Lãnh đạo Nga - Trung Quốc đã ký kết một số văn kiện về mở rộng hợp tác trên nhiều lĩnh vực, từ thương mại, công nghiệp đến khoa học và quân sự, triển vọng hòa bình ở Ukraine.
Sau nhiều giờ hội đàm tại Điện Kremlin, Tổng thống Putin nói cuộc gặp này là “một ví dụ về cách các cường quốc thế giới là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ và có trách nhiệm đặc biệt trong việc duy trì sự ổn định và an ninh trên hành tinh nên tương tác với nhau”.
Họp báo với các phóng viên, ông Putin khẳng định quan hệ giữa Trung Quốc và Nga đang ở “mức cao nhất trong lịch sử” và ưu tiên hiện nay là hợp tác kinh tế và thương mại.
Tổng thống Nga tán thành việc sử dụng đồng nhân dân tệ trong các thỏa thuận thương mại với các nước khác ở châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh, mở ra một xu hướng đa phương tiện thanh toán quốc tế, có tác dụng hỗ trợ quan trọng về kinh tế cho mô hình trật tự thế giới đa cực.
Hai bên thảo luận mở rộng quy mô thương mại, phát triển hơn nữa cơ sở hạ tầng hậu cần và xuyên biên giới, mở rộng hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp để đảm bảo an ninh lương thực cho cả hai nước và cải thiện hợp tác trong trao đổi năng lượng, khoáng sản, kim loại và các sản phẩm hóa học. Hợp tác trong lĩnh vực công nghệ, công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo cũng được củng cố.
Về chính trị quân sự, ông Putin mô tả mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc khác với các liên minh quân sự - chính trị đã phát triển trong Chiến tranh Lạnh, nói rằng quan hệ đó “vượt trội so với hình thức hợp tác giữa các quốc gia này và không phải là đối đầu”.
Hai bên nhất trí “thường xuyên tiến hành các cuộc tuần tra chung trên biển và trên không và các cuộc tập trận chung”, phát triển trao đổi và hợp tác quân sự bằng cách sử dụng tất cả các cơ chế song phương sẵn có, đồng thời tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau giữa các lực lượng vũ trang hai nước.
“Tăng cường quan hệ với Nga là một lựa chọn chiến lược mà Trung Quốc đưa ra dựa trên lợi ích cơ bản của chính họ và các xu hướng phổ biến trên thế giới” - ông Tập Cận Bình nói, đồng thời nhấn mạnh rằng cả hai nước “chia sẻ cam kết xây dựng một thế giới đa cực” - Pravda cho biết.
Về đề xuất hòa bình 12 điểm cho Ukraine mà Trung Quốc đưa ra hồi tháng 2/2022, ông Putin đã ca ngợi kế hoạch này và nói rằng nhiều yếu tố trong đó “có thể được coi là cơ sở cho một giải pháp hòa bình khi phương Tây và Kiev sẵn sàng thực hiện”.
Kế hoạch này kêu gọi ngừng bắn sau đó là đàm phán để giải quyết xung đột. Song Tổng thống Nga cho rằng, cả Ukraine và phương Tây hiện không sẵn sàng thảo luận về hòa bình.
Đại diện của Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã phản đối bất kỳ lệnh ngừng bắn nào ở Ukraine, đồng thời cho rằng Trung Quốc thiên vị khi không lên án cuộc chiến của Nga ở Ukraine, và kêu gọi Bắc Kinh gây áp lực buộc Nga phải rút khỏi lãnh thổ Ukraine.
Tuy nhiên, như người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói, kết quả chuyến thăm của ông Tập Cận Bình mới nói lên tất cả chứ không phải phản ứng của phương Tây vốn luôn không thân thiện và thù địch. Báo chí phương Tây theo dõi rất sát chuyến thăm và phải ghi nhận sự thân thiết giữa hai nhà lãnh đạo hai cường quốc.
Reuters cho biết, khi Chủ tịch Tập Cận Bình rời đi, ông nói với Tổng thống Putin: “Bây giờ có những thay đổi chưa từng xảy ra trong 100 năm. Khi chúng ta ở bên nhau, chúng ta sẽ thúc đẩy những thay đổi này”. “Tôi đồng ý” - Tổng thống Putin đáp lại. Reuters nói rằng trong chuyến thăm, ông Tập và ông Putin coi nhau như những người bạn thân thiết.
Quan hệ Trung - Nga được thắt chặt chắc chắn là mối quan ngại của phương Tây cùng với sự e ngại về trật tự thế giới thay đổi “chưa từng có trong 100 năm” như lời ông Tập.