Giáo dục sớm: “Hình như có vấn đề gì đó chưa ổn”

GD&TĐ - Cụm từ “giáo dục sớm” đến nay không còn xa lạ với các bậc phụ huynh. Tuy nhiên, hiểu rõ và áp dụng vấn đề này như thế nào cũng không phải là điều đơn giản. Giáo dục sớm là một xu thế và cũng là cần thiết để tận dụng “giai đoạn vàng” trong quá trình phát triển trí não của trẻ. Bởi vậy, bạn hãy là những cha mẹ thông minh khi áp dụng các phương pháp này.

Giáo dục sớm: “Hình như có vấn đề gì đó chưa ổn”

Mỗi trẻ đều có ham muốn, tiềm năng

Không nên hiểu giáo dục sớm chỉ là cách dạy trẻ biết đọc, hay biết viết cho bé ở độ tuổi sớm nhất. Mà cần phải hiểu một cách thấu đáo: Giáo dục sớm là tập trung dạy trẻ về giao tiếp, kĩ năng xã hội ngay từ khi còn rất nhỏ và cuối cùng ngôn ngữ sẽ tự động phát triển một cách tự nhiên.

Trong quá trình giáo dục bé sẽ được đặt vào một môi trường năng động có sự giúp đỡ, yêu thương của cha mẹ thông qua các hoạt động, các trò chơi lành mạnh. Điều này sẽ giúp các tế bào thần kinh phát triển, kích thích trẻ học hỏi và tư duy sáng tạo hơn.

Là một người được đào tạo về giáo dục tâm lý chuyên sâu, Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Bình (Trung tâm Clever Land, Hà Nội) chia sẻ: Sau nhiều năm học tập và nghiên cứu về “Giáo dục sớm”, chuyên gia đã nhận ra một điều: Hình như chương trình giáo dục sớm có vấn đề gì chưa được ổn, vì trong quá trình thực hiện không phải đối với trẻ nào cũng thành công.

Và chuyên gia có cảm giác nhiều người đang chạy theo trào lưu. Trên thực tế, các bố mẹ thi nhau mua các tài liệu về phương pháp dạy con.

Mặc dù vậy nhiều phụ huynh vẫn băn khoăn không thỏa mãn với quá trình áp dụng của mình. Cũng như có những đứa con chưa được giáo dục một cách hiệu quả. Tất nhiên, cũng có những bố mẹ đã áp dụng phương pháp giáo dục sớm với các con khá thành công.

“Khi người lớn nghĩ rằng mình có thể dạy được con trẻ, nhưng thực ra rất khó. Vì con trẻ ngày một thay đổi phát triển, có những thứ mà chúng ta chưa bao giờ nghĩ ra thì chúng đã nghĩ ra và thực hiện rồi. Chính vì thế đối với con trẻ, thay vì nghĩ rằng dạy dỗ thì người lớn cần quan sát, lắng nghe, nâng đỡ và khích lệ các con.

Vì trong mỗi đứa trẻ đều có ham muốn tiềm năng và sự khám phá rất lớn. Cho nên, nếu những người lớn trong chúng ta truyền cảm hứng được cho các con thì sẽ vô cùng tuyệt vời” - chuyên gia Nguyễn Thị Bình nhấn mạnh.

Hãy là bố mẹ thông minh

Thạc sỹ Nguyễn Thị Bình cũng đưa ra những lời khuyên: Khi chúng ta nghiên cứu về bất cứ lĩnh vực gì, người nghiên cứu cần chú ý đến cái gốc của nó. Với giáo dục sớm cũng vậy. Giáo dục sớm gồm nhiều phương pháp khác nhau như Glenn Doman, Shichida hay Montessori... phương án không tuổi, phương pháp của người Do Thái…

Nhưng có một thực tế là khi các bố mẹ đi học, các bố mẹ chỉ được giới thiệu một vài quyển sách cũng như những chia sẻ hay nhất về phương pháp đó. Nhưng liệu rằng chúng ta đã thực sự hiểu về nó chưa?

Khi tham gia một số lớp, nhưng cái gì chúng ta cũng muốn áp dụng, điều đó thực sự khó khi chúng ta không có phương pháp chuyên môn. Chúng ta không đọc không nghiên cứu kỹ, thì cách chúng ta làm chỉ giống như sự bắt chước.

Theo chuyên gia: Nếu thực hiện như thế sẽ không đạt hiệu quả về giáo dục. Vậy cái gốc của phương pháp giáo dục gọi là gì? Ví dụ khi các bố mẹ nghe tới phương pháp Glenn Doman, thì ở đó không chỉ có phương pháp tráo thẻ mà còn có cả thế giới xung quanh, sự quan sát và vận động.

Và nếu chúng ta tìm hiểu kỹ hơn một chút thì sẽ biết, trước đó giáo sư viết cho những đứa trẻ thiểu năng. Vì vậy, chúng ta chỉ sử dụng những gì là cốt lõi, tinh hoa trong đó.

Còn đối với phương pháp Montessori, mọi người chú ý nhiều đến học liệu, xong cái cốt lõi trong phương pháp này chính là tính nhân văn, tinh thần yêu thương, là sự hướng dẫn, bình tĩnh, sự chia sẻ, đồng cảm giữa người lớn cũng như giữa đứa trẻ với nhau.

Điều quan trọng nhất là chúng ta phải thực sự hiểu sâu, hiểu kỹ về nó. Với các tài liệu, các chương trình lớp học, chúng ta có thể đọc ít một chút, tham gia ít một chút nhưng quan trọng là phải đọc kỹ và hiểu sâu vấn đề mà mình đang tìm hiểu.

“Chúng ta nên đặt những câu hỏi hoài nghi: Liệu đó có phải là tốt nhất không? Liệu nó có thực sự phù hợp với con của mình không? Và nếu như mình dùng thì bản thân mình cảm thấy thế nào?

Đừng chỉ nghĩ rằng, khi chúng ta chuẩn bị học cụ, giáo liệu và ngồi trong nhà một tiếng là chúng ta có thể giáo dục sớm cho các con” - Thạc sĩ Nguyễn Thị Bình đưa ra lời khuyên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ