Thời điểm thích hợp
Từ ngày 7/2, khoảng 17 triệu học sinh trên cả nước đã trở lại trường học trực tiếp sau thời gian dài. Tại Hà Nội, toàn bộ học sinh khối lớp 7 đến 12 trở lại trường vào ngày 8/2. Học sinh từ khối 1 - 6 tại 18 huyện, thị xã trở lại trường từ ngày 10/2.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, từ ngày 14/2, trẻ mầm non 3 - 6 tuổi và học sinh lớp 1 đến 6 sẽ đi học trở lại trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh. Những em phụ huynh chưa đồng thuận sẽ học trực tuyến.
Trước đó, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, hiện Việt Nam đã có những điều kiện, căn cứ để đưa trẻ trở lại trường học an toàn như: Tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho người từ 18 tuổi trong nhóm cao nhất thế giới, tỷ lệ ca bệnh nặng, số ca tử vong thấp, kinh nghiệm chống dịch của các địa phương, ý thức của người dân được nâng cao, tỷ lệ tiêm vắc-xin cho trẻ từ 12 tuổi cao (dự kiến hoàn thành tiêm mũi 2 sau Tết) và tăng cường tiếp cận vắc-xin cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi.
"Quan điểm của Bộ Y tế cũng cơ bản ủng hộ kế hoạch đưa trẻ trở lại trường sau Tết", Thứ trưởng Sơn cho biết.
Khi học sinh trở lại trường, băn khoăn lớn nhất của phụ huynh là làm thế nào để trẻ được an toàn, nhất là các bé mầm non và tiểu học có ý thức phòng dịch chưa cao. Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho rằng, việc để trẻ trở lại trường ở thời điểm này là hoàn toàn hợp lý. Do đó, phụ huynh và học sinh không nên lo lắng.
Theo chuyên gia này, trong dịp Tết nguyên đán, không ít phụ huynh đưa con đi về quê, du lịch, đi chơi,... Trong khi đó, ngay cả ở nhà, trẻ cũng có nguy cơ lây nhiễm cao hơn khi đi học. Bởi, dù ở nhà, trẻ cũng vẫn tiếp xúc với các thành viên khác trong gia đình.
Do đó, khi đi học, trong trường hợp lớp có trẻ mắc Covid-19, PGS Nga cho rằng, F0 có thể nghỉ và học trực tuyến. Đồng thời, xét nghiệm đối với các bạn khác trong lớp. "Ngay cả đối với lứa tuổi chưa tiêm vắc-xin, trẻ đi học cũng không phải là điều đáng lo ngại. Hiện nay, cả thế giới đã cho trẻ đi học", PGS Nga nhận định.
Nguy cơ thấp
Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, việc để trẻ trở lại trường trong bối cảnh hiện nay là vô cùng cần thiết. Bởi, trẻ đã ở nhà quá lâu, từ đó sinh ra tâm lý không muốn đến trường. Học trực tuyến có thể khiến giáo viên, nhà trường cũng như học sinh cảm thấy thoải mái hơn. Điều đó dẫn đến tình trạng trì trệ, chất lượng không cao như học trực tiếp.
"Ngoài ra, sức khoẻ trẻ có thể bị ảnh hưởng do học trực tuyến kéo dài. Trẻ có nguy cơ bị ảnh hưởng thị lực khi nhìn màn hình quá lâu do học trực tuyến. Bên cạnh đó, trẻ có thể bị ảnh hưởng tâm lý, trầm cảm, thậm chí là dẫn đến tâm thần", PGS Nga cảnh báo.
Tuy nhiên, theo chuyên gia này, đối với trẻ béo phì, tiểu đường, sức khoẻ yếu, gia đình cần quan tâm các em. Để trẻ trở lại trường an toàn, chuyên gia này khuyến cáo, gia đình cần thường xuyên theo dõi sức khoẻ, yêu cầu trẻ thực hiện tốt 5K.
Khi đến trường, trẻ cần đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên. Trong khi đó, nhà trường cần thực hiện đúng theo tiêu chí đánh giá trường học an toàn. Đồng thời, giữ không khí thông thoáng, có bộ phận y tế hoạt động.
"Trong trường hợp trẻ sốt, có triệu chứng nghi ngờ mắc Covid-19 hoặc người nhà là F0, gia đình cần thông báo cho nhà trường. Nếu một học sinh trong lớp là F0, nhà trường có thể yêu cầu các trẻ ngồi gần xét nghiệm. Nguy cơ khi trẻ trở lại trường thấp hơn so với khi các em học trực tuyến", PGS.TS Nguyễn Huy Nga chia sẻ.
Mới đây, Bộ Y tế đã tiến hành khảo sát ý kiến phụ huynh. Kết quả cho thấy, có trên 50% phụ huynh đồng tình tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 - 11 tuổi. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, hiện trên thế giới đã có 37 quốc gia triển khai tiêm cho trẻ em trong độ tuổi này. Trong đó có một số quốc gia Đông Nam Á như Malaysia và Thái Lan.
Theo Bộ Y tế, việc tiêm vắc-xin cho trẻ em từ 5 - 12 tuổi là không bắt buộc. Tuy nhiên, người dân nên tiêm chủng để đảm bảo an toàn cho trẻ trong bối cảnh thích ứng an toàn với đại dịch. “Dù trẻ em mắc Covid-19 không diễn biến nặng như người lớn nhưng có thể để lại các di chứng vĩnh viễn gây suy giảm sức khỏe, ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ. Ngoài ra, tiêm chủng cho trẻ em giúp giảm nguy cơ lây truyền dịch trong cộng đồng”, Bộ Y tế khuyến cáo.