Chuyện ít biết về Duyệt Thị Đường và Nhã nhạc cung đình Huế

GD&TĐ - Duyệt Thị Đường là nhà hát cổ nhất Việt Nam còn tồn tại đến nay, còn Nhã nhạc cung đình Huế là kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại.

Tái hiện Nhã nhạc cung đình Huế tại nhà hát Duyệt Thị Đường. Ảnh: ITN.
Tái hiện Nhã nhạc cung đình Huế tại nhà hát Duyệt Thị Đường. Ảnh: ITN.

Nhà hát cổ nhất Việt Nam

Theo “Đại Nam nhất thống chí”, Duyệt Thị Đường được xây dựng từ năm Minh Mạng thứ 7 (1826), trên nền cũ của nhà hát Thanh Phong Đường. Công trình được xây dựng theo kiểu hình chữ nhật, rất cao rộng. Bên cạnh còn có những công trình khác như Sở Thượng Thiện, nơi chế biến thức ăn của nhà vua; Thái Y viện – Nơi làm việc của ngự y hoàng cung; Thị Vệ Trực Phòng (nơi thị vệ của vua túc trực), Cẩn Tín Ty (văn phòng nội điện trong Tử Cấm Thành), Dưỡng Chính Đường (nơi học tập của các hoàng tử)…

Nhà hát Duyệt Thị Đường được làm bằng gỗ, cấu trúc gồm 4 gian 2 chái, dài 46m, rộng 35m. Công trình có 8 hàng cột với 2 tầng mái thắt cổ diềm, nền được lát bằng gạch Bát Tràng, sân khấu nằm ở giữa. Bốn bên tòa nhà đều có mái hiên kết nối với hệ thống hành lang trong Tử Cấm Thành.

Khi xem các sự kiện trình diễn nghệ thuật, vua ngồi trên một bục chính giữa, có ngai riêng, hai bên tả - hữu là chỗ dành cho quốc khách. Phía sau vua là hàng ghề dành cho các bà hoàng, cung nữ triều đình.

Duyệt Thị Đường cũng chính là nơi tổ chức những điển lễ quan trọng nhất về các loại hình nghệ thuật dưới triều Nguyễn như ca múa nhạc cung đình, hát bội, diễn tuồng, kịch. Ngoài ra, đây cũng là nơi được chọn để tổ chức những lễ hội đặc biệt của vương triều nhà Nguyễn.

Ngoài chức năng trình diễn nghệ thuật, đây đã từng là nơi tổ chức lễ hội để mừng dịp tứ tuần đại khánh (sinh nhật) của vua Minh Mạng, Tự Đức, Đồng Khánh, Khải Định.

Cùng với thời gian, Duyệt Thị Đường đã trải qua nhiều lần được trùng tu như vào năm 1829 dưới thời vua Minh Mạng hay như thời Bảo Đại, vào các năm 1930 và 1940, triều đình đã cho cải tạo với quy mô lớn khi nhà hát bị hư hỏng nặng.

Loại hình âm nhạc chủ yếu được trình diễn tại nhà hát Duyệt Thị Đường chính là Nhã nhạc cung đình Huế (Nhã nhạc cung đình triều Nguyễn).

Nhà hát Duyệt Thị Đường ngày nay. Ảnh ITN.
Nhà hát Duyệt Thị Đường ngày nay. Ảnh ITN.

Nhã nhạc cung đình Huế

Nhã nhạc được hiểu là âm nhạc chính đáng, phân biệt với tục nhạc. Nếu như Nhã nhạc chỉ dành riêng cho triều đình thì “tục nhạc” là âm nhạc của trăm họ trong dân chúng. Theo các tài liệu lịch sử, Nhã nhạc Việt Nam được thiết lập và tồn tại cùng các triều đại quân chủ như Lý, Trần, Hồ, Hậu Lê, Tây Sơn, Nguyễn.

Dưới thời trị vì của mình, các vua triều Nguyễn đã kế thừa Nhã nhạc của các triều đại trước, phát triển, hoàn thiện để sử dụng trong các dịp lễ lạt và giáo hóa phong tục. Vua Minh Mạng sinh thời đã cho khắc câu đối ở nhà hát Duyệt Thị Đường rằng:

“Âm nhạc tịnh trần hòa kỳ tâm nhi dưỡng kỳ chí/Nghiêm xuy tề hiến thủ kỳ thị nhi giới kỳ phi”. Nghĩa là: “Âm nhạc bày ra hòa được vào lòng người và dưỡng được chí/Tất cả bày biện, ta hãy tiếp thu những điều phải, điều hay và nhìn những cái sai lầm trong đó để răn mình”.

Theo các nhà nghiên cứu, Nhã nhạc triều Nguyễn là một điển hình cho âm nhạc bác học, phản ánh nhận thức thẩm mĩ, tư duy triết học, vũ trụ quan và nhân sinh quan của người Việt. Nhã nhạc cũng chính là biểu tượng của vương triều, sự bình yên của quốc gia.

Nhã nhạc trong cung đình triều Nguyễn được sử dụng vào những hoạt động như Tế giao, Tế ở các Miếu (Triệu Miếu, Thái Miếu, Hưng Miếu, Thế Miếu, Tả Miếu, Hữu Miếu, Văn Miếu…), Tế tịch điền, Tế tiên nông, lễ Ban sóc (phát lịch), Tết Nguyên đán, lễ Đại triều (2 lần/tháng), lễ Thường triều (4 lần/tháng), các dịp lễ Vạn thọ (sinh nhật vua), lễ Thánh thọ (sinh nhật hoàng thái hậu), sinh nhật hoàng hậu, hoàng quý phi, hoàng tử…

Ngoài ta, trong các hoạt động bất thường như lễ đăng quang, lễ tang của các vị vua, hoàng hậu, đón tiếp sứ thần, yến tiệc… Nhã nhạc cũng sẽ được sử dụng. Tùy vào tính chất của từng lễ, triều đình sẽ chọn những loại nhạc thích ứng như Giao nhạc, Miếu nhạc, Ngũ tế nhạc, Đại triều nhạc, Thường triều nhạc, Yến nhạc, Cung trung nhạc.

Để biểu diễn Nhã nhạc, triều Nguyễn đã tuyển chọn tất cả những nhạc khí có giá trị của dân tộc để đưa vào dàn nhạc cung đình. Tùy vào trường hợp mà sử dụng Đại nhạc hay Tiểu nhạc.

Đại nhạc có ít nhất 42 nhạc cụ, Tiểu nhạc có 8 nhạc cụ. Trong dàn nhạc cung đình có đầy đủ các loại nhạc cụ thuộc bộ hơi (sáo, kèn), bộ dây (nhị, đàn nguyệt, đàn tỳ bà), bộ gõ (trống, chuông, sanh tiền).

Ca khúc được lựa chọn trong Nhã nhạc được chắt lọc, kết hợp giữa từ các làn điệu mạnh mẽ, vui tươi từ miền Bắc cùng những làn điệu nhẹ nhàng, sau lắng của miền Nam. Khi tấu nhạc, các thang âm trong dàn nhạc không được lấn át nhau, nhờ vậy, người nghe có thể thưởng thức được âm thanh của tất cả nhạc khí trong dàn nhạc cung đình Huế.

Dịp lễ tế đàn Nam Giao năm 1942 là lần cuối cùng Nhã nhạc cung đình Huế được biểu diễn trọng thể trước công chúng. Sau khi nhà Nguyễn cáo chung năm 1945, Nhã nhạc cung đình Huế cũng lụi tàn. Đến năm 1949, bà Từ Cung (mẹ vua Bảo Đại) mới tìm cách phục hồi Nhã nhạc để phục vụ các dịp tế lễ của triều Nguyễn. Nhờ đó, Nhã nhạc cung đình Huế được bảo tồn đến ngày nay.

Ngày 7/11/2003, Nhã nhạc cung đình Huế đã được UNESCO công nhận là một trong 28 kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại. Theo các nhà nghiên cứu, Nhã nhạc cung đình Huế đã thể hiện trình độ điêu luyện, chinh phục được giới thưởng nhạc và những nhà nghiên cứu âm nhạc khó tính nhất. UNESCO đánh giá “Nhã nhạc Việt Nam mang ý nghĩa âm nhạc tao nhã, được trình diễn tại các ngày lễ trọng đại, mang tầm quốc gia”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ