Nỗ lực duy trì sĩ số sau Tết ở Đồng bằng sông Cửu Long

GD&TĐ - Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, trường học vùng Đồng bằng sông Cửu Long triển khai nhiều giải pháp duy trì sĩ số.

Đảm bảo sĩ số lớp sau Tết tại Trường Tiểu học Tân Sơn (huyện Trà Cú, Trà Vinh). Ảnh: Q. Ngữ
Đảm bảo sĩ số lớp sau Tết tại Trường Tiểu học Tân Sơn (huyện Trà Cú, Trà Vinh). Ảnh: Q. Ngữ

Công tác chăm lo, hỗ trợ để học sinh yên tâm học tập được các trường đặc biệt quan tâm.

Không để bỏ học giữa chừng

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, một số địa phương tỉnh Bạc Liêu ghi nhận học sinh chưa trở lại lớp đầy đủ. Theo lãnh đạo các trường, tình trạng này do nhiều nguyên nhân, phần lớn trường hợp bỏ học rơi vào hoàn cảnh gia đình khó khăn phải theo cha mẹ rời quê đi kiếm sống, hoặc những em học lực yếu nên chán học, không muốn đến lớp sau kỳ nghỉ dài… Trước thực trạng này, ngành Giáo dục và các địa phương chỉ đạo trường học tăng cường công tác nắm tình hình, giáo viên đến tận nhà vận động trò trở lại lớp.

Thống kê của Sở GD&ĐT Bạc Liêu, sau kỳ nghỉ Tết, tình trạng học sinh chưa đến lớp diễn ra ở một số trường, địa phương. Trong đó, các trường ven biển, vùng sâu, xa, đặc biệt khó khăn của tỉnh có số lượng học sinh chưa trở lại trường nhiều hơn trường ở trung tâm thành phố, huyện, thị xã, thị trấn.

Theo ông Dương Hồng Tân - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bạc Liêu, những ngày đầu trở lại lớp sau Tết, một số học sinh vắng do bệnh và lý do khác, nhất là cấp tiểu học ghi nhận nhiều trường hợp học sinh bị bệnh, về quê chưa kịp trở lại học tập…

Trao đổi về giải pháp “giữ chân” học sinh, ông Tân cho biết: Trước khi nghỉ Tết, sở GD&ĐT đã chỉ đạo các trường tăng cường công tác tuyên truyền, tổ chức giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn như tặng quà Tết, dụng cụ học tập. Giáo viên tranh thủ đến nhà học sinh tuyên truyền để phụ huynh hiểu được tầm quan trọng việc học mà không ép buộc con em bỏ học, rời quê đi làm…

Nhờ làm tốt công tác nắm tình hình, hỗ trợ học sinh, huyện Vĩnh Lợi (Bạc Liêu) duy trì ổn định sĩ số học sinh sau Tết. Theo lãnh đạo phòng GD&ĐT, các trường đã chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm trực tiếp liên hệ với gia đình để nắm tình hình học sinh. Thông qua nhóm Zalo, điện thoại, Facebook…, giáo viên chủ nhiệm biết hoàn cảnh từng em. Những trường hợp không liên lạc được, giáo viên trực tiếp đến nhà tìm hiểu, vận động… Nhờ đó, trong buổi học đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết, các trường chỉ vắng vài học sinh; đến nay các em đã trở lại học đầy đủ.

Nhờ chủ động, tích cực trong hoạt động chỉ đạo của phòng GD&ĐT, cán bộ, giáo viên các trường học, sự nhiệt tình, trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo nên tình trạng bỏ học sau Tết giảm thiểu mức thấp nhất. Hoàn cảnh khó khăn, phải đi làm công nhân ở Bình Dương nên chị Dương Thị Nhị (thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi, Bạc Liêu) có ý định dẫn con gái đang học lớp 5 rời quê.

Hay tin học sinh có nguy cơ bỏ học, Trường Tiểu học Hoa Lư (thị trấn Châu Hưng) kịp thời động viên, hỗ trợ em tiếp tục đến trường. “Thầy cô đến nhà vận động, giải thích nên gia đình hiểu và đồng ý để con ở lại đi học. Ở nhà có ông bà chăm sóc, nhà trường, thầy cô hỗ trợ nên vợ chồng tôi yên tâm đi làm”, chị Nhị cho biết.

Sau Tết, học sinh Trường THPT Cà Mau (Cà Mau) đi học đầy đủ. Ảnh: Q. Mến

Sau Tết, học sinh Trường THPT Cà Mau (Cà Mau) đi học đầy đủ. Ảnh: Q. Mến

Kịp thời “giữ chân” trò

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, Trường Tiểu học Minh Trí (TP Trà Vinh, Trà Vinh) đảm bảo được sĩ số các lớp. Đây là niềm vui của tập thể nhà trường sau những nỗ lực hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời học sinh hoàn cảnh khó khăn.

Theo cô Hiệu trưởng Đặng Thị Thu Ba, thông qua các hoạt động hỗ trợ trước kỳ nghỉ Tết, nhìn thấy học sinh khó khăn được nhận quà từ các bạn với thái độ tích cực, vui vẻ, thầy cô và phụ huynh rất hài lòng. Những hoạt động này giúp nhiều trò hoàn cảnh khó khăn được tiếp bước đến trường, không bỏ học giữa chừng; qua đó giáo dục các em tinh thần yêu thương, chia sẻ hoàn cảnh khó khăn, hình thành nhân cách tốt.

Để “giữ chân” học sinh, trước khi nghỉ Tết, Trường Tiểu học Minh Trí tổ chức chương trình “Xuân ấm áp - Tết yêu thương” với các tiết mục văn nghệ vui tươi. Đồng thời, nhà trường huy động gần 27 triệu đồng từ phụ huynh và học sinh để trao tặng 46 áo xuân, 85 phần quà, 1 góc học tập cho học sinh. Theo cô Thu Ba, trường luôn quan tâm công tác chăm lo học sinh khó khăn. Những món quà từ tấm lòng thơm thảo đã mang lại cho học sinh niềm hạnh phúc, góp phần động viên, khích lệ các em tiếp tục nỗ lực, rèn luyện và học tập tốt hơn…

Chia sẻ việc vận động học sinh trở lại lớp sau Tết, cô Trịnh Thị Hoài - giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Tạo (TP Cà Mau, Cà Mau) cho biết: Ngành đã phổ biến tới tất cả giáo viên, đặc biệt lưu ý tình hình học sinh trở lại lớp sau kỳ nghỉ dài để có biện pháp kịp thời hỗ trợ, vận động những em chưa trở lại lớp. Nhà trường, giáo viên, phụ huynh giữ mối liên hệ, nhắc nhở lịch trở lại trường nên các em đi học đầy đủ, đảm bảo sĩ số…

Điều đặc biệt ở Trường Tiểu học Nguyễn Tạo trong ngày đầu trở lại trường sau Tết, mỗi em mang theo một túi đựng vỏ lon bia, nước ngọt, chai nhựa, vỏ hộp… để đóng góp vào quỹ kế hoạch nhỏ của trường, nhằm hỗ trợ học sinh nghèo, hoàn cảnh khó khăn. Đây là phong trào ý nghĩa được nhà trường phát động hằng năm, phụ huynh, giáo viên, học sinh hưởng ứng tích cực.

Tại Hậu Giang, ngành Giáo dục thống kê số lượng học sinh hoàn cảnh khó khăn, có nguy cơ bỏ học để tiếp cận vận động, hỗ trợ kịp thời. Theo đại diện sở GD&ĐT, toàn tỉnh có 4.379 học sinh thuộc hộ nghèo, 2.651 em hộ cận nghèo và 1.086 trò hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Trước, trong và sau Tết, các trường học chủ động kêu gọi nhà hảo tâm, công ty, doanh nghiệp hỗ trợ học sinh.

Bên cạnh đó, các trường còn tổ chức nuôi heo đất, hũ gạo khăn quàng đỏ, chương trình văn nghệ gây quỹ… Đây là nguồn động viên tinh thần quan trọng để các em vượt qua khó khăn, vươn lên trong học tập và tiếp tục trở lại lớp sau Tết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Danh mục hộp quà tặng tết cao cấp nhập khẩu