Để con biết tôn trọng cơ thể mình, bố mẹ nên có phương pháp giáo dục ngay từ khi con 3 tuổi. Trẻ phải hiểu rằng, người khác không được động chạm vào con, đặc biệt là các vùng riêng tư trên cơ thể.
Cha mẹ cũng cần dạy con các nguyên tắc đơn giản để giữ không gian cá nhân, như quy tắc 5 ngón tay.
Tự làm đau mình
Ở độ tuổi hiếu động, không ít trường hợp trẻ tự làm đau bản thân, thậm chí dẫn tới hậu quả nghiêm trọng. Đối với trẻ nhỏ, đôi khi các em vẫn thường có những hành vi như: Đập đầu vào đệm, sàn nhà, tường hoặc đồ chơi, bứt tóc cho đến khi thấy rõ một mảng lưa thưa trên đầu, cắn tay, chân, bàn tay hoặc môi đến khi da đỏ, chai hoặc chảy máu, đưa dị vật vào những lỗ trên cơ thể. Thậm chí, có trẻ tự tát vào mặt hoặc đầu mình.
Tối 9/9, Bệnh viện Nhi đồng TP Hồ Chí Minh cho biết đã kịp thời nội soi, gắp viên bi trong vùng kín của một bé gái 5 tuổi.
Ngay sau khi “nghịch dại” tự nhét viên bi vào âm đạo, bệnh nhi sống tại Hậu Giang này có biểu hiện đau nhức, khóc thét. Gia đình ngay lập tức đưa trẻ tới Bệnh viện Nhi Cần Thơ và chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng TP Hồ Chí Minh trong đêm.
Tại bệnh viện, sau khi chụp chiếu phim xác định vị trí, các bác sĩ đã nội soi gây mê, gắp dị vật trong âm đạo cho bé gái.
Mới đây, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP Hồ Chí Minh) đã tiếp nhận một bé gái 7 tuổi nhét pin vào âm đạo. Do không được phát hiện ngay, nên trẻ được đưa tới bệnh viện khi có biểu hiện đau nhiều ngày không khỏi.
Chia sẻ về những trường hợp trẻ tự nhét dị vật vào âm đạo, ThS. BS Hồ Trung Cường, thuộc Khoa Ngoại Thận - Tiết niệu, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết: “Chúng tôi thường xuyên tiếp nhận các trường hợp tai nạn sinh hoạt dị vật âm đạo ở bé gái, với biểu hiện tiết dịch âm đạo bất thường, viêm âm đạo kéo dài hoặc người nhà tận mắt chứng kiến các cháu nhét dị vật vào trong âm đạo…
Dị vật có thể là bông gòn (từ trong thú nhồi bông hoặc gối), viên bi, nam châm, viên pin… hoặc bất cứ đồ chơi nào có kích thước nhỏ có khả năng nhét vừa”.
Chính vì vậy, bác sĩ khuyến cáo, người nhà nên thận trọng khi cho trẻ chơi với những đồ nhỏ. Gia đình cũng cần để ý những hành động bất thường của trẻ. Đồng thời, nên cho trẻ đi khám sớm khi phát hiện con có dấu hiệu bất thường.
Tò mò về cơ thể
Bên cạnh những trường hợp trẻ tự làm đau mình, nhiều cha mẹ bày tỏ quan ngại khi bắt gặp con “vô tư” động chạm vào những vùng nhạy cảm trên cơ thể.
Chị Nguyễn Thị Hoài - giáo viên tại một trung tâm tiếng Anh trẻ em tại Đống Đa (Hà Nội) chia sẻ: “Dẫu biết mỗi trẻ một tính cách, nhưng tôi cũng từng khá hoảng hốt khi chứng kiến một học sinh trong lớp thường xuyên tự nghịch chỗ nhạy cảm. Mặc dù tôi đã nhắc nhở, thậm chí là phê bình, nhưng chỉ một lúc sau, cháu lại chứng nào tật nấy”.
Nữ giáo viên này tâm sự, chị đã trao đổi với phụ huynh học sinh về vấn đề này. Tuy nhiên, gia đình và cô giáo đều... “bất lực”.
“Tôi rất ái ngại khi chứng kiến điều này. Tôi cũng thực sự lo ngại, bởi trong lớp còn nhiều học sinh khác. Các bạn có thể sẽ cười đùa hoặc chịu ảnh hưởng xấu”, chị Hoài nói thêm.
Trong khi đó, một nữ phụ huynh tại Cầu Giấy (Hà Nội) từng tâm sự với Trung tâm Sáng kiến Sức khoẻ và Dân số rằng, dù con trai chị mới 5 tuổi, nhưng cháu không hề biết xấu hổ. Sau khi tắm, cháu có thể không mặc quần áo đi lại một cách tự nhiên, ngay cả khi có người lạ. Thậm chí, cháu rất thích được bố sờ vào chỗ nhạy cảm.
Trong khi đó, chồng chị cũng có thói quen nghịch khu vực nhạy cảm của con từ khi trẻ còn nhỏ. Khi nữ phụ huynh này nhắc nhở chồng, anh thường gạt đi và cho rằng, trẻ con thì không biết gì. Vì thế, người lớn không cần tỏ ra “nghiêm trọng”.
Biểu hiện của tình yêu thương
Chia sẻ về khái niệm “tôn trọng cơ thể”, PGS.TS Trần Thành Nam - chuyên gia tâm lý, Chủ nhiệm khoa Các khoa học Giáo dục, Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết: “Tôn trọng cơ thể là một trong những yếu tố quan trọng trong việc hình thành lòng tự trọng và tự tin của mỗi cá nhân.
Tôn trọng cơ thể cũng là một biểu hiện của tình yêu thương và ý thức trách nhiệm với bản thân. Bởi lẽ, kỹ năng và hành vi ứng xử của trẻ sẽ được hình thành theo hệ thống bắt đầu từ cách ứng xử “Tôi với Tôi”; “Tôi với Gia đình”; “Tôi với Cộng đồng” và “Tôi với thế giới”.
Vì vậy, chuyên gia nhấn mạnh, dạy trẻ cách tôn trọng cơ thể mình là bước đầu tiên trong việc rèn luyện cách ứng xử tôn trọng cơ thể người khác.
Bên cạnh đó, đây cũng là cách dạy con tôn trọng cộng đồng và cả môi trường, thế giới xung quanh. Theo PGS Nam, những đứa trẻ biết tôn trọng cơ thể sẽ không có các hành vi tự gây hại cho bản thân mình. Các em cũng sẽ không có những suy nghĩ tiêu cực như tự tử khi gặp khó khăn trong cuộc sống.
“Văn hóa phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng hay quan niệm việc động chạm cơ thể như “vỗ mông”, “bẹo má” là một biểu hiện của sự thân thiện, yêu quý. Tuy nhiên, đến nay, những hành vi này đã không còn phù hợp. Thậm chí, chúng dẫn đến nguy cơ xâm hại trẻ, cũng như vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em”, PGS Nam cho biết.
Trong khi đó, thực tế cho thấy, nhiều cha mẹ cũng không được dạy về những kiến thức này khi còn nhỏ. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến những phụ huynh này không chú ý và không biết cách dạy con về kỹ năng phòng ngừa.
Dạy con tôn trọng cơ thể
Mặc dù lo lắng khi con có hành động “nhạy cảm”, nhưng nhiều cha mẹ thừa nhận, họ không biết bắt đầu từ đâu để giải “bài toán khó” này. Chị Hoài chia sẻ, do thường gặp học sinh trên lớp, nên nữ giáo viên này chỉ có thể nhắc nhở con.
“Trong khi đó, bố mẹ bạn ấy cũng không ít lần mắng, thậm chí là đánh vào tay khi thấy con lặp lại hành động như vậy. Tuy nhiên, tôi lo rằng, đây không phải là biện pháp hiệu quả”, chị Hoài nói.
Theo PGS.TS Trần Thành Nam, về cơ bản, để giáo dục con biết tự tôn trọng cơ thể mình, bố mẹ nên dạy trẻ gọi tên chính xác các bộ phận đó, bao gồm cả những vùng riêng tư ngay từ khi con 3 tuổi.
Ngoài ra, trẻ cũng cần được dạy rằng, người khác không được động chạm vào con, đặc biệt là các vùng riêng tư trên cơ thể. Phụ huynh được khuyến cáo dạy con nhận diện những dấu hiệu cảnh báo và biết lên tiếng khi cảm thấy không ổn. Cha mẹ cũng cần dạy con các nguyên tắc đơn giản để giữ không gian cá nhân, như quy tắc 5 ngón tay.
“Cha mẹ hãy kiên quyết khẳng định với trẻ rằng, ta tin chúng. Khẳng định trẻ đã đúng khi nói ra. Khẳng định trẻ đã vô cùng dũng cảm. Khẳng định trẻ hoàn toàn không có lỗi gì. Khẳng định rằng, dẫu có bất kỳ chuyện gì xảy ra, trẻ vẫn đáng được yêu thương. Cam đoan rằng, trẻ sẽ an toàn và luôn có người tin tưởng ở bên. Khẳng định rằng bố mẹ sẽ làm mọi điều để ngăn chặn hành vi xâm hại”, chuyên gia nhấn mạnh.
Sau đó, phụ huynh được khuyên cần nhanh chóng liên lạc với bác sĩ và nhà tâm lý lâm sàng. PGS Nam đồng thời nhấn mạnh, cha mẹ cần bao dung với những hành vi giới tính bình thường của con.
Khi trẻ 3 tuổi, việc động chạm vào vùng kín nhằm khám phá cơ thể là hành vi bình thường của con. Lúc này, cha mẹ cần tận dụng cơ hội để dạy trẻ về tên các bộ phận cơ thể. Khi con lớn hơn, phụ huynh nên dạy và khuyến khích con tự lau rửa vùng kín, không làm đau, tổn thương bằng bất cứ hình thức nào.
Cũng theo PGS.TS Trần Thành Nam, cha mẹ không nên hoảng loạn khi bắt gặp trẻ có hành vi động chạm vào vùng kín, đặc biệt là lúc con đến tuổi dậy thì.
“Hãy nói với trẻ rằng, hành vi đó không được làm trước mặt người khác. Việc thường xuyên động chạm vào vùng kín như hành vi thủ dâm cũng không phải là cấm kỵ. Tuy nhiên, nếu lạm dụng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ”, chuyên gia cho hay.