Mặc dù vậy, thông tin này rất khó để xác minh, ngay cả khi xem xét các cuộc tấn công tiềm tàng của Nga bằng tên lửa hành trình Kh-59MK2 , được thiết kế riêng cho Su-57.
Tính độc quyền của tên lửa Kh-59MK2 đối với Su-57 bắt nguồn từ cuộc thử nghiệm năm 2019 tại Syria. Tuy nhiên một số nguồn tin cho rằng Su-30 và Su-34 cũng có thể triển khai loại đạn hàng không này.
Chuyên gia quân sự nổi tiếng người Mỹ Peter Suciu khẳng định rằng ngay cả khi tuyên bố của Nga về các cuộc giao tranh ngoài tầm nhìn là đúng, thì điều đó cũng không phản ánh tốt về chiếc tiêm kích.
Mặc dù được ca ngợi vì khả năng tàng hình tiên tiến, ông Suciu lưu ý rằng phương Tây nhận xét tiết diện phản xạ radar và thiết kế tổng thể của Su-57 không đạt tiêu chuẩn thế hệ thứ năm thực sự, khiến nó kém tàng hình hơn F-35. Hơn nữa khó khăn của Nga trong việc sản xuất hàng loạt Felon làm giảm thêm tác động của nó.
“Việc triển khai Su-57 có giới hạn ở Ukraine cho thấy ngay cả Nga cũng không hoàn toàn tin tưởng vào khả năng tàng hình của máy bay chiến đấu này. Có vẻ như các quan chức Moskva nghi ngờ hiệu quả lẩn tránh radar của nó”, ông Suciu nhấn mạnh.
Sự hoài nghi này không chỉ giới hạn ở các chuyên gia phương Tây. Nhà phân tích quân sự Nga Vladimir Tuchkov lập luận rằng Su-57 không đáp ứng được các tiêu chuẩn của một máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm, đặc biệt là về khả năng tàng hình.
Ông Tuchkov nhấn mạnh rằng các vòi phun động cơ của máy bay không được giấu trong thân, điều này làm tăng khả năng hiển thị radar của máy bay. Ngoài ra Su-57 sử dụng ít vật liệu composite hơn so với các tiêm kích thế hệ năm khác, làm giảm thêm khả năng trốn tránh radar của nó.
Nhà phân tích quốc phòng Nga Alexey Ramm cũng nhấn mạnh rằng Su-57 thiếu công nghệ tàng hình tiên tiến khi đặt cạnh các đối thủ phương Tây, chẳng hạn như F-22 Raptor. Ông Ramm lưu ý rằng Su-57 có tiết diện phản xạ radar lớn hơn F-22, khiến radar đối phương dễ phát hiện hơn.
Hơn nữa ông Mikhail Khodaryonok - một Đại tá Nga đã nghỉ hưu và là nhà bình luận quân sự, đã đề cập đến việc quá trình phát triển Su-57 phải đối mặt với nhiều sự chậm trễ và vấn đề kỹ thuật, đặc biệt là với động cơ.
Su-57 thường được Nga quảng cáo là máy bay chiến đấu tàng hình, nhưng nó đã phải đối mặt với sự giám sát của cả các chuyên gia trong và ngoài nước. Một số người lưu ý rằng thiết kế của nó dường như phản ánh các tính năng điển hình hơn của tiêm kích thế hệ thứ tư thay vì thế hệ thứ năm thực sự.
Nhà phân tích Nga Oleg Katkov, đã chỉ ra những sai sót của Su-57, đặc biệt là trong sản xuất và khả năng sẵn sàng hoạt động.
Vị chuyên gia đề cập đến việc Nga đã gặp khó khăn trong việc sản xuất hàng loạt Su-57, với chỉ một số ít đang hoạt động, một số trong số đó vẫn là nguyên mẫu. Sự thiếu hụt về số lượng gây nghi ngờ về vị thế của nó như một tiêm kích thế hệ thứ năm có đầy đủ chức năng.
Những vấn đề kết hợp này - khả năng tàng hình đáng ngờ, rào cản sản xuất và các khía cạnh thiết kế gợi nhớ đến tiêm kích thế hệ thứ tư - tiếp tục gây ra cuộc tranh luận về phân loại Su-57. Chiến lược triển khai thường tránh tham gia trực tiếp vào các khu vực xung đột làm tăng thêm sự hoài nghi xung quanh khả năng thực sự của nó.
Chuyên gia Suciu chỉ ra rằng ngoài những thách thức này, một vấn đề quan trọng khác là số lượng lớn. Nga không thể đạt được khả năng sản xuất hàng loạt và đang chế tạo ít hơn một chục chiếc. Ngay cả khi chúng đáp ứng được mọi kỳ vọng, vẫn sẽ không đủ để đánh dấu sự thay đổi đáng kể mà Moskva hứa hẹn.