Thế nhưng, cánh cổng trường THPT Tân Phước Khánh (TX Tân Uyên, Bình Dương) mà Tâm nhìn thấy mỗi ngày trên đường đi làm đã thôi thúc cậu “trở lại trường”.
Nối lại ước mơ dang dở
Cô Hiệu phó Nguyễn Thị Ngọc Năm vẫn nhớ như in ngày Tâm đến xin nhập học lớp 12. Không như nhiều học trò khác thường có ba mẹ hoặc người thân đi cùng, Tâm chỉ đến một mình cùng chiếc cặp táp và bộ hồ sơ thiếu một số giấy tờ cần thiết.
Khi đó, các bạn lớp 12 của trường đã vào học được 2 tuần và đang chuẩn bị làm bài kiểm tra chất lượng đầu năm. Biết vậy, Tâm xin cô Năm được làm bài kiểm tra trước rồi bổ sung giấy tờ sau. Xem xét học bạ, thấy Tâm có học lực khá, cô Năm đồng ý.
Và hành trình “trở lại trường” để nối lại ước mơ còn dang dở của cậu bạn cựu học sinh trường THPT Lê Công Nhân (Thới Bình, Cà Mau) bắt đầu từ đó.
Nói thì nghe đơn giản nhưng với Tâm, đó là cả một sự nỗ lực phi thường đến mức khó tin. Ba mẹ làm nông, thu nhập chỉ đủ đắp đổi qua ngày nên dù chỉ mới 18 tuổi, Tâm đã phải tự lo cuộc sống cho mình. Lên Bình Dương, bạn xin làm bảo vệ cho một công ti gần trường với thời gian làm việc từ 6 giờ tối cho đến 6 giờ sáng.
Công việc bảo vệ không cho phép bạn ngủ một cách thoải mái như nhiều bạn khác. Vậy mà sáng sớm sau, Tâm đã có mặt tại trường. Nhiều hôm mệt quá, Tâm cũng “gật gà gật gù” trên lớp nhưng chưa bao giờ có ý định bỏ học.
Thương học trò phải mưu sinh vất vả, nhà trường đã “ưu ái” cho Tâm không phải học tăng tiết buổi chiều để nghỉ ngơi lấy sức. Tất nhiên, đi kèm với “ưu ái” đó là yêu cầu Tâm phải biết cân đối thời gian tự học.
Có lẽ Tâm cũng ý thức được điều đó nên thường tranh thủ vừa trực bảo vệ vừa học bài. Sau này, khi được người quen giới thiệu đi làm nhang buổi tối thì giờ học của bạn thường kéo dài đến 1, 2 giờ khuya. Nhờ vậy, dù phải đi làm, Tâm vẫn liên tục là học sinh khá, giỏi.
“Liều”… xin vào đội tuyển học sinh giỏi
“Hơn hai chục năm đi dạy, tôi chưa từng gặp học trò nào “lạ” như Tâm” - Cô Nguyễn Thị Ngọc Năm nói về cậu học trò giàu nghị lực. Và một trong những điều “lạ” nhất có lẽ là chuyện bạn tự “xin” vào đội tuyển học sinh giỏi môn Sử của trường.
Khi ấy, đội tuyển đã tập trung ôn luyện một thời gian nên cả giáo viên phụ trách bộ môn lẫn thầy cô trong Ban giám hiệu đều cảm thấy “khó xử”. Nhưng với thành tích từng đạt giải ba môn Sử tỉnh Cà Mau, Tâm đã thuyết phục được thầy cô.
Để rồi sau đó, bạn hoàn tất “cú đúp” giải ba học sinh giỏi cấp tỉnh khi tiếp tục đạt được thành tích này tại kì thi học sinh giỏi tỉnh Bình Dương. Không chỉ vậy, với điểm số cao nhất kì thi, Tâm còn được chọn dự thi vòng quốc gia.
Công việc làm nhang mang đến thu nhập khoảng 1 triệu đồng mỗi tháng, giúp bạn trang trải chi phí ăn uống, sinh hoạt. Thế nhưng mới đây, khoảng thu nhập ít ỏi này cũng không còn khi bạn buộc phải nghỉ làm để tập trung ôn tập cho những kì thi sắp tới.
May mắn là trong lúc khó khăn, Tâm luôn nhận được sự ủng hộ từ thầy cô và các cô chú phụ huynh. Người góp tiền, người tặng gạo, nước mắm, bột ngọt, một cô giáo thì cho ở trọ miễn phí…
Sự tiếp sức ấy giúp cậu bạn vững tin hơn trên con đường chinh phục ước mơ trở thành một luật sư trong tương lai.
Mình hình dung như đang cất ngôi nhà mỗi khi học môn Lịch sử. Đầu tiên là dựng cột, dựng kèo, chính là những ý chính của bài. Sau đó, lợp lá (hay tôn), dựng vách, xây tường bằng các ý phụ.
Như thế đã có thể coi là một ngôi nhà hoàn chỉnh, nghĩa là bạn chắc chắn có đủ các ý chính, ý quan trọng của một bài làm. Việc còn lại là trang trí thêm cho ngôi nhà đẹp hơn bằng các dẫn chứng, sự kiện, số liệu minh họa.