Trung Quốc tiến thoái lưỡng nan với chiến lược “Zero-Covid”

GD&TĐ - Trung Quốc đang tăng cường chiến lược “Zero-Covid” vì cho rằng biến thể Omicron tuy nhẹ hơn nhưng không có lý do gì để hạ thấp cảnh giác. Tuy nhiên, biện pháp này dường như đang tạo ra những nguy cơ.

Nhân viên khử trùng chống dịch ở Tây An.
Nhân viên khử trùng chống dịch ở Tây An.

Nguy cơ cao đối với biến thể Omicron

Khi các nước khác nói về quá trình chuyển đổi từ “đại dịch” sang “đặc hữu”, Trung Quốc đã tăng cường các chính sách để dập tắt bất kỳ đợt bùng phát mới nào ngay khi nó phát sinh, phong tỏa các thành phố, hạn chế giao thông và khởi động các chương trình xét nghiệm hàng loạt.

Cách làm trên giúp hạn chế tối đa việc lây nhiễm nhưng một số chuyên gia cảnh báo rằng Trung Quốc có thể trở thành nạn nhân của thành công của chính họ do việc thiếu tiếp xúc với Covid-19 trong 2 năm qua khiến nước này dễ bị Omicron lây nhiễm hơn.

Điều đó có thể khiến các nhà chức trách phải dùng đến các biện pháp hà khắc hơn bao giờ hết, với khả năng gây gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu nhiều hơn.

Chuyên gia y tế toàn cầu Yanzhong Huang tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR) – một tổ chức tư vấn của Mỹ nói rằng Trung Quốc đã “tự đi lùi vào chân tường”. Theo ông, Bắc Kinh có vẻ tự tin rằng những biện pháp kiểm soát đại dịch nghiêm ngặt sẽ vẫn có tác dụng.

“Tuy nhiên, với một số lượng lớn dân số không có khả năng miễn dịch chống lại Covid-19, biến thể mới này sẽ dễ dàng nhanh chóng sinh sôi và lây lan ở Trung Quốc” – ông nói thêm.

Trung Quốc đã phải hủy nhiều chuyến bay quốc tế trong những tuần gần đây do hành khách bị mắc Covid-19.

Tuy nhiên, một quan chức phòng chống dịch bệnh của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) nói rằng tuy số ca mắc nhập khẩu đang gia tăng nhưng nước này vẫn được trang bị tốt để ngăn chặn virus.

“Một khi dịch được phát hiện, nó sẽ bị xử lý và dập tắt ngay lập tức để đảm bảo người dân có thể tận hưởng một lễ hội mùa xuân vui vẻ và yên bình” – ông nói.

Với sự tổn hại về kinh tế và nhân lực trong hoạt động phong tỏa rộng rãi, Trung Quốc đang bị "mắc kẹt" trong bối cảnh vừa phải áp dụng các biện pháp chống dịch hà khắc, vừa phải đối phó với số ca mắc tăng lên.

Nạn nhân của thành công

Tại Thượng Hải là nơi chứng kiến sự gia tăng đột biến các ca mắc nhập khẩu trong những tuần gần đây. Nhà chức trách đã phải phong tỏa nhiều địa điểm phát hiện ca dương tính.

Tập đoàn Eurasia có trụ sở tại Mỹ cho biết trong một báo cáo hồi đầu tháng rằng Trung Quốc đã trở thành nạn nhân của chính thành công của mình và hiện đang vật lộn để tìm lối thoát.

“Chính sách của Trung Quốc sẽ không ngăn chặn được sự lây nhiễm, dẫn đến sự bùng phát lớn hơn, do đó, đòi hỏi phải đóng cửa nghiêm ngặt hơn” – Eurasia cho biết và dự đoán sự gián đoạn về kinh tế sẽ lớn hơn và sự bất mãn của công chúng cũng gia tăng.

Ngoài ra, việc Trung Quốc nhanh chóng phát triển vắc xin của riêng mình cũng là một thành công ban đầu khác. Tuy nhiên, nó có thể dẫn đến các vấn đề sau này.

Trung Quốc siết chặt các biện pháp chống dịch
Trung Quốc siết chặt các biện pháp chống dịch

Trung Quốc có thể nhanh chóng tiêm phòng cho dân số khổng lồ của mình trong khi nhiều nước khác vẫn đang tranh giành nguồn cung. Tuy vậy, các nghiên cứu cho thấy vắc xin của họ có thể không hiệu quả chống lại Omicron như vắc xin mRNA được sử dụng rộng rãi ở phương Tây.

Các nhà nghiên cứu Trung Quốc báo cáo rằng Sinopharm có hoạt tính trung hòa “thấp hơn đáng kể” đối với biến thể Omicron với mức giảm 20,1 lần so với hoạt động của nó chống lại một dòng Covid-19 cũ hơn từ Vũ Hán.

Trong khi biến thể Omicron nhẹ hơn, mức độ nghiêm trọng thấp hơn, dường như chủ yếu do khả năng miễn dịch trước đó nhờ tiêm chủng hoặc đã bị nhiễm. Các vắc xin kém hiệu quả hơn khiến việc tiêm liều nhắc lại càng quan trọng hơn.

Theo Reuters/Bloomberg

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ