Chuyện hiếm về báu vật Định Nam đao

GD&TĐ - Mạc Đăng Dung – vị Thái Tổ sáng lập triều Mạc, cho đến nay đã được lịch sử nhìn nhận và đánh giá lại đúng như bài chiếu nhường ngôi, do Đông các Đại học sĩ Nguyễn Văn Thái thảo viết năm 1527.

Tam quan di tích khu tưởng niệm vương triều Mạc.
Tam quan di tích khu tưởng niệm vương triều Mạc.

“…Ta không có đức, lạm giữ ngôi trời, việc gánh vác không kham nổi. Mệnh trời lòng người đều theo về người có đức. Xét Thái sư An Hưng Vương Mạc Đăng Dung nhà ngươi, bẩm tính thông minh, sáng suốt, có tài lược văn võ.

Bên ngoài đánh dẹp bốn phương, các nơi đều phục tùng; bên trong coi sóc trăm quan, mọi việc đều tốt đẹp. Công to đức lớn, trời cho người theo.

Nay ta cân nhắc lẽ phải, nên nhường ngôi cho. Hãy gắng sửa đức lớn, giữ mãi mệnh trời để ức triệu dân lành được yên vui. Mong kính theo đó”.

Ấy là lược trích những lời trong tờ chiếu của Lê Cung Hoàng, vị hoàng đế thứ 11 của triều Hậu Lê. Chiếu do Đại học sĩ Nguyễn Văn Thái thảo viết. Và, những ai tường tỏ chuyện sử nước nhà, hẳn sẽ biết nhà bác học Lê Quý Đôn, chép: “Lúc này thần dân phần nhiều xu hướng về Đăng Dung, đều ra đón về kinh đô”.

Di tích vương triều Mạc xây tại Cổ Trai (Hải Phòng).
Di tích vương triều Mạc xây tại Cổ Trai (Hải Phòng).

Ấy vậy mà sử sách sau này do nhà Lê – Trịnh chép, lại cho rằng nhà Mạc là “ngụy triều”. Đằng đẵng bao nhiêu năm, bao nhiêu triều đại đều cho rằng Mạc Đăng Dung cướp ngôi chứ không được nhường ngôi; cùng những rắc rối bí ẩn trong việc bang giao cắt đất.

Năm 2004, Nhà nước đã công nhận và trao bằng di tích lịch sử văn hóa từ đường họ Mạc ở Cổ Trai (Kiến Thụy – Hải Phòng). Gần 500 năm, ngoài tiếng tăm truyền lại, có lẽ di vật duy nhất sót lại của Mạc Thái Tổ là long đao Định Nam. Xung quanh những câu chuyện lịch sử, có nhiều điều bí ẩn đến nay chưa tìm ra được lời giải thích thỏa đáng. 

Đao định thiên hạ

Bảo vật “Định Nam đao” được cho là của Mạc Thái Tổ.
Bảo vật “Định Nam đao” được cho là của Mạc Thái Tổ.

Mạc Đăng Dung là người làng Cổ Trai, nay là xã Ngũ Đoan (Kiến Thụy - Hải Phòng). Ông bước vào đường quan lộ sau khi thi đậu Võ trạng nguyên trong cuộc thi tuyển võ sĩ tại Giảng Võ đường ở Thăng Long dưới triều Lê Uy Mục.

Từ một võ quan cấp thấp, nhờ tài thao lược và mưu trí, Mạc Đăng Dung đã vươn tới tột bậc quyền lực vào năm 1527 khi được thăng tới chức Thái sư, tước An Hưng, đức trí bậc nhất trong triều.

Giờ Ngọ ngày 15/6 năm Đinh Hợi (1527) là thời khắc lịch sử chuyển giao quyền lực từ nhà Lê sang nhà Mạc. Mạc Đăng Dung lên ngôi, lấy niên hiệu là Minh Đức. Trị vì đất nước đến cuối năm 1529, thì nhường ngôi cho con cả là Mạc Đăng Doanh.

Thanh đao gỉ sét, chỉ còn cán đao là khá nguyên vẹn.
Thanh đao gỉ sét, chỉ còn cán đao là khá nguyên vẹn.

Mạc Đăng Dung về quê, cho xây dựng Dương Kinh để mở trường dạy học lấy tên là Trường Quốc gia học, an hưởng tuổi già. Mặc dù vậy, những việc trọng đại của đất nước, vua con vẫn phải tâu trình vua cha.

Xuất thân từ trạng nguyên võ nên Mạc Đăng Dung sử dụng thanh đại long đao xông pha trận mạc lập công lớn. Với thanh đao trong tay, ông từng bách chiến bách thắng trong các cuộc dẹp loạn: Cù Khắc Xương, Trần Công Vụ, Lê Quảng Độ, dẹp loạn Thần Thăng ở Thái Nguyên, ở Lạng Sơn, Nguyễn Hoằng Dụ ở Thanh Hóa.

Khi Mạc Thái Tổ băng hà, long đao được thờ ở Thái miếu (Thăng Long), sau rước về thờ ở lăng miếu Cổ Trai. Hiện nay được biết ở châu Á chỉ còn hai binh khí được lưu thờ và được xem là vật Thái Bảo: Một là thanh đao của Tống Thái Tổ (Bắc Tống – Trung Quốc) và thứ hai là thanh long đao của Mạc Thái Tổ (Mạc Đăng Dung).

Giấc mộng thiên thủy

Ông Ngô Minh Khiêm, Trưởng ban Quản lý khu tưởng niệm Vương triều Mạc, cho biết thanh long đao được gọi là Định Nam đao của vua Mạc Đăng Dung làm bằng sắt, bị han gỉ nham nhở đặt trong tủ kính ở ngay dưới ngai thờ vị vua dựng lên triều Mạc. Vật thái bảo này nặng 25,6kg, dài 2,55m, trong đó lưỡi đao dài 0,95m, cán làm bằng sắt rỗng.

Theo “Hợp biên thế phả Mạc tộc”, năm Nhâm Thìn (1592), tướng nhà Lê là Trịnh Tùng đem quân đánh chiếm Thăng Long. Mạc Đăng Thận, cháu 4 đời của Mạc Đăng Dung, biết đại cục không thể cứu vãn nên giả làm thuyền buôn, giong thuyền xuôi về hướng nam, đem theo thanh Định Nam đao của Mạc Thái Tổ.

Một đêm, bà Chính phi mơ thấy lão thần ngự trên áng mây lành chỉ về phía vùng chân sóng, dạy rằng: “Thiên thủy khả dĩ dung thân” tức là vùng chân nước này có thể trú nghiệp.

Tỉnh giấc bà thưa lại với thân vương. Ông đã cho thân tín dò xét, rồi đích thân thẩm địa, bèn lệnh cho đoàn thuyền dừng lại ở cửa Lạn Môn thuộc phủ Thiên Trường, xứ Sơn Nam Hạ. Đó là khu Cồn Kiên, Cồn Lau sau gọi là Kiên Lao (Xuân Trường – Nam Định) khẩn hoang trú nghiệp.

Theo lời khuyên của Nguyễn Bỉnh Khiêm, ông đổi họ Mạc thành họ Phạm, và lấy tên là Đình Trú để con cháu đời sau ghi nhớ tín hiệu. Trải qua 4 đời ở Kiên Lao, dòng họ Phạm gốc Mạc có sự phân chi. Đại long đao của Mạc Thái Tổ được lưu thờ ở từ đường thôn Ngọc Tỉnh.

Tương truyền thời vua Lê Dụ Tông (1728), hai người con trai Thủy Tổ Phạm Công Úc ở Ngọc Tỉnh là Phạm Công Dục và Phạm Công Dắt lên kinh đô thi võ. Hai ông đã xin cha cho phép làm lễ trước thanh long đao của Mạc Thái Tổ, cầu xin anh linh tiên đế và linh khí bảo đao phù trợ. Khoa thi ấy cả hai ông đều đỗ võ quan, được triều đình trọng dụng. 

Bia đá và rùa đá được tìm thấy tại xã Ngũ Đoan.
Bia đá và rùa đá được tìm thấy tại xã Ngũ Đoan.

“Ẩn thân” trên đất Nam Định

Linh ứng của bảo đao Định Nam loan khắp bốn phương thiên hạ khiến cả triều đình lẫn các anh hùng thèm muốn. Vào triều vua Minh Mạng (1821), Phan Bá Vành người Thái Bình – một lực sĩ có sức khỏe phi thường với tài ném lao chỉ để lại 3 đường chỉ ngang (dân gian vì thế gọi là Ba Vành – PV) khởi binh chống lại triều đình.

Phan Bá Vành cho lập đồn căn cứ chính ở huyện Xuân Trường (Nam Định), nhiều lần đánh tiếng tỏ ý muốn mượn bảo đao của Mạc Thái Tổ để hun đúc linh khí trên chiến địa. Tuy nhiên, con cháu họ Phạm ở Ngọc Tỉnh đã chôn giấu long đao nhất quyết không để rơi vào tay người ngoài.

Biến cố lịch sử, dấu tích chôn giấu không còn, Đại long đao bị thất lạc. Mãi đến năm 1938, họ Phạm (Mạc) ở Ngọc Tỉnh trùng tu từ đường, đào hồ bán nguyệt để tích phúc cho thế đất và chi họ đã tìm lại được đại bảo đao Định Nam sau hơn 100 năm ẩn mình trong đất.

Người dân làng Ngọc Tỉnh (nay là thị trấn Xuân Trường) kể lại rằng: Nhiều lần người dân thấy hiện tượng lạ kỳ, nơi vị trí gò đất chôn thanh đao bỗng nhiên phát hỏa. Nhưng từ khi con cháu họ Phạm (Mạc) tìm thấy bảo đao chính nơi phát hỏa rồi rước về thờ ở từ đường, thì hiện tượng này không còn nữa. Chuyện lạ ấy nay vẫn còn tương truyền, và địa danh tên gọi “Gò con Hỏa” xuất phát từ đó.

Đúng vào thời điểm từ đường họ Mạc ở Cổ Trai được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Ông Mạc Như Thiết (trưởng chi họ Mạc ở Cổ Trai – trông coi từ đường họ Mạc) bắt đầu cất công đi thu thập và tìm tòi những di sản liên quan đến triều Mạc.

Cũng trong thời gian ấy dân làng tại xã Ngũ Đoan phát hiện tấm bia đá khổng lồ dưới lòng mương Trại Lăng trong khi nạo vét hệ thống thủy lợi nội đồng. Các bậc cao niên trong làng cho rằng, khi Trịnh Tùng mang quân tàn phá Dương Kinh, con cháu họ Mạc đã bí mật đem chôn giấu một số bia ký, tượng đá.

Qua một số chữ sót lại còn rõ nét, nhiều nhà nghiên cứu đã khẳng định tấm bia này ghi chuyện quân lương. Các nhà khoa học tạm kết luận nội dung bia phù hợp với nơi cất giấu tấm bia, khu vực đã từng là kho dự trữ quân lương của triều Mạc.

Khai quật thêm, các nhà khoa học tìm thấy 1 con rùa đội bia nhưng mai đã bị vỡ vụn. Một chiếc bồn đá được cho là dùng để đựng nước tắm của vua chúa và các cung nữ ngày xưa. Tấm bia lớn cao hơn 2m, rộng hơn 1,5m, nặng chừng 2 tấn. 

Mạc Đăng Dung lấy ngôi vua nhà Lê không phải từ tay một vua Lê anh hùng như Lê Lợi, một vua Lê có học vấn và tài năng lớn như Lê Thánh Tông, mà là từ những vua lợn, vua quỷ... Sự thay thế đó là hợp lẽ Đời và Đạo”. Cố GS Trần Quốc Vượng - trong “Mấy vấn đề về nhà Mạc”

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ