Tuyên bố nóng của Houthi sau khi xuyên thủng lá chắn tàu Mỹ

GD&TĐ - Theo lãnh đạo Quốc phòng Houthi Mohamed al-Atifi, kỷ nguyên thống trị của Mỹ và phương Tây trên biển đã chấm dứt.

Biên đội tàu chiến Mỹ tại vịnh Ba Tư.
Biên đội tàu chiến Mỹ tại vịnh Ba Tư.

Quyền bá chủ đến hồi kết

Theo Jpost, tuyên bố được ông al-Atifi đưa ra trong bài phát biểu tại lễ tốt nghiệp của các học viên quân sự ở Hudaydah, Yemen khi nói đến những cuộc tấn công "bất lực" của liên minh do Mỹ dẫn đầu vào Houthi và việc lực lượng này dùng tên lửa diệt hạm đánh trúng tàu Mỹ.

"Mỹ, Anh và Israel phải nhận ra rằng các chính sách phân định ranh giới và khẳng định ảnh hưởng bá quyền trên các vùng biển đã trở thành một cách tiếp cận lỗi thời, không được hoan nghênh và họ sẽ hứng chịu hậu quả.

Bằng chứng là việc lực lượng tên lửa diệt hạm của hải quân chúng tôi đã lần đầu xuyên qua được mọi hệ thống phòng thủ của Hải quân Mỹ khi đánh trúng tàu Torm Thor của họ ở Vịnh Aden", ông al-Atifi nói.

Theo ông al-Atifi, những cuộc tấn công hiệu quả của Houthi đã "xác định lại" khái niệm an ninh hàng hải khu vực.

Ông này nhấn mạnh rằng lực lượng Houthi sẽ tiếp tục các hoạt động quân sự của họ ở Biển Đỏ chừng nào các cuộc tấn công của Israel ở Gaza vẫn chưa kết thúc, và "chừng nào máu vẫn tiếp tục chảy trong huyết quản của chúng tôi".

"Chúng tôi là người giám sát tuyến đường hàng hải ở Biển Đỏ, Vịnh Aden, Biển Ả Rập và Eo biển Bab al-Mandab.

Chúng tôi tái khẳng định rằng Lực lượng vũ trang tại Yemen của chúng tôi sẽ không nhắm mục tiêu vào bất kỳ tàu nào không liên kết với Israel, Mỹ, Anh cũng như không phục vụ lợi ích của họ.

Giao thông hàng hải cho các tàu qua Biển Đỏ và Biển Ả Rập được đảm bảo an toàn", lãnh đạo Quốc phòng của Houthi khẳng định.

Ông nói thêm: "Sanaa cam kết thực hiện tất cả các hiệp ước và công ước quốc tế miễn là các thế lực bên ngoài không xâm phạm phẩm giá và chủ quyền của Yemen hoặc khiến nước này phải chịu quyền bá chủ và sự ủy thác của nước ngoài.

Yemen là thiên đường của hòa bình, hợp tác, xây dựng, cống hiến và nhân đạo, đặc biệt khi những ý định chân thành. Nhưng khi những thách thức ngày càng gia tăng và những kẻ thù âm mưu áp đặt ý muốn của cái ác và sự chuyên chế, một Yemen khác xuất hiện.

Khi đó những người đàn ông trung thành của chúng tôi sẽ biến mình thành những ngọn núi kiên cường chống lại kẻ thù, mạnh mẽ và kiêu hãnh trong vị trí của mình, nỗ lực khôi phục lại sự cân bằng và xóa bỏ các biểu tượng của cái ác, áp bức, chuyên chế và kiêu ngạo".

Chiến dịch tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái của Houthi trên Biển Đỏ đã trở thành cơn ác mộng về kinh tế và an ninh đối với Tel Aviv, Washington và Brussels, khiến Mỹ và Liên minh Châu Âu thiết lập hai nhiệm vụ riêng biệt tại vùng biển chiến lược này nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công của Houthi và làm suy giảm khả năng quân sự của lực lượng này.

Chiến dịch của Houthi đã tác động mạnh mẽ đến chi phí vận chuyển toàn cầu, khiến giá bảo hiểm tăng vọt, dẫn đến thời gian vận chuyển kéo dài hơn, góp phần làm tăng chi phí năng lượng, làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và gây ra một cuộc khủng hoảng tại nhiều quốc gia.

Tướng al-Atifi cảnh báo vào tháng 12 rằng Biển Đỏ sẽ trở thành "nghĩa địa" của liên minh do Mỹ dẫn đầu "nếu liên minh quyết định thực hiện bất kỳ hành động quân sự nào chống lại lực lượng Houthi".

"Chúng tôi nói với họ từ Biển Đỏ rằng chúng tôi là những người sẽ đặt dấu chấm hết đau đớn cho quyền bá chủ của Mỹ và phương Tây", lãnh đạo Quốc phòng của Houthi tuyên bố.

Người trong cuộc nói gì?

Đánh giá về sự nguy hiểm của tên lửa diệt hạm của Houthi, Đô đốc Brad Cooper, phó chỉ huy Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ (CENTCOM), cho biết trong cuộc phỏng vấn với chương trình '60 Minutes' của đài CBS:

"Giao tranh với Houthi ở Biển Đỏ là trận chiến quy mô nhất và nguy hiểm nhất mà lực lượng Hải quân Mỹ phải đối mặt trong suốt nhiều năm qua".

Cũng theo đô đốc Mỹ, tàu chiến nước này đã bắn khoảng 100 tên lửa phòng không để đánh chặn tên lửa và thiết bị bay không người lái (UAV) của Houthi. Phần lớn các quả đạn Houthi phóng ra nhắm mục tiêu vào tàu hàng ở Biển Đỏ, chỉ một số ít hướng trực tiếp vào tàu chiến Mỹ.

Vị quan chức này xác nhận nhóm vũ trang đã sử dụng tên lửa đạn đạo diệt hạm trong các vụ tấn công, thêm rằng đây là lần đầu tiên loại khí tài này được khai hỏa trong tình huống tác chiến thực tế.

"Trước đó chưa lực lượng nào từng sử dụng tên lửa đạn đạo diệt hạm để nhắm vào mục tiêu thật sự, nhất là để tấn công tàu hàng, chứ chưa nói tới việc công kích chiến hạm Mỹ.

Tên lửa đạn đạo diệt hạm của Houthi có tốc độ cận siêu thanh (Mach 5), nên thủy thủ Mỹ có rất ít thời gian để phản ứng" ông này cho hay.

Mặc dù vậy, vị đô đốc này không nói đến thông tin tàu tàu Torm Thor trúng tên lửa diệt hạm của Houthi như tuyên bố của lực lượng dân quân tại Yemen.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.