Chuyên gia về Biển Đông: Mỹ cần tuần tra thường xuyên gần đảo nhân tạo

Các chuyên gia cho rằng việc Mỹ tuần tra trong phạm vi 12 hải lý từ các đảo nhân tạo Trung Quốc xây trên Biển Đông để ủng hộ tự do hàng hải phải được thực hiện thường xuyên mới hiệu quả, khi mà tham vọng của Trung Quốc là thể hiện quyền lực sâu trong các vùng biển Đông Nam Á và xa hơn nữa.

Chuyên gia về Biển Đông: Mỹ cần tuần tra thường xuyên gần đảo nhân tạo
Chuyên gia về Biển Đông: Mỹ cần tuần tra thường xuyên gần đảo nhân tạo ảnh 1

Các công trình Trung Quốc xây trên Đá Vành Khăn.

Không thể thất thường

Reuters dẫn lời Ian Storey, chuyên gia Biển Đông tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, nói: "Việc này không thể thất thường. Hải quân Mỹ phải tiến hành tuần tra như vậy thường xuyên để củng cố thông điệp của họ". Còn Bonnie Glaser, chuyên gia an ninh tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược Mỹ (CSIS) cho rằng, các cuộc tuần tra của Mỹ có thể sẽ thường xuyên diễn ra, song hải quân Mỹ cũng không muốn điều đó sẽ tạo ra một vùng cấm đi lại mới với Trung Quốc. Bà cũng cho rằng Trung Quốc sẽ thận trọng khi can thiệp vào việc tuần tra của Mỹ. Nhiều người cho rằng, việc tuần tra hải quân nếu không thường xuyên sẽ mang tính biểu tượng hơn là thực chất.

Tuy nhiên, Trung Quốc có thể chống lại những nỗ lực tuần tra thường xuyên đó và gây ra những nguy cơ về quân sự và chính trị. Chẳng hạn, hải quân Trung Quốc có thể tìm cách ngăn cản hoặc bao vây tàu Mỹ khiến tình hình leo thang. Zhang Baohui, chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học Lĩnh Nam Hồng Kông, nói rằng ông sợ sẽ có sự leo thang nguy hiểm khi Trung Quốc có thể phản ứng với các nỗ lực tuần tra thường xuyên. Ông cho là không chỉ ở vấn đề tự do hàng hải, mà theo ông, Bắc Kinh xem vấn đề là một trong những sự cạnh tranh giữa các cường quốc: "Đây là về quyền lực, và chính điều đó khiến cho sự việc trở nên nguy hiểm như vậy". Sam Bateman, cố vấn Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, nhấn mạnh, Mỹ chưa đánh giá hơn cơn giận của Trung Quốc khi bị kiềm chế trên Biển Đông.

Ngoài ra, liên quan đến các đảo nhân tạo Trung Quốc đang xây, nhiều nhà phân tích cho rằng các đảo này sẽ tạo thành một lá chắn quân sự mới để bảo vệ tàu ngầm của Trung Quốc ở đảo Hải Nam, cũng như các cơ sở dân sự lớn. Các tàu ngầm này sẽ sớm mang vũ khí hạt nhân và thể hiện cốt lõi lá chắn hạt nhân của Trung Quốc, đem lại cho nó khả năng tấn công thứ hai.

Tàu quân sự trá hình

Câu hỏi hiện nay là Trung Quốc sẽ ứng phó với tàu tuần tra Mỹ thế nào, chỉ bằng tàu hải cảnh như lâu nay họ sử dụng ồ ạt trên biển để chống lại lực lượng bảo vệ bờ biển các nước, hay sẽ coi đó là lý do để lôi hải quân vào, và như vậy sẽ làm gia tăng đáng kể căng thẳng trong khu vực. Bloomberg dẫn lời cựu Trợ lý ngoại trưởng Mỹ về Đông Á Susan Shirk nói: "Lúc đầu sẽ là hải cảnh, nhưng tôi lo ngại về việc kiểm soát leo thang. Tôi cho rằng chúng ta phải dự đoán là hải quân Trung Quốc sẽ ứng phó theo cách nào đó".

Theo Bloomberg, hiện nay, với việc không triển khai tàu hải quân "thân xám" quá lộ liễu, Trung Quốc đang tìm cách ngăn chặn sự lên án của quốc tế có thể xảy ra nếu nước này tìm cách dùng tàu chiến áp đặt những đòi hỏi chủ quyền của họ. Trung Quốc dùng tàu hải cảnh làm lực lượng tiên phong để đòi hỏi chủ quyền. Đội tàu thân trắng có vẻ ngoài giống tàu dân sự, được trang bị đèn pha, loa phóng thanh và vòi rồng thường xuyên có mặt ở các vùng biển tranh chấp, đối mặt với tàu cá và tàu bảo vệ bờ biển của các nước khác.

Chiến thuật này của Trung Quốc rất quan trọng khi quân đội Mỹ đang cân nhắc việc đưa tàu chiến vào phạm vi 12 hải lý kể từ các đảo nhân tạo Trung Quốc xây trên Biển Đông. Vấn đề là,
Trung Quốc sử dụng hải cảnh trong khu vực nhằm nhấn mạnh thông điệp chính trị rằng họ coi ít nhất 80% Biển Đông thuộc chủ quyền của họ, theo luật quốc gia của họ. Các tàu này thường hoạt động gần các đảo nhân tạo mà trên đó họ đã xây đường băng, nhà kiên cố và hải đăng. Theo nhà nghiên cứu Lyle Morris của tập đoàn Rand Corp, Trung Quốc đang coi hải cảnh là "công cụ tích cực trong chính sách quốc gia để khẳng định đòi hỏi chủ quyền", và ông cho rằng Trung Quốc đang áp dụng một chính sách quyết đoán hơn.

Văn phòng Tình báo Hải quân Mỹ ước tính Trung Quốc có khoảng 205 tàu hành pháp trên biển, trong khi Nhật có 78 tàu, Việt Nam có 55 tàu và Philippines chỉ có 4 tàu. "Thông thường Bắc Kinh thích sử dụng tàu hải cảnh ở tiền tuyến trong hoạt động đòi hỏi chủ quyền hơn, còn các tàu quân đội thì đảm bảo an ninh một cách ít công khai hơn" - báo cáo của văn phòng này cho biết. Tạp chí quốc phòng IHS Jane"s cho biết hồi tháng 7 vừa qua, Trung Quốc đang chuyển đổi hai tàu hải quân cũ thành tàu hải cảnh, và tạp chí này đăng các bức ảnh hai tàu khu trục được sơn trắng tại một xưởng đóng tàu hải quân.

Song, theo nhà nghiên cứu Dean Cheng của Quỹ Heritage ở Washington, một chuyên gia về năng lực quân sự, thì ngay cả khi dỡ súng và các thứ khác ra, các tàu này vẫn là tàu rất lớn, có sức chịu đựng lâu dài hơn và có thể hoạt động hợp tác với các tàu chiến thực thụ. Chuyên gia Morris ước tính Trung Quôc đã chi khoảng 1,74 tỉ USD mỗi năm cho đội tàu của họ trong 5 năm qua. Chỉ có ngân sách của Nhật là có thể so sánh xấp xỉ, với khoảng 1,5 tỉ USD mỗi năm. Trong cùng thời kỳ đó, các quốc gia Châu Á - Thái Bình Dương khác chi từ 100 triệu đến 200 triệu USD mỗi năm - ông Morris cho biết. "Điểm mấu chốt là các nước khác không thể sử dụng hải quân của họ để đối phó với những gì Trung Quốc đang làm, bởi như vậy sẽ bị coi như sự leo thang không cần thiết" - ông nói. "Vì vậy họ nhận ra rằng họ cần đầu tư vào lực lượng bảo vệ bờ biển của họ, nhưng vấn đề là họ không có nhiều ngân sách".

Theo Lao Động

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ