trì, cuộc sống của dân làng cũng phồn thịnh, ấm no hơn, thiên tai, lũ lụt cũng không còn nữa.
Với tâm kính, lòng thành, mỗi khi đến miếu cầu an, cầu phúc, nhiều người thấy lòng mình được thanh thoát, ưu phiền được rũ bỏ nên công việc vì thế cũng hanh thông, thuận lợi.
Ngày rằm, ngày mồng một, nếu dạo qua miếu Quan Hoa nằm ở đầu ngõ 68, phố Quan Hoa, quận Cầu Giấy; miếu thờ làng Bưởi; miếu thờ làng Nhân Chính (đường Vũ Trọng Phụng)… đều thấy ngan ngát khói hương.
Niềm tin tâm linh đã khiến nhiều ngôi miếu dù nhỏ bé, dù nằm khuất lấp dưới tán cổ thụ nhưng là "vật thể" bất khả xâm phạm. Qua đường Võ Chí Công, đoạn cổng làng Nghĩa Đô (Quận Cầu Giấy) hẳn nhiều người sẽ ngạc nhiên bởi sự có mặt của ngôi miếu thiêng nằm ngay trên dải phân cách con đường mới mở.
Mấy năm trước, thay vì chặt bỏ cây đa trên tuyến đường đang thi công, chủ thầu và BQL Dự án giao thông trị giá hơn 6.000 tỷ đã quyết định giữ lại cây đa cổ thụ tại cổng làng Nghĩa Đô này. Đương nhiên, việc làm này đã được người dân ủng hộ.
Miếu thờ của dân làng Nhân Chính nằm ngay giữa đường Vũ Trọng Phụng- Nguyễn Huy Tưởng cũng vậy. Miếu nằm dưới gốc đa mấy người ôm, tán tỏa bóng gần như trùm kín cả hai bên đường.
“Tôi là người gốc ở đây. Khi xưa cả khu vực này là đồng ruộng, lúc đó cây đa nằm ở đầu cánh đồng, giáp làng. Ngày bé, chúng tôi vẫn thường chơi dưới gốc đa, lúc cây còn nhỏ. Cha mẹ, họ hàng chúng tôi cũng thường xuyên nhang khói nơi đây. Quả thật, chốn linh thiêng này là nhân chứng lịch sử cho bao số phận trầm luân của cõi đời. Ngoài ra, ngôi miếu cổ gắn bó những hồi ức trong sáng, thánh thiện cả một thời thơ ấu của bao thế hệ người dân nơi đây”, ông Nguyễn Văn Hà (57 tuổi), người dân làng Nhân Chính cho biết.
Cũng theo ông Hà, trước đây làng Nhân Chính có nhiều cây đa nhưng quá trình xây dựng, phát triển, tất cả đã bị chặt bỏ chỉ còn lại cây đa đầu làng – tức cây giữa đường Vũ Trọng Phụng bây giờ được giữ lại.
Nhiều người dân trong làng cho hay, miếu thờ Quận chúa Hoàng Phương (hiệu Quý Thanh công chúa). Gốc tích của bà chỉ có những người trăm tuổi mới biết, am thờ bé nhỏ, khiêm nhường nhưng hết sức linh thiêng. Người dân chỉ biết rằng công chúa đẹp người, đẹp nết, đoan chính, khoan dung hay độ trì cho những số phận long đong nơi cõi thế.
Tương truyền ngay sau lễ khánh thành trùng tu miếu, trời mây trong vắt hiền hòa nhưng vẫn đổ mưa sầm sập như thể độ trì mùa màng tươi tốt, cuộc sống thái hòa. Người dân ở nhiều nơi tìm về gửi gắm những nguyện cầu mong cuộc đời thanh thản, bằng an. Miếu thiêng nên người dân quét dọn, tu bổ ngăn nắp, thánh thiện, một cao niên làng Nhân Chính cho biết.
Bà Đỗ Thúy Huyền, Phó Chủ tịch UBND phường Thanh Xuân Trung khẳng định, dù miếu thờ trên đường Vũ Trọng Phụng không phải là di tích lịch sử được công nhận nhưng đây là nơi thể hiện tín ngưỡng của người dân. Quy hoạch gọn gàng, là nơi tín ngưỡng của người dân và không ảnh hưởng đến an ninh trật tự, không ảnh hưởng đến giao thông nên chúng tôi hoàn toàn tôn trọng và ủng hộ việc tu bổ, gìn giữ.
Nơi thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ, Đại học KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội cho biết, miếu thường gắn với gốc đa, đó là một tín ngưỡng của Phật giáo.
Cây đa được gọi là Thần Thụ, là một loài cây linh thiêng. Trong dân gian có lưu truyền một giai thoại rằng một lần, các lực lượng tà đạo đánh nhau với chính đạo, đến phá hoại một cây đa cổ thụ.
Thần đa đã hóa thành một cô gái đẹp, mê hoặc bọn giặc tà đạo và tiêu diệt chúng. Từ đó, người ta coi cây đa cũng như một vị thần linh thiêng. Vậy là miếu thờ luôn được đặt cạnh cây đa. Hai sự linh thiêng cạnh nhau tạo nên sự liên kết vững chãi.
Đường Võ Chí Công khi mở phải tránh miếu cổ và gốc đa cổ thụ
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ thì miếu thờ chính là nơi để người ta giải tỏa tâm lý, cầu mong vào những lực lượng siêu nhiên nơi tín ngưỡng linh thiêng, để ước vọng vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống, hướng con người đến chân – thiện – mỹ.
Còn theo ông Nguyễn Hoàng Điệp, Giám đốc Trung tâm Dịch thuật, Dịch vụ văn hóa và Khoa học công nghệ (Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) thì miếu còn là nơi để thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, một "đặc tính" đặc trưng của người dân đất kinh kỳ ngàn năm văn hiến.
Theo ông Điệp thì miếu có thể thờ nhân thần hay thiên thần nhưng thường là những nhân vật nào có công với người dân, với nước. Những nhân vật có công ấy có thể được sử sách lưu truyền nhưng cũng có thể chỉ tồn tại trong tiềm thức của mọi người.
Theo ông Điệp, dâng hương trước miếu, ngoài việc khẩn cầu tài lộc, phước lành thì còn là hành động tri ân, biết ơn người đã cứu giúp mình, đã che chở, bảo vệ mình khi hoạn nạn, khó khăn.
"Nhân dân không bao giờ quên ơn những người đã giúp đỡ mình", ông Điệp chia sẻ. Cũng theo ông Điệp, đạo lý này của người Việt nói chung và người Hà Nội nói riêng đã được nuôi dưỡng suốt hàng nghìn năm và chính sự trường tồn của miếu thờ là minh chứng.
“ Các cơ quan chức năng ở Hà Nội cần có một cái nhìn tổng thể trong việc quy hoạch đô thị gắn liền với quy hoạch các công trình, di tích văn hóa, tâm linh sao cho Thủ đô văn minh, hiện đại nhưng thực sự giữ được những nét đẹp truyền thống. Một gốc gạo, một ngôi cổ miếu, một tán đa... là cả một bầu trời ký ức và tâm nguyện của biết bao con người.
Sự tinh tế trong quy hoạch ấy khiến Hà Nội không khô cứng những tảng bê tông mà thiền ẩn những tinh tế, những phối ngẫu của một kiến trúc Hà Nội “trong nay có xưa”. Không vì kiến tạo một con đường, một khối đô thị…mà mất đi những vẻ đẹp văn hóa tín ngưỡng dân gian thuần khiết văn hiến", ông Phạm Nguyễn Toan, Tổng Biên tập Tạp chí Bất động sản Việt Nam chia sẻ