(GD&TĐ) - Tỉnh Thừa Thiên - Huế đang tập trung thực hiện những biện pháp trước mắt để bảo tồn Nhã nhạc cung đình Huế. Đặc biệt, lần đầu tiên, nhà hát đã thực hiện hoàn chỉnh đề cương hồ sơ nghiên cứu "Xây dựng cơ sở dữ liệu Âm nhạc Cung đình Huế.
Ông Phan Thanh Hải, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết: Từ năm 2003, khi Nhã nhạc cung đình Huế (Âm nhạc cung đình Việt Nam) được UNESCO tôn vinh là Di sản văn hoá phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại đến nay, Trung tâm đã sưu tầm, bảo tồn và dàn dựng được hơn 30 nhạc chương trong các lễ tế, 40 nhạc khúc được diễn tấu với nhiều loại tiểu nhạc, đại nhạc, gần 20 điệu múa cung đình đã được phục hồi, dựng được 3 vở tuồng cổ đáp ứng cho các lễ hội và giao lưu văn hoá.
Trình diễn một tiết mục Nhã nhạc cung đình Huế. |
Bên cạnh đó, Nhà hát đã chú trọng đến công tác sưu tầm nghiên cứu, coi đây là một công việc quan trọng, xuyên suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị di sản phi vật thể Nhã nhạc, ca múa cung đình, tuồng cung đình Huế; báo cáo thành công hồ sơ nghiên cứu Nhã nhạc “Bài bản Tam Thiên”, hoàn thành hồ sơ nghiên cứu “Mặt nạ tuồng Huế”, kết thúc giai đoạn I hồ sơ nghiên cứu Nhã nhạc “Bài bản Cung ai”, biểu diễn quảng bá di sản cung đình Huế bằng việc liên tục tổ chức nhiều xuất diễn và đã trình diễn xuất sắc các tiết mục biểu diễn trong Festival Huế 2012; dàn dựng vở tuồng Trần Bình Trọng; tổ chức hai đợt tập huấn Nhã nhạc và ca múa cung đình (bài Thị hồ vu thiên trong tiết mục múa Tam quốc Tây du); dàn dựng chương trình nhã nhạc tham gia hội thi nhạc cụ truyền thống các dân tộc Việt Nam lần thứ I tại thành phố Huế; tham gia chương trình bế mạc năm du lịch quốc gia và liên hoan hợp xướng quốc tế 2012 tổ chức tại tại Huế…
Đặc biệt, lần đầu tiên Trung tâm cũng tiến hành nhiều cuộc điền dã ở thành phố Huế và các vùng phụ cận, gặp gỡ, tiếp xúc và trò chuyện với nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ, những người vốn trước đây đã có thời gian phục vụ và làm việc trong cung dưới thời các vua cuối cùng của triều Nguyễn. Nhiều tư liệu quý về các loại hình Nhã nhạc, tuồng và múa cung đình đã được thu thập, trên cơ sở đó nhóm nghiên cứu đã tập hợp, phân loại và xây dựng thành bộ hồ sơ khoa học "Xây dựng cơ sở dữ liệu Âm nhạc Cung đình Huế." Đến nay, bộ hồ sơ khoa học này đã thu được 250 trang viết, giới thiệu về sự nghiệp của nghệ nhân, nghệ sĩ và ký âm các bài bản do họ thể hiện, 22 băng ghi âm, 45 đĩa DVD với nội dung ghi lại các kỹ thuật trình tấu, kỹ năng nghề nghiệp của nghệ nhân, nghệ sĩ thuộc bộ môn Nhã nhạc cung đình Huế./.
Hải Hà