Chuyện tình của người lính Vị Xuyên

GD&TĐ - Hàng năm cứ tới ngày 12/7, cựu binh, thiếu tá Hà Hữu Thân lại trở về thăm chiến trường xưa và tới nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên (Hà Giang) thắp hương cho đồng đội đã hy sinh.

Cựu binh Hà Hữu Thân thắp nén nhang thơm lên mộ phần liệt sĩ Lê Nam Hòa tại nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên
Cựu binh Hà Hữu Thân thắp nén nhang thơm lên mộ phần liệt sĩ Lê Nam Hòa tại nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên

Bên mộ phần liệt Lê Nam Hòa, trong khói hương bảng lảng cùng điếu thuốc châm dở, mắt ông nhòe lệ, nghẹn lời kể lại với tôi câu chuyện cảm động giữa hai người lính trước khi ra trận cách đây hơn ba chục năm.

Nhân duyên đồng đội

Mối nhân duyên giữa hai người lính là liệt sĩ Lê Nam Hòa và cựu binh Hà Hữu Thân quả như được “trời se”. Năm 1980, họ đóng quân ở Lào Cai và chung một đơn vị. Người lính trẻ Lê Nam Hòa là giáo viên kĩ thuật, điều lệnh còn Hà Hữu Thân là giáo viên hỏa lực.

Tháng 4/1984, cuộc chiến chống quân Trung Quốc xâm lấn biên cương diễn ra ác liệt cả hai cùng được điều chuyển về Trung đoàn 149, Sư đoàn 356, Tiểu đoàn 7. Anh Thân làm đại đội trưởng, anh Hòa đại đội phó. Trung đoàn 149 của hai anh chỉ có một đại đội được tham gia chiến dịch đầu tiên đánh cao điểm 685, còn cả hai được giao nhiệm vụ trinh sát thực địa.

Quá trình sống và chiến đấu bên nhau, hai người lính ấy đã tâm sự với nhau nhiều điều, đại đội phó Lê Nam Hòa thường kể với đại đội trưởng về gia đình mình, về người vợ trẻ Nguyễn Thị Minh Nga đang làm bác sĩ tại nhà hộ sinh bệnh viện Trấn Yên (Yên Bái) và cậu con trai 7 tháng tuổi trước khi hành quân lên Hà Giang chiến đấu không kịp gặp lại…

Đêm 11 rạng sáng 12/7/1984, trước giờ xuất kích đánh chiếm lại các cao điểm bị quân địch chiếm trái phép, hai người lính Lê Nam Hòa và Hà Hữu Thân cùng nói chuyện và đồng tâm niệm trong chiến tranh chắc chắn phải có sự mất mát, người còn sống, người hy sinh...

Anh Lê Nam Hòa dặn lại cấp trên của mình: “Anh chưa có gia đình, em có gia đình, con nhỏ. Nếu em hy sinh, anh còn sống thì cố gắng về quê thăm gia đình, chăm sóc vợ con, cha mẹ già giúp em…”. Ông Thân đã mắng ông Hòa đừng nói gở miệng, những lời dặn dò tưởng như chỉ để người lính yên tâm hơn về hậu phương trước khi bước vào trận chiến mà đâu ngờ trở thành sự thật ngày mai.

Cả hai chia tay bước vào vị trí chiến đấu đánh cao điểm 685. Ông Hà Hữu Thân đi hướng chủ yếu, Lê Nam Hòa đi hướng thứ yếu. Những ngày sau đó, ông Hà Hữu Thân bị đạn pháo xuyên vào đùi, thương cả hai chân không đi được phải lùi về phía sau điều trị.

Quá trình bị thương, đại đội trưởng Hà Hữu Thân từng điện cho đại đội phó Lê Nam Hòa để thông báo tình hình mình bị thương và động viên anh em chiến đấu. Thế mà, điện gọi hôm trước hôm sau 10 giờ sáng anh em đơn vị hướng thứ yếu đã điện sang bên hướng chủ yếu thông báo đồng chí Lê Nam Hòa bị trúng đạn cối và hy sinh.

Đối với ông Hà Hữu Thân – một người lính đã từng vào sinh ra tử, chứng kiến sự khốc liệt ở chiến trường Lào, Campuchia đồng thời chứng kiến biết sự bao hy sinh của đồng đội vậy mà khi nghe tin Lê Nam Hòa hy sinh tai ông ù đi, chẳng thể tin vào sự thật mình đã vĩnh viễn mất đi một đồng đội thân thiết nhanh đến thế...

Và không chỉ riêng liệt sĩ Lê Nam Hòa, hàng trăm liệt sĩ mặt trận Vị Xuyên đã hy sinh, hài cốt của họ người được chuyển về nghĩa trang người vẫn nằm lại trong khe đá, thung sâu ở các cao điểm 772, 685, 300, 400..

Những người đồng đội cùng dìu nhau lên thắp hương tại đài tưởng niệm liệt sĩ cao điểm 468 Vị Xuyên

Những người đồng đội cùng dìu nhau lên thắp hương tại đài tưởng niệm liệt sĩ cao điểm 468 Vị Xuyên

Giữ trọn lời hứa

Năm 1987, trở về từ chiến trận biên giới Vị Xuyên – Hà Giang ông Hà Hữu Thân được điều về sư đoàn 28 Huấn luyện bộ đội một lần nữa. Và sau này sư đoàn rút gọn, ông chuyển về Tiểu đoàn 8.

Như trời sui đất khiến, nơi ông Thân công tác khá gần với gia đình vợ liệt sĩ Lê Nam Hòa tại Đoan Hùng. Nhớ tới lời hứa với đồng đội trước khi hy sinh ông cùng vài đồng đội đã tới động viên thăm hỏi gia đình vợ liệt sĩ Lê Nam Hòa. Khi ấy bà Nguyễn Thị Minh Nga (để đảm bảo cuộc sống đã xin chuyển về Trung tâm Y tế Đoan Hùng) trở thành vợ liệt sĩ ở độ tuổi 30 sống cùng cậu con trai mồ côi cha mới 3 tuổi.

Sau một thời gian thăm hỏi gia đình bố mẹ bà Nga, chứng kiến cảnh mẹ góa con côi, cuộc sống vất vả của mẹ con bà Nga, ông Hà Hữu Thân đã xin phép bố mẹ bà Nga được qua lại chăm sóc hai mẹ con. Đơn vị nơi ông Thân công tác cũng ủng hộ, động viên ông Thân nối duyên với bà Nga để có cơ hội giữ trọn lời hứa chăm sóc gia đình đồng đội với người đã khuất.

Lúc đề cập được nối duyên với vợ của đồng đội, ông Hà Hữu Thân từng suy nghĩ nhiều điều phải vượt qua. Tuy nhiên, trong ông lúc đó tình đồng đội và lời hẹn khi xưa với liệt sĩ Lê Nam Hòa luôn văng vẳng, thúc giục, nhắc nhở ông hoàn thành trách nhiệm.

Vì vậy, ông đã không coi đó như thách thức, khó khăn hay thiệt thòi… mà vượt lên trên hết là vinh dự, trách nhiệm mà ông được tiếp nối tiếp từ đồng đội. Suy nghĩ vậy, ông càng vững tâm và thể hiện bằng hành động quan tâm chắm sóc để bà Nga thấu hiểu được tấm lòng chân thành của mình.

Về phía gia đình bà Nga, bố mẹ bà Nga và bé Lê Nam Duy (con trai liệt sĩ Lê Nam Hòa và bà Nga) qua quá trình tiếp xúc và được ông Thân chăm sóc tỏ ra quấn quýt và yêu quý ông. Tuy nhiên bà Nga lại né tránh quyết liệt bởi ngại lời ra tiếng vào của dư luận nếu lấy đồng đội của chồng.

Sau nhiều năm kiên nhẫn chăm sóc và thương yêu, đầu năm 1989, thấu hiểu được tình cảm của ông Thân, cùng sự tác hợp vun vén của đồng đội bà Nga mới đồng ý lấy ông Thân làm chồng.

Giữ trọn lời hứa với đồng đội, ông Thân không chỉ chăm sóc con trai liệt sĩ Lê Nam Hòa như con ruột, trở thành trụ cột giúp đỡ bà Nga hết lòng mà nhiều năm qua ông cùng bà Nga tiếp tục động viên thăm hỏi gia đình liệt sĩ Lê Nam Hòa, hương khói cúng giỗ liệt sĩ Lê Nam Hòa chu đáo.

Cưới đầu năm, cuối năm 1989 ông và bà Nga sinh thêm một cậu con trai đặt tên là Tùng. Từ lúc bé cho tới lớn hai anh em Duy (con trai liệt sĩ Lê Nam Hòa và bà Nga) và Tùng (con trai ông Thân bà Nga) luôn nhận được sự chăm sóc, thương yêu như một.

Hàng xóm láng giềng những người không biết chuyện của ông đều nghĩ rằng Duy và Tùng đều là con ruột của ông bởi chưa từng thấy ông to tiếng nặng lời hay đối xử phân biệt. Thậm chí trong thâm tâm ông luôn đặt nặng tình cảm với Duy bởi em sớm mất bố.

Tưởng như số phận và cuộc sống của mẹ con bà Nga, bé Duy đã được bù đắp nhưng thật không may năm 2010, trong một tai nạn mưa lũ, Lê Nam Duy (con trai liệt sĩ Lê Nam Hòa) cũng ra đi để lại nỗi đau đớn tận cùng cho bà Nga. Cựu binh Hà Hữu Thân một lần nữa trở thành trụ cột, động viên bà Nga vượt lên số phận. Giờ đây, hai ông bà vẫn hàng ngày vịn vào nhau mà sống, và phụng thờ cha con liệt sĩ Lê Nam Hòa.

 Vị Xuyên tháng 7 năm nào cũng mưa. Thế nhưng những người lính Sư đoàn 356 đều trở lại thăm chiến trường xưa. Bởi với họ, mảnh đất này đã lưu giữ một quá khứ hào hùng, những tháng ngày đối diện giữa sự sống và cái chết nhưng vẫn nguyện hết lòng cho từng tấc đất biên cương Tổ quốc… Và đặc biệt, hơn thế, trở về nơi đây, họ được thắp hương, được thỏa nỗi nhớ gặp lại những đồng đội của mình còn nằm lại đất trời Vị Xuyên. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Xóa định kiến

GD&TĐ - Xóa bỏ định kiến về giới tính trong lựa chọn ngành, trường học, nghề nghiệp là vấn đề đặt ra nhiều năm nay và đã có những chuyển biến tích cực.