Chuyển lương cho vợ

GD&TĐ - Chuyện thực ra không mới. Có “sốt” một chút, là bởi phát biểu của Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung vào buổi chiều 16/12. Nó được nói ra tại buổi họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước về những dự án luật được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Trả lời câu hỏi của báo chí về quy định mới trong Bộ luật Lao động (sửa đổi, có hiệu lực từ ngày 1/1/2021) rằng, “lương của chồng được chuyển thẳng vào tài khoản vợ”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định: Việc lương của chồng chuyển thẳng vào tài khoản của vợ là hoàn toàn hợp pháp nếu có sự thỏa thuận.

“Kể cả lương của vợ cũng có thể chuyển cho tôi. Cái đó hoàn toàn do hai vợ chồng thỏa thuận để tạo ra thuận lợi. Tránh tình trạng lương của tôi chuyển khoản cho tôi, sau tôi lại chuyển khoản cho vợ. Tôi thấy thuận lợi hơn thì lương của tôi chuyển thẳng cho vợ kiểm soát càng tốt có gì đâu”, ông Dung nói.

Thực ra thì chuyện chẳng có gì ồn ĩ. Đó chỉ là điểm mới quy định tại Điều 94 Bộ luật Lao động 2019 rằng, trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp thì người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp. Mà “người được người lao động ủy quyền hợp pháp” đấy có thể là vợ, chồng, hoặc bất kỳ ai.

Đúng là chuyện “càng tốt có gì đâu”. Nhưng thực tế, chuyện vợ kiểm soát thu nhập của chồng (và ngược lại) luôn khá nhạy cảm trong đời sống hằng ngày. Mỗi người, gia đình có cách quản lý khác nhau. Ấy là điều chắc chắn.

Rất nhiều người mà tôi biết thậm chí còn không biết đến cái thẻ ATM kể từ khi nó xuất hiện. Dù rằng, việc trả lương hằng tháng được đơn vị sử dụng lao động chuyển qua đó. Họ giao cho vợ giữ mà chẳng cần sự điều chỉnh nào từ luật pháp.

Cũng có không ít ông chồng hằng tháng rút tiền rồi “nộp” cho vợ theo “quy định”, “thỏa thuận” đã đặt ra. Thậm chí, có những gia đình vợ chồng còn độc lập về tài chính, chỉ khi xuất hiện những việc lớn mới bàn bạc…

Tất nhiên, về cơ bản, người vợ phải là “tay hòm chìa khóa” trong gia đình thì mới có thể điều tiết việc chi tiêu hợp lý cơ man các khoản phải trang trải trong cuộc sống gia đình hiện tại, tích lũy cho tương lai. Nói rộng hơn một chút, nếu chúng ta minh bạch, chính đáng, hợp lý trong chi tiêu thì chẳng có gì phải mập mờ “quỹ đen”.

Ông bà ta đúc kết rằng, “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, nên thật khó để lấy cách quản lý tài chính, chuyện chi tiêu của bất kỳ gia đình nào để áp dụng chung cả. Mà gia đình là “tổ ấm”, mọi thành viên đều phải có trách nhiệm, ý thức tự giác vun vén, đắp bồi thường xuyên.

Ông bà ta cũng đã dạy rồi, “thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn”. Thế nên, việc chuyển lương vào tài khoản của vợ/chồng, sau khi chồng/vợ đã thuận, thì cũng là lẽ thường ở đời. Thậm chí, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung còn “càng tốt có gì đâu”!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ