Tình huống xung đột trực tiếp
Tuyên bố được ông Lloyd Austin đưa ra hôm 29/2 trong phiên điều trần của Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ: "Thành thật mà nói, nếu Ukraine thua cuộc, tôi thực sự tin rằng NATO sẽ chiến đấu với Nga".
Phản ứng ngay sau tuyên bố của Bộ trưởng Mỹ, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói rõ:
"Đây là mối đe dọa trực tiếp với Nga hay là nỗ lực bào chữa cho Tổng thống Zelensky? Cả hai đều điên rồ. Giờ đây mọi người đã biết bên gây hấn là ai, đó là Washington".
Các nước phương Tây đã cung cấp viện trợ trị giá hàng trăm tỷ đô la cho Ukraine kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt vào tháng 2 năm 2022.
Các chuyến hàng viện trợ bắt đầu vào năm 2022 với đạn pháo và huấn luyện và đã leo thang bao gồm xe tăng, hệ thống phòng không tiên tiến, tên lửa và bom chùm.
Điện Kremlin đã liên tục cảnh báo việc phương Tây tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine, nói rằng điều này chỉ kéo dài cuộc xung đột và nói thêm rằng thiết bị quân sự của phương Tây cuối cùng sẽ bị phá hủy.
Moscow cũng cảnh báo rằng các nước NATO "đang đùa với lửa" bằng cách cung cấp vũ khí cho Kiev. Moscow đã nhiều lần cảnh báo NATO về việc mở rộng về phía đông, điều mà Điện Kremlin cho rằng có thể gây thêm căng thẳng ở châu Âu.
Nga nhấn mạnh rằng nước này không có ý định gây hấn với bất kỳ quốc gia nào, trong khi NATO đặt mục tiêu mở rộng sang không gian hậu Xô Viết gây bất ổn gần biên giới.
NATO cũng tiến hành các cuộc tập trận thường xuyên gần biên giới Nga với lý do nhận thấy 'mối đe dọa từ Nga'.
Cái kết
Ngay trước khi ông Austin nói đến tình huống NATO xung đột trực tiếp tại Ukraine, Anh đã kêu gọi các đồng minh NATO xem xét việc gửi lực lượng viễn chinh của liên minh tới Ukraine.
Theo Forbes, cùng với việc kêu gọi gửi lực lượng tham chiến, giới lãnh đạo Anh cũng kêu gọi NATO xem xét việc áp đặt vùng cấm bay trên lãnh thổ do chính quyền Ukraine kiểm soát và tăng cường viện trợ quân sự.
"Kế hoạch được báo cáo của Vương quốc Anh về việc triển khai quân đoàn viễn chinh của NATO tới Ukraine là "một sự ảo tưởng viển vông của người Anh và không có cơ sở thực tế", sĩ quan tình báo CIA và là cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, Larry Johnson nói.
Johnson phần nào có cùng quan điểm với Matthew Gordon-Banks, một nhà tư vấn quan hệ quốc tế, cựu thành viên Quốc hội và là nhà nghiên cứu cấp cao đã nghỉ hưu tại Học viện Quốc phòng Vương quốc Anh, người nói rằng ông không nghĩ những thông tin về lực lượng NATO ở Ukraine nên được xem xét nghiêm túc.
Gordon-Banks nói: "Những lời đề nghị mà tôi đã nghe hiện nay khá phi thực tế".
Khi được yêu cầu bình luận về "các diễn biến không thuận lợi" đối với lực lượng Kiev trên chiến trường, ông nhấn mạnh rằng "mọi thứ ở Kiev đang sụp đổ khá nhanh".
Gordon-Banks lập luận: "Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã rất khó khăn khi sa thải vị tướng hàng đầu của mình là Valery Zaluzhny và tôi nghĩ ông ấy giờ đây thực sự là một tổng thống thiếu quyền lực và tầm ảnh hưởng".
Earl Rasmussen, một trung tá quân đội Mỹ đã nghỉ hưu, chuyển sang làm cố vấn quân sự và địa chính trị, cũng có bình luận tương tự. Ông cảnh báo rằng nếu thông tin về các kế hoạch của London là sự thật và "nếu đây là giấc mơ của ai đó thì nó có thể nhanh chóng trở thành cơn ác mộng đối với người Anh và lực lượng NATO.
"Đó không phải là một giải pháp hay đề xuất thực tế. Nga chiếm ưu thế hoàn toàn trên không, hậu cần, làm chủ nguồn cung cấp đạn dược.
Đây sẽ là thảm họa đối với bất kỳ lực lượng nào của Anh và chắc chắn sẽ là biểu tượng cho thấy sự tham gia trực tiếp của NATO, điều này thực sự có thể nguy hiểm về mức độ leo thang", Rasmussen nhấn mạnh và lưu ý rằng "các lực lượng Anh có thể sẽ bị xóa sổ, khá nhanh chóng".
Cựu quân nhân Mỹ cho rằng ai đó trong quân đội Anh có thể đang gặp "một số loại trải nghiệm ảo tưởng" khi đề xuất một kịch bản như vậy.
Rasmussen kết luận: "Đó là một nhiệm vụ tự sát đối với những đội quân đó. Và nó chắc chắn sẽ kéo NATO vào tình thế nguy hiểm hơn nhiều và đối đầu trực tiếp với Nga".