Chuyện học xưa & nay

Chuyện tình vị Hoàng giáp với hai tiểu thư dòng Tôn Thất

GD&TĐ - Sau khi đỗ đạt, Tiến sĩ Nguyễn Thượng Hiền lấy 2 người vợ họ Tôn Thất thuộc tông thất hoàng gia triều Nguyễn.

Hình ảnh đánh trống thu quyển tại trường thi Hương ở Nam Định năm 1892 - năm Nguyễn Thượng Hiền đỗ Hoàng giáp.
Hình ảnh đánh trống thu quyển tại trường thi Hương ở Nam Định năm 1892 - năm Nguyễn Thượng Hiền đỗ Hoàng giáp.

Thế nhưng, suốt cuộc đời và sự nghiệp của ông, sự nổi bật không phải vì lấy tiểu thư con nhà khuê các, mà ở tấm lòng đối với vận mệnh dân tộc.

Hoàng giáp Nguyễn Thượng Hiền (1868 - 1925) tự là Đỉnh Thần, hiệu Mai Sơn, quê thôn Trù, xã Liên Bạt, tổng Xà Cầu, huyện Sơn Lăng, phủ Ứng Hòa, tỉnh Hà Nội (Ứng Hòa, Hà Nội). Ông xuất thân trong gia đình nổi tiếng khoa bảng ở Liên Bạt, có cha là Nguyễn Thượng Phiên, đỗ Hoàng giáp dưới triều vua Tự Đức năm thứ 18 (1865), sau làm tới chức Thượng thư Công bộ dưới triều vua Thành Thái.

Cưới 2 người vợ trong một ngày

Các nguồn sử liệu cho biết, Nguyễn Thượng Hiền từ nhỏ thông minh, được giáo dục cẩn thận, cha đích thân kèm cặp dạy dỗ nên sớm có tiếng hay chữ, ứng đối nhanh nhạy. Có giai thoại kể rằng, khi cậu bé Hiền mới độ mười tuổi, một hôm có người bạn của bố đến chơi, thấy cậu bé Hiền mắt sáng, biểu lộ sự thông minh hiếm có nên người này ra vế đối thử tài.

Người bạn của cụ Nguyễn Thượng Phiên liền đọc “Hiền hiền dịch sắc” (chữ trong sách Luận ngữ, nghĩa là đổi lòng yêu sắc đẹp ra lòng kính yêu người hiền). Không cần suy nghĩ, cậu bé Hiền ứng khẩu ngay “Lão lão cập nhân”. Sự tài tình trong câu mà cậu bé đối lại được giải thích rằng, nguyên của câu này “Lão ngô lão dĩ cập lão nhân” (kính trọng người già của mình rồi kính trọng người già của người), nhưng mới mười tuổi, Nguyễn Thượng Hiền đã biết sắp xếp lại câu thành ngữ trên trong sách Luận ngữ chỉ còn 4 từ, vừa cân bằng vế đối, vừa mang ý nghĩa sâu sắc. Sau khi nghe vế đối của cậu bé, vị khách hết sức thán phục và dự đoán sẽ đỗ đạt cao, có công trạng lớn.

Không phụ kỳ vọng, năm 17 tuổi Nguyễn Thượng Hiền đi thi Hương lần đầu tiên và đỗ Cử nhân tại trường thi Thanh Hóa. Năm 1885, ông đỗ đầu kỳ thi Đình nhưng chưa kịp xướng danh thì kinh thành Huế thất thủ, ông lui về ở ẩn tại núi Nưa (Thanh Hóa). Ðến năm 1892, khi 24 tuổi, ông lại đi thi đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp), giống như cha ông trước đây, được người đời ca tụng mãi về sau.

Văn bia đề danh Tiến sĩ khoa thi năm Nhâm Thìn niên hiệu Thành Thái năm thứ 4 (1892) cho biết, khoa thi này triều Nguyễn lấy 9 Tiến sĩ - chia làm 3 hàng. Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ đệ tam danh có một người là Vũ Phạm Hàm; Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân có một người là Nguyễn Thượng Hiền; Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân gồm 7 người: Tạ Tương, Lê Bá Hoan, Chu Mạnh Trinh, Lê Vĩnh Điện, Tạ Văn Cán, Tạ Hàm, Hồ Trung Lương.

Ngay sau khi đỗ đạt, Hoàng giáp Nguyễn Thượng Hiền đã làm một việc khiến mọi người bất ngờ là xin cưới cô Ân (Ẩn) - con gái quan đại thần Tôn Thất Thuyết. Khi đó, Tôn Thất Thuyết đã đi theo phò vua Hàm Nghi để lãnh đạo phong trào Cần Vương chống Pháp, nên những người có mối liên hệ tới Tôn Thất Thuyết đều bị nghi kỵ về mặt chính trị. Về sau này, Nguyễn Thượng Hiền lý giải nguyên nhân sâu xa là ông không muốn phụng sự triều đình hèn yếu trước quân xâm lược.

Về mối tình này, giai thoại cho biết chính cụ Nguyễn Thượng Phiên và cụ Tôn Thất Thuyết đã đính ước với nhau làm thông gia. Bà Tôn Nữ Thị Ân, quý nữ của Tôn Thất Thuyết được hai người bố chọn làm vợ cho Nguyễn Thượng Hiền.

chuyen-tinh-vi-hoang-giap-voi-hai-tieu-thu-dong-ton-4.jpg
Chân dung Hoàng giáp Nguyễn Thượng Hiền.

Tuy nhiên, mặc dù đã được bố đính ước nhưng vì đẹp trai, phong nhã nên Nguyễn Thượng Hiền được không ít tiểu thư con nhà khuê các đem lòng yêu mến, trong đó có con gái của Tổng đốc Bình Phú Tôn Thất Phan tên là Tôn Nữ Thị Diệm. Bà Diệm xinh đẹp, nết na, được Nguyễn Thượng Hiền dành tình cảm đặc biệt. Do đó, ông quyết tâm kết tóc xe tơ cùng vị tiểu thư này. Điều đặc biệt, dẫu bà Tôn Nữ Thị Diệm cũng như cụ Tôn Thất Phan đều biết Nguyễn Thượng Hiền đã được đính ước từ trước nhưng vẫn đồng thuận.

Sự kiện binh biến kinh thành Huế của Tôn Thất Thuyết thất bại dẫn tới gia đình lưu lạc khắp nơi. Thời điểm đó, tiểu thư Tôn Nữ Thị Ân cũng không biết lưu lạc phương nào. Giữa gia đình cụ Phiên và cụ Thuyết mất liên lạc trong một thời gian dài. Trong khi đó, cụ Phiên nóng lòng muốn đón tiểu thư Ân về cho con trai mình.

Sau khi nhận được tin tức nơi ẩn trốn của cô Ân, cụ Phiên tự mình lên đường đón vợ cho con trai. Cùng thời điểm đó, Nguyễn Thượng Hiền ở nhà cũng chọn ngày lành tháng tốt rước tiểu thư Diệm về làm vợ. Không ngờ, chính hôm Nguyễn Thượng Hiền rước tiểu thư Diệm về nhà thì cũng là lúc bố mình đón con dâu Tôn Nữ Thị Ân.

Một giai thoại khác nói về việc Nguyễn Thượng Hiền lấy vợ lại có điểm hoàn toàn khác biệt, đó là khi Nguyễn Thượng Hiền vào Huế thi Hội đã gặp tiểu thư Tôn Nữ Thị Ân con quan đại thần Tôn Thất Thuyết. Hai người trẻ đã yêu và thề non hẹn bể với nhau. Khi đỗ Hoàng giáp, phải tính chuyện cưới vợ lại ngặt nỗi, phụ mẫu đã đính ước với gia đình Thượng thư Tôn Thất Phan gả tiểu thư Tôn Nữ Thị Diệm.

Nguyễn Thượng Hiền đã quyết định cưới cả hai tiểu thư trong cùng một ngày. Hai bà vợ sống với ông rất hạnh phúc. Bà Tôn Nữ Thị Ân sinh được 2 người con, một trai, một gái, bà Tôn Nữ Thị Diệm sinh được 3 con trai.

Năm 1911, khi Nguyễn Thượng Hiền đang ở Trung Quốc, được tin bà Tôn Nữ Thị Ân qua đời, ông đã gửi về nước câu đối khóc vợ: “Ngửa trông trời, trời phủ mây đen khắp ngả; cúi trông đất, đất ngổn ngang đầy ngập chông gai, ruổi rong vài ngàn dặm pha phôi, những là ăn gió uống sương, hận biển xanh chưa chút đắp bồi, tôi quyết thề lòng, giấc mộng hương khuê đà dứt nẻo/ Bé theo cha, cha vâng mệnh chiếu ra đi; lớn theo chồng, chồng tránh xa lo nạn nước, sau trước ba mươi năm đằng đẵng, bao nỗi ngậm đắng nuốt cay, lúc đầu bạc thêm càng lận đận, nàng sao sớm tỉnh, tơ tình trần thế trước chia ly”.

chuyen-tinh-vi-hoang-giap-voi-hai-tieu-thu-dong-ton-1.jpg
Một trong 7 trang bài thơ “Đưa đồng bào” của Nguyễn Thượng Hiền do Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV sưu tầm từ Pháp.

Từ quan bôn ba vì nước

Các nguồn sử liệu cũng cho biết, Nguyễn Thượng Hiền thi đỗ đúng lúc Pháp chính thức đô hộ Đông Dương và đang đàn áp cuộc khởi nghĩa của Phan Đình Phùng. Không cam tâm làm quan cho nhà Nguyễn, ông về ở ẩn ở núi Nưa (Thanh Hóa), rồi chuyển về quê ở Sơn Lăng (Hà Đông). Ít lâu sau, bị triều đình thúc ép, ông vào làm Toản tu ở Quốc sử quán, rồi thăng Ðốc học Ninh Bình (1901), Hà Nam (1905), sau lại thuyên chuyển sang Nam Định (1906) nên dân gian còn gọi Nguyễn Thượng Hiền là ông Đốc Nam.

Vốn được giáo dục bởi tư tưởng Nho gia nhưng Nguyễn Thượng Hiền lại ham đọc Tân thư, Tân văn và là một trong những người Việt Nam đầu tiên tiếp thu và truyền bá tư tưởng dân chủ tư sản của Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu - người Trung Quốc có tư tưởng thay đổi chế độ và duy tân mọi mặt để chấn hưng đất nước. Cùng thời gian này, ông gặp Tăng Bạt Hổ - một chí sĩ yêu nước từng ủng hộ phong trào Cần Vương, đã đi hoạt động cách mạng ở nhiều nước.

Được tiếp xúc với chí sĩ như Tăng Bạt Hổ rồi Phan Bội Châu, Nguyễn Thượng Hiền dần tiếp thu tư tưởng canh tân đất nước phải theo con đường hiện đại hóa như Nhật Bản. Khi được cử đi làm Đốc học ở Nam Định, ông tích cực cổ động thanh niên du học, ủng hộ hết mình cho phong trào Đông Du.

chuyen-tinh-vi-hoang-giap-voi-hai-tieu-thu-dong-ton-5.jpg
Mộc bản “Quốc triều đăng khoa lục” ghi tên Tiến sĩ Nguyễn Thượng Hiền.

Năm 1907, thân phụ ông là Thượng thư Hoàng giáp Nguyễn Thượng Phiên qua đời, cùng năm đó, vua Thành Thái bị thực dân Pháp truất ngôi. Trước khi từ quan để sang Trung Quốc hoạt động cách mạng, ông đã viết bản kháng nghị với lời lẽ kịch liệt gửi Thống sứ Bắc Kỳ. Vì việc này mà ông bị tuyên án tử hình vắng mặt.

Sau khi bỏ quan, ông Đông Du sang Nhật Bản theo chủ trương bạo động của Phan Bội Châu. Tại đây, ông sống bên cạnh Phan Bội Châu, hoạt động trong Hội Công hiến một thời gian rồi được phân công về liên hệ với các tổ chức cách mạng ở Trung Quốc.

Năm 1912, khi Hội Duy Tân cải tổ lại thành Việt Nam Quang Phục hội ở Quảng Châu (Trung Quốc), ông được bầu làm Ủy viên Bộ Bình nghị, đại biểu cho Bắc Kỳ. Cuối năm 1913, Phan Bội Châu bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam, ông phải đảm nhiệm thêm nhiều công việc quan trọng của hội. Tuy Nguyễn Thượng Hiền tích cực hoạt động nhưng hiệu quả không cao do các chính khách nước ngoài chỉ hứa suông mà không có hành động thiết thực giúp đỡ các nhà hoạt động cách mạng Việt Nam, các phong trào đấu tranh trong nước lần lượt thất bại, tuy vậy nhuệ khí của ông không giảm.

Tiếp đó, Việt Nam Quang Phục hội bị thực dân Pháp cấu kết với Chính phủ Trung Hoa dân quốc đàn áp. Nguyễn Thượng Hiền phải bôn tẩu khắp nơi, từ Bắc Kinh, Hàng Châu, Thượng Hải đến Quảng Đông, Quảng Tây…

Năm 1918, sức khỏe yếu, Nguyễn Thượng Hiền nương nhờ cửa Phật và mất tại chùa Thượng Tịch Quang Lan Nhược trên núi Vân Sơn Cư ở Hàng Châu (Trung Quốc) vào ngày 27/12/1925, thọ 57 tuổi. Theo di chúc, thi hài ông được hỏa táng, tro cốt rải xuống sông Tiền Đường.

chuyen-tinh-vi-hoang-giap-voi-hai-tieu-thu-dong-ton-3.jpg
Bản rập văn bia đề danh Tiến sĩ khoa thi năm Nhâm Thìn niên hiệu Thành Thái năm thứ 4 (1892).

Thi sĩ tài hoa hồi tàn cục

Trong tập hồi ký khi đề cập đến phong trào Đông Du, nhà cách mạng tiền bối Lê Mạnh Trinh có nhắc đến Nguyễn Thượng Hiền và việc xuống tóc đi tu nhằm bảo tròn khí tiết. Dù Nguyễn Thượng Hiền mất đi, song “Lửa can tịnh thiêu xương người khí tiết, sống thanh cao mà chết cũng thanh cao/ Đời văn minh mỏi mắt chốn quê hương, danh viên mãn mà chí chưa viên mãn” (Văn tế Mai Sơn Nguyễn Thượng Hiền do Phan Bội Châu viết).

Không chỉ là một chí sĩ yêu nước nổi bật cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, Hoàng giáp Nguyễn Thượng Hiền còn được giới nghiên cứu văn học đánh giá là một trong những tài năng văn chương lớn cuối cùng của văn học trung đại Việt Nam. Trong giới sĩ phu đương thời, Nguyễn Thượng Hiền là thi sĩ tài hoa hết mực, để lại cho đời hơn 600 bài thơ, văn bằng chữ Hán, chữ Nôm, sáng tác trong 33 năm, từ 1885 đến 1918.

Giới nghiên cứu đánh giá, thơ văn của Nguyễn Thượng Hiền không chỉ điêu luyện trong câu chữ, mà còn đậm đà tinh thần yêu nước, cổ vũ phong trào cách mạng. Nếu giai đoạn đầu, khi chán ghét chốn quan trường, ông dồn tình cảm cho non sông đất nước, thì giai đoạn sau, các sáng tác của ông chủ yếu nhằm vận động chính trị, cổ vũ đấu tranh, phục vụ công cuộc cứu nước, kêu gọi đồng bào đoàn kết đứng lên làm cách mạng, giành độc lập dân tộc.

Những câu thơ như “Bế bồng luống những gào than/ Đầy đường nheo nhóc từng đoàn cảm thay/ Bút nào tả hết cảnh này/ Gửi thần mưa gió trên trời thấu cho”; hay “Thôi thôi càng nói lại càng rầu/ Mảnh áo đêm khuya thấm hạt châu/ Việc nước ai làm ra đến thế/ Cơ trời còn biết ngóng vào đâu?/ Hai bên gánh vác vai thêm nặng/ Muôn dặm xa xôi bước khó mau/ Giận biển sầu non như chẳng chuyển/ Câu thơ tín quốc để về sau”... đã cho thấy sự thấm thía và chia sẻ nỗi khổ đau, cơ cực của người dân mất nước.

Văn thơ của Hoàng giáp Nguyễn Thượng Hiền cũng được nhận xét là tiếng nói căm thù giặc và ý chí diệt giặc cứu nước: “Nam nhi sinh hứa quốc/ Chung phà Nhục chi hoàn” (Làm trai vì nước quyết thề/ Rồi đây phá được Nhục chi mới về); “Dạ bán côn ngô thoát hạp xuất/ Phá ốc phi thủ cừu nhân đầu” (Gươm báu đêm khuya ra khỏi nắp/ Tung nhà bay lấy đầu thù).

Phan Bội Châu đánh giá văn chương Nguyễn Thượng Hiền là “Thơ kiểu Thịnh Đường, văn khuôn Tiền Hán”. Nhà biên khảo Lê Thước lại cho rằng: “…ông là một người tiêu biểu tài hoa trong số nhỏ những người tiêu biểu cho nền văn chương chữ Hán của ta hồi tàn cục”.

Trong thư gửi đồng bào trên đường xuất dương, Hoàng giáp Nguyễn Thượng Hiền viết: “Việc chung của thiên hạ, ta lại muốn lánh mình sóng yên thì ai đương đầu nơi nguy hiểm? Ta chọn việc dễ, thì việc khó để cho ai? Nghĩ đến đây, tôi không ngăn được ý chí khảng khái, muốn tung hoành, tiến lên phía trước, đối diện với gian nguy, dù phải thịt nát xương tan, để tụ hội cả dân tộc lại, liều chết giết giặc không do dự gì hết”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ