Nguyên nhân bất cập
Những bất cập trong đội ngũ giáo viên hiện nay xuất phát từ những nguyên nhân như sau:
Thứ nhất: Biến động quá lớn về quy mô trường/lớp do sắp xếp, cơ cấu lại các trường hoặc do tăng dân số cơ học tại các thành phố lớn, khu công nghiệp dẫn tới việc thừa/thiếu cục bộ giáo viên tại một số địa phương, khu vực.
Việc bố trí, điều động giáo viên chưa sát với thực tế của từng trường, từng địa phương, do đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý công tác ở nhiều cấp học thuộc nhiều cấp quản lý khác nhau. Hiện nay, nhiều địa phương chưa có sự chỉ đạo thống nhất của chính quyền cấp tỉnh/thành phố, việc phối hợp giữa các cơ quan liên ngành và ngành giáo dục trong việc sắp xếp, bố trí, điều chuyển giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu trong phạm vi tỉnh/thành phố cũng như giữa các quận/huyện/thị xã.
Mặt khác, do định mức học sinh/lớp, giáo viên/lớp hiện nay được quy định chung định mức cho cả nước, không phân biệt vùng, miền, đa số các địa phương đều không bố trí đủ định mức học sinh/lớp, có những địa phương định mức học sinh/lớp thấp hơn nhiều so với quy định của Bộ GD&ĐT, tuy nhiên biên chế lại tính theo lớp học và yêu cầu bố trí giáo viên tối đa/lớp.
Thứ hai: Việc kiện toàn tổ chức bộ máy gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm đồng loạt không tính đến đặc thù của ngành Giáo dục, dẫn đến đạt kết quả thấp.
Hiện nay tổng biên chế sự nghiệp của ngành Giáo dục chiếm 43% biên chế và chiếm 70% quỹ lương của khối sự nghiệp. Chủ trương tinh giảm biên chế của Chính phủ, theo quy định, giảm tối thiểu là 2% biên chế/năm và 10% biên chế/giai đoạn, đồng loạt đối với cả khối sự nghiệp của cả nước. Việc giảm biên chế giáo viên quá nhiều do tỷ lệ giáo viên cao so với với tổng biên chế của cả khối sự nghiệp.
Mặt khác, thời gian qua, số lượng giáo viên giảm chủ yếu là do nghỉ chế độ hưu, chuyển công tác, dẫn đến những khó khăn, lúng túng cho cơ sở giáo dục trong sắp xếp giáo viên khi chỉ được tuyển mới bằng 50% số giáo viên đã giảm, trong khi quy mô phát triển giáo dục liên tục tăng và không giảm. Nói cách khác, số lượng giáo viên giảm ít hơn nhiều so với nhu cầu đội ngũ ngày càng tăng của ngành Giáo dục.
Thứ ba: Về định mức giáo viên, chưa quan tâm tới cơ cấu giáo viên khi dạy học theo Chương trình GDPT 2018 và dạy học 2buổi/ngày ở tiểu học. Việc này dẫn đến không có sự thống nhất giữa quy định của Bộ GD&ĐT trong việc sửa đổi định mức học sinh/lớp, định mức giáo giáo viên/lớp cho phù hợp với điều kiện thực tế của từng vùng, miền. Hạn chế trong việc phân bổ biên chế sự nghiệp giáo dục có trách nhiệm lớn của Bộ Nội vụ.
Việc tăng biên chế khi thực hiện chương trình mới và việc học 2 buổi/ngày không được quy định trong Luật Giáo dục, Nghị quyết 88/2014/QH13 mà chỉ quy định tại Thông tư 32/2018/TT-BGD&ĐT ngày 26/12/2018 của Bộ GD&ĐT ban hành Chương trình GDPT 2018.
Thực tiễn giám sát trong những năm qua của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục (Quốc hội) cho thấy, “các cơ sở giáo dục không thể đáp ứng được điều kiện dạy 2 buổi/ngày rất lớn, ở một số đô thị, đặc biệt ở những vùng điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Cần đánh giá tác động cụ thể về vấn đề này”.
Bộ Nội vụ cũng chưa giúp ngành Giáo dục tháo gỡ các khó khăn đang gặp phải. Tình trạng thừa, thiếu phổ biến giáo viên ở một số địa phương vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, gây khó khăn cho việc triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch dạy học và bảo đảm chất lượng giáo dục tại các địa phương
Thứ tư: Trong những năm gần đây, các trường, khoa sư phạm gặp không ít khó khăn trong tuyển sinh, số giáo viên ra trường nhận công tác tại các cơ sở giáo dục ít.
Kết quả tuyển sinh đầu vào thường không đủ chỉ tiêu, điểm chuẩn của một số trường, khoa khá thấp, kinh phí đào tạo hạn hẹp đã phần nào ảnh hưởng đến cơ cấu và chất lượng đào tạo. Sinh viên tốt nghiệp sư phạm ra trường ngày càng dôi dư nhiều, khó tìm kiếm việc làm. Đây là một trong những nguyên nhân học sinh phổ thông ít động lực vào học trường sư phạm, sức hút nghề nhà giáo giảm.
Tình trạng một bộ phận sinh viên sư phạm ra trường không công tác trong ngành Giáo dục (do không tìm được việc làm hoặc lựa chọn làm việc khác) đã gây lãng phí cả nhân lực, thời gian và chi phí đào tạo mà Nhà nước đã hỗ trợ.
Phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu đào tạo giáo viên theo nhu cầu xã hội được quy định tại Nghị định 116/2020/NĐ-CP về đào tạo giáo viên theo nhu cầu địa phương bất cập: Đào tạo xong không quay trở lại nơi đã đặt hàng cho đi đào tạo.
Việc tuyển dụng nhà giáo theo hướng dẫn của liên Bộ với một quy trình và phương thức chung như các viên chức khác cũng bộc lộ những hạn chế và chưa phù hợp. Việc tuyển dụng vẫn chú trọng kiến thức về quản lý nhà nước nói chung, phần thi kỹ năng nghề nghiệp chưa được coi trọng đúng mức.
Ông Đặng Tự Ân, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam. |
Cần làm gì?
Để xây dựng, thực hiện tốt hơn các chính sách và giải pháp từ đó phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý đủ số lượng và đúng cơ cấu, chúng tôi kiến nghị những vấn đề cụ thể sau đây:
Để giáo dục là quốc sách hàng đầu thì Chính phủ và các Bộ, ngành cần có quan điểm và cách làm ủng hộ Bộ GD&ĐT bằng cách “nghe theo” tiếng nói của người có trách nhiệm làm sự nghiệp trồng người cho thế hệ hiện tại và mai sau. Không để tái diễn thiếu giáo viên, cán bộ quản lý như cảnh “ăn đong” hay “vừa chạy vừa xếp hàng.
Thực hiện tinh giản biên chế theo chủ trương của Đảng và Nhà nước nhưng phải xem xét tính đặc thù của ngành giáo dục mà không nên đồng loạt.
Xây dựng cơ chế, chính sách, để thực hiện xã hội cho giáo dục; khuyến khích các tổ chức, cá nhân phát triển cơ sở giáo dục ngoài công lập, từ đó mới giải quyết được bài toán về quy mô và bất cập trong giáo dục cũng như đội ngũ giáo viên.
Cần có sự thống nhất trong quan điểm giữa Bộ Nội vụ và Bộ GD&ĐT về cách tính định biên giáo viên và vấn đề thừa, thiếu giáo viên (thiếu so với biên chế được giao; thiếu so với định mức của Bộ GD&ĐT về học sinh/lớp; giáo viên/lớp).
Đề nghị Bộ GD&ĐT nên chủ động và kiên quyết bảo vệ quan điểm về: Xác định cách tính phù hợp với địa bàn, vùng miền khác nhau; sắp xếp sắp xếp hợp lý tại các địa phương tăng dân số cơ học, di dân để tránh thừa thiếu cục bộ giáo viên tại một số địa phương, khu vực.
Đề nghị Bộ Nội vụ lắng nghe quan điểm và giải pháp của Bộ GD&ĐT, không nên quy định theo cách đồng loạt chung trong cả khối sự nghiệp.
Cùng với đó, thực hiện nghiêm túc, công khai và dân chủ công tác điều động, luân chuyển giáo viên phổ thông; chế độ, chính sách cho đội ngũ giáo viên ngoài biên chế.
Chính phủ sớm có Nghị định về nghiên cứu xác định công tác phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý và được coi là giải pháp đột phá, từ đó có cơ chế, chính sách ưu tiên, thiết thực để phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, trước mắt triển khai có chất lượng Chương trình GDPT 2018.
Tập trung đầu tư xây dựng và đổi mới hệ thống đào tạo giáo viên. Sắp xếp lại hệ thống các trường sư phạm và cơ sở đào tạo giáo viên theo hướng khắc phục tình trạng phân tán, tập trung vào một số cơ sở đào tạo mạnh, chú trọng đầu tư xây dựng một số trường sư phạm trọng điểm, làm đầu tàu cho hệ thống các trường sư phạm.
Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đội ngũ nhà giáo làm cơ sở hoạch định chính sách, xây dựng mục tiêu, chiến lược, phát triển đội ngũ, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng,... giải quyết tình trạng thừa thiếu phổ biến giáo viên, cán bộ quản lý để bảo đảm đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu và có chất lượng.