Cần đánh giá toàn diện và vững tâm đổi mới
Lên tiếng về những chi tiết được cho là “sạn” trong một số nội dung bài học của sách Tiếng Việt (bộ sách Cánh Diều), Tổng chủ biên - GS. Nguyễn Minh Thuyết và GS Trần Đình Sử, Chủ tịch Hội đồng thẩm định môn Tiếng Việt chương trình phổ thông mới đều đã khẳng định: Nhóm biên soạn đã nghiên cứu và làm rất kỹ các nội dung. Các ngữ liệu được sử dụng trong SGK đều đã được cân nhắc cẩn thận trước khi lựa chọn sử dụng. Nguyên tắc xây dựng nội dung là hướng tới phù hợp nhất với đối tượng học sinh, phù hợp với phần kiến thức cần truyền tải.
Theo nhận định của nhà giáo Lê Văn Vỵ (Hương Sơn, Hà Tĩnh): Mỗi bộ sách đã qua thẩm định của Bộ GD&ĐT đều có những ưu điểm riêng. Đối với bộ sách Cánh Diều, ngữ liệu trong SGK Tiếng Việt hầu hết là văn bản mới. Các văn bản này được xây dựng dưới dạng đa phương thức (kết hợp cả chữ viết với hình ảnh). Sách chú ý đến dạy phát âm, viết chữ hướng đến mục đích sau khi học xong chương trình Tiếng Việt lớp 1 các em đọc thông, viết thạo. Nhìn chung, sách dễ dạy, dễ học.”
Cũng theo nhà giáo Lê Văn Vỵ, một số nội dung được cư dân mạng chia sẻ và “thắc mắc”, ngoài các nội dung bịa đặt thì phần lớn đều cắt xén, phiến diện để dẫn dắt sự suy diễn của người đọc. Theo ông Vỵ, “Các mẩu chuyện trong SGK đều có thông điệp giáo dục rất rõ ràng. Tuy nhiên, đối với học sinh lớp 1, các nội dung truyền tải không thể quá dài nên các nhà biên soạn tách ra để có sự nối tiếp, liên thông. Các bài học về nhân quả hay làm việc ác, việc xấu sẽ phải trả giá hoàn toàn có thể dạy cho học sinh lớp 1. Cùng với đó, nhiều từ ngữ được cho là từ địa phương nhưng thực chất lại là những từ phổ thông nằm trong từ điển Tiếng Việt. SGK là dùng cho học sinh cả nước nên việc các tác giả sử dụng một số từ ngữ dung hoà là điều hoàn toàn có thể chấp nhận được.”
Sau một tháng thực hiện Chương trình lớp 1 mới, các Phòng GD&ĐT tại tỉnh Hà Tĩnh đều đã chủ động tổ chức hội nghị chuyên đề cho giáo viên trực tiếp giảng dạy lớp 1 và Phó Hiệu trưởng trực tiếp phụ trách chuyên môn dự giờ, rút kinh nghiệm, giúp nhau tháo gỡ những mắc mớ trong chương trình.
Quyền được linh hoạt sử dụng ngữ liệu
Trao đổi quan điểm về những thông tin về sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 trên mạng gần đây, ông Lê Hữu Đồng - Hiệu trưởng trường Tiểu học Đức Yên (Đức Thọ, Hà Tĩnh) cho biết: “Tôi có đọc trên mạng một vài thông tin về sách giáo khoa. Nhà trường đã “làm công tác tư tưởng” với giáo viên để họ an tâm, tập trung, tâm huyết với học trò. Thực tế, tất cả quy trình lựa chọn sách, Hội đồng nhà trường chúng tôi đã tiến hành đầy đủ, thực sự dân chủ theo Thông tư 01 của Bộ GD&ĐT và các Văn bản hướng dẫn của UBND tỉnh, huyện cũng như Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT Đức Thọ. Chúng tôi yên tâm về chọn lựa sách của Hội đồng nhà trường. Bây giờ mỗi người một việc. Ban Giám hiệu, đặc biệt là Hiệu trưởng quan tâm cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, sách, vở, thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc “Dù khó khăn đến đâu cũng thi đua dạy tốt, học tốt”, nhất là đối với chương trình sách lớp 1 mới. Đồng thời, ngay từ bây giờ chúng tôi phải chuẩn bị mọi nguồn lực cho thay sách lớp 2 năm 2021 và các lớp tiếp theo sau đó”.
Cô giáo Trần Thị Nam (GV lớp 1C trường Tiểu học Đức Yên, Đức Thọ, Hà Tĩnh) cho rằng: “Những thông tin về ngữ liệu trong SGK tiếng Việt có thể “xôn xao” trên mạng thôi, chứ trong trường, học sinh và giáo viên không bàn luận gì cả. Các giáo viên đều chú tâm truyền tải kiến thức cho học sinh. Thực ra, SGK không phải chương trình bắt buộc. Bộ đã nói rõ điều này. Hiện nay có 5 bộ sách. Trường đã lựa chọn bộ sách Cánh Diều vì đó là bộ sách phù hợp với học sinh của trường mình nhất.”
“Giáo viên hoàn toàn có quyền sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa, tham khảo cái hay của bộ sách khác để phục vụ bài giảng. Những chỗ nào ngữ liệu chưa hay thì giáo viên linh hoạt thay đổi bằng ngữ liệu khác ở sách khác. Ngay cả hiện nay không còn dạy chương trình Tiếng Việt cũ, nhưng cái hay của SGK cũ vẫn được giáo viên sử dụng”, cô Trần Thị Nam cho hay.
“Vừa qua, trên báo Vietnamnet, GS. Trần Đình Sử - Chủ tịch Hội đồng thẩm định SGK Tiếng Việt khẳng định: Hình ảnh bài học “Chữ số 4” với ví dụ “Bốn cái làn” được lan truyền trên mạng xã hội là bịa đặt và “không đời nào hội đồng thẩm định lại để lọt những nội dung như thế”. Đây rõ ràng là một thông tin thiếu thiện chí, gây nhiễu loạn. Nếu quả thật như vậy, thì cơ quan chức năng nên vào cuộc, xác định nguồn tin từ đâu? Bịa đặt như vậy nhằm mục đích gì?”, nhà giáo Lê Văn Vỵ kiến nghị.