Thành viên hội đồng trường: Chọn thế nào?

GD&TĐ - Các chuyên gia cho rằng cần có tiêu chí cụ thể với thành viên hội đồng trường...

Một phiên họp của Hội đồng trường Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM) tháng 5/2024. Ảnh minh họa: HCMUT
Một phiên họp của Hội đồng trường Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM) tháng 5/2024. Ảnh minh họa: HCMUT

Thời gian qua, thành viên hội đồng trường của nhiều trường đại học phía Nam đã bị miễn nhiệm, trong đó hầu hết là người ngoài trường do vi phạm pháp luật, thậm chí bị khởi tố bắt giam. Trên thực tế, nhiều thành viên ngoài trường thường có vai trò “mờ nhạt” trong hội đồng trường. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng cần có tiêu chí cụ thể với thành viên hội đồng trường.

Không nên...“phông bạt”

ThS Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường ĐH Công Thương TPHCM (HUIT) đánh giá, vai trò của các thành viên Hội đồng trường rất quan trọng. Ở Trường ĐH Công Thương TPHCM, các thành viên của hội đồng trường làm việc có trách nhiệm.

“Hội đồng trường có vai trò đặc biệt quan trọng, bất cứ đề xuất gì thuộc về chủ trương thì phải thông qua hội đồng trường và được duyệt mới được phép làm. Ví dụ như dự kiến phương án tuyển sinh năm nay phải thông qua hội đồng trường mới được triển khai”, ông Sơn nói và cho hay, thực tế cũng có nhiều người suy nghĩ khác, vào hội đồng trường để “chơi cho vui vẻ thôi”, vai trò giám sát và định hướng rất mờ nhạt.

“Phần lớn các doanh nhân hiện nay khi được bầu vào hội đồng trường chỉ mang tiếng là làm việc ở hội đồng trường ĐH này, ĐH kia chứ không có ý kiến gì khi họp hội đồng trường”, ông Sơn chia sẻ.

Phó Hiệu trưởng một trường ĐH tại TPHCM (xin giấu tên) thì cho rằng, ở nhiều trường đại học hiện nay, đa số thành viên ngoài trường đều là doanh nhân nổi tiếng. Bởi vậy, họ bận công việc riêng và vắng họp thường xuyên ở các cuộc họp thường kỳ. Thêm vào đó, có ít người am hiểu sâu về giáo dục đại học nên ít khi góp ý về công tác của trường.

Mặc dù có quy định thành viên ngoài trường do hội nghị đại biểu trường đại học bầu ra nhưng ngay ở bước giới thiệu, lãnh đạo trường đã chọn trước ứng viên ngoài trường có mối quan hệ thân quen ban giám hiệu để có đa số phiếu trong việc chọn lựa nhân sự. Từ đó, xét theo ý chủ quan nào đó, rõ ràng việc này đã được “cơ cấu” rồi nên nhiều khi việc chọn lựa được thành viên hội đồng trường vốn quan trọng lại thành ra… “làm cho có”.

“Tôi cho rằng, việc hàng loạt thành viên hội đồng trường nhiều trường đại học ở TPHCM bị miễn nhiệm thời gian qua đều là người chưa thực sự đại diện nhà trường. Tuy nhiên, việc hội đồng trường có thành viên bị phát hiện hành vi gian dối, thậm chí vi phạm pháp luật là trách nhiệm của cả hội đồng và nhà trường. Trong trường hợp này cần nghiêm túc kiểm điểm trong hội đồng trường về việc đề cử thành viên ngoài trường”, chuyên gia này chia sẻ.

Cũng theo vị chuyên gia, cần có những quy định cụ thể với thành viên hội đồng trường, ví dụ hội đồng trường mỗi năm chỉ họp vài lần để bàn các vấn đề cốt lõi, chiến lược của trường nên các thành viên không được vắng mặt dù bất cứ lý do gì. Với những thành viên vắng họp thì hội đồng trường cần xem xét lại có nên tiếp tục để họ tiếp tục là thành viên hay không.

thanh-vien-hoi-dong-truong.jpg
Sinh viên Trường ĐH Công nghệ TPHCM trong giờ học tập. Ảnh minh họa: Q.H

Chọn ai?

ThS Phạm Thái Sơn cho hay, có ý kiến nên quy định rõ về việc thành viên hội đồng trường phải dự họp có mặt ít nhất 80% hội nghị; giảm số lượng thành viên ngoài trường xuống 20%. Các thành viên ngoài trường phải có kinh nghiệm, kiến thức về giáo dục đại học, nên cần đưa vào thành viên ngoài trường các chuyên gia quản lý giáo dục nổi tiếng… Ý kiến này không ổn, đặc biệt việc bắt buộc thành viên hội đồng trường phải có kiến thức về giáo dục.

“Theo quan điểm của tôi, chủ yếu là bắt buộc các thành viên hội đồng trường phải có trách nhiệm với công việc của mình, giám sát và định hướng phát triển cho nhà trường. Nếu có thể giới thiệu các cựu sinh viên thành đạt của nhà trường thì tốt nhất. Đặc biệt nếu cựu sinh viên là giảng viên nữa càng tốt. Các bạn đó sẽ có ý kiến về cách quản lý, học tập của nhà trường, hơn nữa nói thẳng và nói thật nên là yếu tố mới phù hợp cho chức danh thành viên hội đồng trường”, ông Sơn bày tỏ.

TS Trần Mạnh Thành - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Bách Việt TPHCM lưu ý, có 2 hình thức của hội đồng trường với 2 quy chế khác nhau. Tại các trường ĐH, hội đồng trường theo quy chế của Bộ GD&ĐT và tại các trường CĐ, tổ chức này theo quy chế của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Tuy nhiên, với hệ giáo dục nghề nghiệp do quy mô nhỏ, vai trò hội đồng trường với ban giám hiệu được quy định tương đối rõ. Nó tương đương như hội đồng quản trị đối với trường ngoài công lập và chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng quản trị về các định hướng, vấn đề lớn như nhân sự, tài chính… để ban giám hiệu thực hiện được quy định rõ.

“Nói nôm na, ở trường CĐ, thực ra hội đồng quản trị là những người bỏ vốn, tất nhiên có cả thành phần khác theo quy định. Còn đối với hội đồng trường ở các trường ĐH công lập, do trường của Nhà nước nên không chỉ việc đầu tư vốn mà còn chủ trương, phương hướng phát triển về khoa học, đào tạo, nhân sự…

Do đó việc thực hiện chức năng nhiệm vụ mặc dù có văn bản quy phạm pháp luật nhưng thực tế trong nhiều trường hiện nay hoạt động rất khó, đảo qua đảo lại. Ví dụ như Hiệu trưởng lên Chủ tịch Hội đồng trường, hoặc Chủ tịch Hội đồng trường xuống làm Hiệu trưởng theo từng nhiệm kỳ… Dù đảo vị trí nhưng thực ra cũng chỉ những người đó, nên việc phát triển nhiều khi chưa đột phá, không có sự sáng tạo”, ông Thành nói.

Chuyên gia giáo dục này cũng kiến nghị phải quy định vai trò của những thành viên đại diện cho lĩnh vực nào, nên có ý kiến ở lĩnh vực nào. Chứ không thể đại diện doanh nghiệp lại ý kiến về phát triển giáo dục, sẽ không bằng những người chuyên về lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

Ngược lại với những người làm giáo dục chắc chắn không thể có con mắt kinh doanh tốt như những người làm doanh nghiệp. “Tốt nhất nên có tỷ lệ thành phần giữa doanh nghiệp và các nhà khoa học, giáo dục học; tiếp theo đó nên quy định rõ chức năng nhiệm vụ khi đề cập đến là thuộc lĩnh vực nào, có như vậy mới không bị đụng chạm”, TS Trần Mạnh Thành nói.

Cụ thể, theo chuyên gia này, nếu yêu cầu trong hội đồng trường vẫn phải có những thành phần như doanh nhân thì cần cụ thể về tỷ lệ và tham gia trong 2 lĩnh vực. Lĩnh vực thứ 1 là tài trợ đầu tư và lĩnh vực thứ 2 là nơi sử dụng các sản phẩm đào tạo của nhà trường.

“Khi các doanh nhân trong vai trò thành viên hội đồng trường đồng thời sử dụng sản phẩm đào tạo của nhà trường sẽ thấy chương trình đào tạo cần phải có thêm những gì và chúng tôi đang cần những gì? Từ đó góp phần định hướng thêm cho hoạt động của một cơ sở giáo dục đào tạo”, ông Thành chia sẻ.

Liên quan đến việc thành viên hội đồng trường ở nhiều trường đại học là các doanh nhân nổi tiếng, liệu có hiệu quả, TS Trần Mạnh Thành cho hay, đầu tư và đào tạo khác nhau, nên mục đích khác nhau. Các doanh nghiệp thì hướng đến lợi nhuận, trong khi nhà giáo dục phải mang những nguyên lý, quy trình của giáo dục… nên sẽ không hợp nhau. Nhiều nơi tan vỡ hội đồng trường cũng vì vậy.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thầy Park chúc mừng tuyển Việt Nam

Thầy Park chúc mừng tuyển Việt Nam

GD&TĐ - Chiến lược gia Hàn Quốc Park Hang-seo ‘gửi gắm’ tương lai vươn tầm châu lục của bóng đá Việt Nam cho đàn em đồng hương Kim Sang-sik.