Sách giáo khoa (SGK) lớp 1 và việc đổi mới chương trình năm học 2020-2021 đã thu hút sự quan tâm rất lớn của xã hội cũng như giới chuyên môn trong và ngoài nước. Phóng viên đã có buổi làm việc với ông Andy Smart, chuyên gia về chương trình và SGK đồng thời là cố vấn cho các tổ chức quốc tế như World Bank, DFID, UNICEF, USAID và DANIDA, về các quan điểm từ góc nhìn chính sách đối với đợt cải cách chương trình, SGK lần này tại Việt Nam.
PV: Đợt triển khai chương trình và SGK mới của Việt Nam năm học này nhận được sự quan tâm rất lớn của xã hội, trong đó có nhiều ý kiến phản hồi về SGK Tiếng Việt lớp 1 có những nội dung không mang tính giáo dục cao và chưa phù hợp với học sinh tiểu học. Những việc tương tự như vậy có từng xảy ra ở các nước trên thế giới không và nếu có thì thường được giải quyết theo cách nào, thưa ông?
Ông Andy Smart: Theo kinh nghiệm làm việc với nhiều quốc gia và nghiên cứu sâu về chương trình giáo dục phổ thông và SGK của họ, tôi nhận thấy mỗi khi một bộ SGK mới được đưa vào sử dụng rộng rãi, việc xảy ra ý kiến phản hồi trái chiều là điều không thể tránh khỏi, đặc biệt là với các môn khoa học xã hội như lịch sử hay ngôn ngữ. Ví dụ như SGK Ngữ văn của Bangladesh từng gây tranh luận về việc lựa chọn ngữ liệu thơ; hay Nhật Bản cũng có SGK Đạo đức nhận phản hồi tiêu cực vì đề cập đến những chủ đề nhạy cảm trong lịch sử.
Thông thường, việc đầu tiên các nhà chức trách làm sau khi tiếp nhận và lắng nghe các ý kiến phản hồi sẽ là cân nhắc về góc độ chuyên môn. Nếu là vấn đề mới, khi đưa ra chưa được giải thích kĩ nên gây hiểu nhầm từ phía những người thực hành giáo dục thì việc cần làm sẽ là thông tin lại cho rõ ràng và hiệu quả hơn. Còn nếu là vấn đề thực sự cần chỉnh sửa thì cách làm thường được áp dụng là sẽ điều chỉnh SGK của năm học tiếp theo. Việc thay đổi ngay trong năm học đó thường không mang lại hiệu quả và gây xáo trộn không cần thiết.
- Hiện nay có một số ý kiến cho rằng những sai sót không đáng có trong SGK của Việt Nam lần này là do không triển khai thử nghiệm trước khi đưa vào sử dụng như những lần trước đây. Vậy xin ông cho biết quy trình thử nghiệm SGK của các nước như thế nào?
- Trước hết, cần phân biệt rõ "thực nghiệm" và "thử nghiệm".
Thực nghiệm là quá trình các tác giả sách (dưới sự hỗ trợ của NXB) tiến hành dạy thử, quan sát, rút kinh nghiệm để hoàn thành bản mẫu SGK. Đây là quy trình bắt buộc khi làm sách và theo tôi tìm hiểu, các NXB ở Việt Nam đều tuân thủ.
Thử nghiệm là bước SGK được đưa vào sử dụng ở quy mô nhất định để đánh giá tác động trước khi nhân rộng. Nếu chỉ có một chương trình, một bộ sách thì việc này có thể khả thi và một số nước (như Việt Nam trước đây) cũng đã làm.
Tuy nhiên, khi áp dụng chính sách một chương trình, nhiều bộ sách thì không nước nào tiếp tục làm như vậy. Bởi việc thử nghiệm một bộ sách không đơn thuần chỉ là đưa vào dùng thử mà còn đòi hỏi quá trình dài tương tác phối hợp giữa các tác giả SGK, NXB và những người thực hành giáo dục, cùng với nghiên cứu khảo sát khoa học kĩ lưỡng. Việc này quá tốn kém và không khả thi khi nhân lên nhiều bộ sách. Một số nước họ cho phép các địa phương "thử nghiệm" (dùng thử) song song một số sách và sau đó đánh giá rồi quyết định dùng sách nào.
Trong thực tế cách làm hiện nay của các nước theo chính sách một chương trình, nhiều bộ sách đều là Bộ Giáo dục tiến hành khâu thẩm định sách còn các NXB chịu trách nhiệm biên soạn sách và làm thật tốt khâu tập huấn sách giáo khoa.
- Nói về vấn đề tập huấn, quy trình ở Việt Nam là các NXB sẽ chịu trách nhiệm tập huấn SGK cho giáo viên. Có một số ý kiến cho rằng lỗ hổng trong tập huấn là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc triển khai giảng dạy theo SGK mới gặp khó khăn. Quan điểm của ông về việc này như thế nào?
- Theo như tôi được biết, năm 2020 do đại dịch Covid nên việc tiến hành tập huấn SGK trên diện rộng gặp nhiều khó khăn và phần lớn là triển khai dưới hình thức trực tuyến. Việc này có thể dẫn đến những hạn chế nhất định trong hiệu quả tập huấn.
Tuy nhiên, tôi muốn lưu ý các bạn rằng các nghiên cứu cũng như kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, việc tập huấn SGK hiệu quả nhất là sau khi GV đã sử dụng bộ sách được một thời gian, ví dụ như một học kì. Khi đó, họ sẽ có những cảm nhận cụ thể hơn về bộ sách và có thể xác định được những vấn đề và khó khăn rõ ràng hơn để phản ánh với các tác giả và NXB. Khi đó tác giả SGK có thể kịp thời thông tin và giải thích với GV hướng tiếp cận của mình hoặc tìm cách xử lí phù hợp nhất trong điều kiện thực tế. Cách làm này hiệu quả hơn nhiều so với việc tập huấn trước khi sử dụng sách vì khi đó sẽ chỉ đơn giản là giới thiệu về bộ sách mà thiếu đi khâu giải quyết vấn đề, tình huống trong thực tiễn.
- Vậy trong những năm tới đối với SGK các lớp trên, ông có đề xuất gì cho Việt Nam về cách thức triển khai tập huấn SGK?
- Trước tiên, đối với bộ SGK lớp 1 năm nay, cần phải hiểu rằng việc tập huấn SGK trước thềm năm học là chưa đầy đủ và cần có hành động kịp thời. Thời điểm giữa hoặc cuối học kì I sắp tới là lúc thích hợp để các GV tích luỹ những trải nghiệm ban đầu đối với các bộ sách và sẵn sàng cho tập huấn chuyên sâu về giải quyết các vấn đề thực tiễn trên lớp học. Lúc này vai trò của tập huấn mới thực sự phát huy.
Đối với những năm học tiếp theo, theo như thông tin tôi nhận được, việc lựa chọn SGK sẽ do các Sở giáo dục địa phương đảm nhiệm. Tôi không rõ kết quả chọn sách sẽ như thế nào nhưng nếu như toàn bộ các trường trong địa bàn một tỉnh sẽ dùng chung một bộ SGK thì các Sở giáo dục nên tham gia sâu và có vai trò rõ rệt hơn trong khâu tập huấn SGK. Ví dụ như có thể hỗ trợ chuyên môn cho các NXB, đặc biệt trong việc đáp ứng nhu cầu từ phía các trường vì dù sao ngoài NXB Giáo dục thì các NXB ở Việt Nam đều chưa có nhiều kinh nghiệm đối với tập huấn SGK.
- Ông có cho rằng song song cùng các bộ SGK thì vẫn nên có một bộ sách được xây dựng bởi chính Bộ Giáo dục không?
- Câu hỏi này đã từng được đặt ra ở nhiều nước trên thế giới khi họ trong giai đoạn chuyển dịch từ một bộ sách duy nhất sang một chương trình nhiều SGK. Việc này đòi hỏi nguồn lực đầu tư rất lớn cả về tài chính và con người. Cụ thể, sẽ cần có một bộ phận chuyên nghiệp để xây dựng sách giáo khoa trực thuộc Bộ Giáo dục. Rõ ràng ở Việt Nam thì việc này chỉ có thể giao cho NXB Giáo dục.
Tuy nhiên, theo quan sát và kinh nghiệm của tôi, việc tồn tại song song một bộ SGK do Bộ Giáo dục xây dựng không phổ biến trên thế giới. Ví dụ như Singapore là nước có tiềm lực rất lớn và từng sử dụng bộ SGK do Chính phủ ban hành nhưng đến thời điểm hiện tại, việc biên soạn SGK đã được tư nhân hoá hoàn toàn. Đó là chưa kể việc ban hành như vậy dễ dẫn đến cạnh tranh không công bằng giữa các bộ sách, làm mất ý nghĩa của việc xoá bỏ độc quyền SGK.
- Nếu vẫn khuyến khích tư nhân hoá và cạnh tranh trong biên soạn và phát hành SGK, hiện giờ có đề xuất cho rằng nên công khai tất cả các bản thảo SGK để tiếp nhận góp ý từ phía cộng đồng trước khi phê duyệt và đưa vào sử dụng. Ông nghĩ thế nào về phương án này?
- Cũng có nước từng triển khai quy trình tham vấn rộng rãi như vậy, ví dụ như một số bang của Hoa Kì. Tuy nhiên, điều cần lưu ý là việc tham vấn này, dù mở rộng nhưng vẫn cần giới hạn ý kiến từ những bên có chuyên môn và thẩm quyền. Nếu đối tượng và các ý kiến tham vấn không được chọn lọc thì dễ khiến các bộ SGK mất đi tính độc đáo, đổi mới, và sáng tạo vì lịch sử cho thấy những cải tiến cũng thường vấp phải sự phản đối của số đông. Như vậy thì hiệu quả chưa chắc đã được như mong muốn.
- Nếu nhìn nhận về quá trình đổi mới chương trình và thay SGK lần này của Việt Nam một cách tổng thể thì quan điểm của ông như thế nào?
- Về mặt chủ trương chính sách, tôi cho rằng đây là bước đi đúng và tiến bộ, phù hợp với xu thế chung của thế giới. Nhất là trong hoàn cảnh dịch bệnh khó khăn, Bộ Giáo dục vẫn quyết tâm triển khai một chính sách mới có ảnh hưởng lớn trên diện rộng.
Về khung chương trình quốc gia và nội dung SGK, qua nghiên cứu các báo cáo và khảo sát của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, tôi cũng nhận thấy có nhiều cải tiến mới, nhiều ý tưởng khuyến khích sự chủ dộng, sáng tạo và linh hoạt của giáo viên và học sinh, đặc biệt còn cập nhật nhiều xu thế giáo dục mới trên thế giới như vấn đề giáo dục công dân toàn cầu.
Để việc thực thi chính sách mới mang lại hiệu quả tốt hơn, việc cần làm trước tiên là thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh trong biên soạn và xuất bản SGK bằng cách khuyến khích nhiều bên có năng lực chuyên môn tham gia viết và nộp bản thảo SGK hơn. Có thể xem xét đến những nguyên nhân vì sao nhiều người có trình độ và tâm huyết nhưng chưa tham gia vào quá trình này.
Thêm vào đó, khi SGK được đưa vào sử dụng, các nhà chức trách cần chủ động lắng nghe ý kiến từ GV và nhà trường cũng như phản ứng, hành động kịp thời để đáp ứng nhu cầu nảy sinh từ thực tiễn triển khai. Về khía cạnh nghiên cứu khoa học phục vụ quản lý, nên tiến hành điều tra ban đầu (baseline research) và so sánh với kết quả sau khi tập huấn để đánh giá hiệu quả tập huấn để tham vấn cho quá trình chuyển biến chính sách trong tầm nhìn trung và dài hạn.
- Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ.