Cây sống lâu nhất
Một cây thông mang tên Mathusalem ở California (Mỹ) vừa kỷ niệm “sinh nhật” lần thứ 4.847, đúng bằng tuổi của kim tự tháp Ai Cập.
Tuy nhiên, giờ cây đã bị chết một nửa do phải chiến đấu với thời tiết khắc nghiệt và mỗi năm chỉ lớn thêm một vài mm.
Một cây bạch quả ở Trung Quốc, một cây hòe ở Nhật Bản và một cây bao báp ở Nam Phi cũng sống tới ba thiên niên kỷ. Nhưng loại cây sống dai nhất thế giới là Creosote, mọc thành bụi lớn ở vùng sa mạc viễn Tây, nước Mỹ. Chúng có tuổi đời lên tới 10.000 năm.
Cây nặng nhất
Đó là cây sequoia có tên gọi Sherman Tree, nặng 2.000 tấn và cao 84m. Chỉ riêng đám rễ nhỏ cũng nặng tới 340 tấn. Nó có đường kính tại gốc là 9m và kích thước toàn thân lớn gấp mười lần một con cá voi xanh. Cây sequoia nằm trong vườn quốc gia Califonia (Mỹ).
Cây to nhất
Đó là cây bách El Gigante ở Montezuna (Mexico). Nó được coi là loại cây to nhất thế giới với chu vi 40m và chiều cao cũng 40m.
Cây “ăn thịt”
Nghe có vẻ kỳ lạ nhưng cây “ăn thịt” phát triển tại khá nhiều nơi trên thế giới. Trên thực tế, hiện có 630 loài cây này. Một số cây sống trong nước, còn đa số sống trên mặt đất.
Vì là cây “ăn thịt” nên tất nhiên, chúng “măm măm” động vật để tồn tại. Chúng có thể ăn côn trùng, thậm chí cả động vật nhỏ như ếch. Dưới đây là một số loại cây “ăn thịt” đặc trưng!
Cây gọng vó Drosera là loài cây “ăn thịt” phổ biến nhất thế giới, thường mọc ở Nam Phi. Có khoảng 170 phân loài Drosera với đủ loại hình dáng, kích cỡ.
Những chiếc lá của Drosera có rất nhiều lông, ở đầu những sợi lông này có bẫy - chất lỏng dính, trông giống như giọt mật, giúp thu hút các loài côn trùng. Khi côn trùng sa bẫy, chúng sẽ chết trong vòng 15 phút do bị kiệt sức và ngạt trong chất nhầy.
Những chiếc lông tuyến của cây tiết ra chất tiêu hóa và con mồi sẽ bị “ăn” hoàn toàn trong vòng 1 - 2 ngày. Mồi chủ yếu của Drosera là bọ cánh cứng, sâu và bướm.
Cây nắp ấm có hình dạng như chiếc bình. Phía trên và bên trong của bình được bao phủ bởi lớp mật hoa trơn, có mùi thơm. Khi côn trùng đến uống mật, chúng sẽ bị trượt xuống và rơi vào bình. Một số cây nắp ấm rất lớn, có thể bắt và tiêu hóa được chuột hoặc ếch.
Cây hố bẫy Sarracenia thường sống trong các đầm lầy Bắc Mỹ. Phiến lá có nắp sặc sỡ, trông như dạ dày. Ở trong “dạ dày” có nhiều tuyến tiết mật để thu hút sâu bọ.
Sâu bọ không có cơ hội thoát thân khi vướng vào các sợi lông dày và nhám bởi bị nhấn chìm trong chất lỏng do cây tiết ra.
Cây bẫy ruồi thường mọc ở Carolina (Mỹ). Lá của chúng giống như vỏ sò, gồm hai mảnh khớp lại vào nhau. Mép lá có gai nhọn và rất nhạy cảm.
Khi con mồi như: ruồi, nhện, ong… chạm vào, lá cây sẽ đóng trong nháy mắt. Nhà bác học Charles Darwin từng mô tả, đây là một trong những loài thực vật kỳ diệu nhất trên thế giới.