Chuyển từ "Zero Covid" sang "sống chung"?

GD&TĐ - Báo chí Trung Quốc dẫn lời ông Lei Zheng Long, Phó Cục trưởng, Cục phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh, nhận định rằng tình hình dịch Covid-19 phức tạp và đáng lo ngại.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Theo Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC), 16/3 là ngày thứ 7 liên tiếp nước này ghi nhận hơn một nghìn ca nhiễm Covid-19 mỗi ngày, ảnh hưởng đến 28 tỉnh và khu vực trong đó có các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thâm Quyến và Thượng Hải.

Báo chí Trung Quốc dẫn lời ông Lei Zheng Long, Phó Cục trưởng, Cục phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh, nhận định rằng tình hình dịch Covid-19 phức tạp và đáng lo ngại.

Mặc dù, việc đối phó với dịch bệnh ở các khu vực bị ảnh hưởng vẫn diễn ra một cách có trật tự và trong tầm kiểm soát nhưng nhìn tổng thể, việc ngăn chặn và kiểm soát dịch sẽ trở nên khó khăn hơn.

Cũng theo NHC, biến thể phụ BA.2 của Omicron, có tốc độ lây lan nhanh hơn các biến thể khác, là tác nhân chính của đợt dịch lần này; Đồng thời khẳng định chính sách Zero Covid - với mục tiêu đưa ca nhiễm về 0 bằng các lệnh phong tỏa nghiêm ngặt, xét nghiệm hàng loạt và truy vết ngay khi phát hiện - vẫn đang phát huy hiệu quả.

Trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới đã thay đổi cách thức đối phó với Covid-19 - thậm chí mở cửa đón du khách quốc tế như Việt Nam - thì Trung Quốc vẫn kiên định theo đuổi chính sách Zero Covid. Kết quả tích cực mà chính sách này mang lại về mặt sức khỏe là điều không phải bàn cãi. Tuy nhiên, đổi lại, Trung Quốc cũng phải trả giá không ít.

Cục Thống kê nước này cho biết, tỷ lệ thất nghiệp ở các thành phố đã tăng lên 5,5% vào cuối tháng 2, so với 5,1% trong tháng 12/2021. Đáng chú ý, người trong độ tuổi 16 - 24 đang phải vật lộn với tỷ lệ thất nghiệp tăng 15,3%.

Sau khi nhiều địa điểm ở Thâm Quyến và Thượng Hải - hai trong số những thành phố giàu có nhất của Trung Quốc - bị phong tỏa, một số chuyên gia kinh tế đã đưa ra những nhận định không mấy tích cực.

Ngân hàng ANZ cho rằng, các đợt phong tỏa trên diện rộng có thể ảnh hưởng đến 50% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nền kinh tế số hai thế giới. Công ty Tài chính Nomura Holdings (Nhật Bản) hạ triển vọng tăng trưởng GDP Trung Quốc trong năm nay xuống mức 4,3%, thấp hơn nhiều so với dự báo trước đó là 5,2%.

Hệ thống dự báo Covid-19 của Đại học Lanzhou (đặt tại tỉnh Cam Túc) – có khả năng dự báo số ca nhiễm hàng ngày trong 30 ngày liên tiếp ở hơn 180 quốc gia trên toàn thế giới - dự đoán làn sóng dịch hiện tại, được coi là nghiêm trọng nhất ở đại lục kể từ sau khi dịch bùng phát ở Vũ Hán năm 2020, sẽ được kiểm soát vào đầu tháng 4, sau khi ghi nhận 35.000 ca bệnh.

Nếu vẫn duy trì các biện pháp nghiêm ngặt, theo phân tích của hệ thống dự báo, Trung Quốc vẫn có thể kiểm soát được tình hình. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến và động thái, cho thấy quốc gia này cũng đang có những thay đổi trong cách tiếp cận Covid-19.

Chẳng hạn như NHC đã cập nhật sổ tay chẩn đoán và điều trị Covid-19, bao gồm cách ly các trường hợp có triệu chứng nhẹ thay vì đưa họ đến bệnh viện, thay đổi tiêu chí bệnh nhân được xuất viện... Hay truyền thông nhà nước đã đề cập ý kiến của các chuyên gia cho rằng, Trung Quốc sẽ sớm công bố lộ trình cho chiến lược “sống chung với virus” theo kiểu Trung Quốc.

Cân bằng giữa kiểm soát dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế là nhiệm vụ đòi hỏi nỗ lực rất lớn với không riêng Trung Quốc mà với tất cả các quốc gia trong thời kỳ khó khăn chưa từng có này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Vua chúa Việt ăn Tết thế nào?

Vua chúa Việt ăn Tết thế nào?

GD&TĐ - Độc giả tò mò muốn biết thời xưa, vua chúa nước Việt ăn, chơi Tết thế nào có thể tìm hiểu trong cuốn “Tết chốn vàng son” của tác giả Lê Tiên Long.