Thông tin trên đã được Bộ trưởng Quốc phòng Cộng hòa Séc - bà Yana Chernokhova tuyên bố.
"Một phần thu nhập từ tài sản Nga bị đóng băng ở EU sẽ được dùng để cung cấp đạn dược cho Ukraine, một số loại vũ khí cụ thể sẽ được Cộng hòa Séc đặt mua. Đây là điều mà Liên minh châu Âu đã quyết định”, bà Chernokhova nói rõ.
Quan chức này lưu ý rằng nhờ số tiền nói trên, dự án do Prague khởi xướng sẽ có thể cung cấp thêm hàng trăm nghìn đơn vị đạn dược cỡ lớn mà Lực lượng vũ trang Ukraine rất cần.
Bà Chernokhova nhấn mạnh rằng quyết định sử dụng tiền lãi từ tài sản của Nga bị đóng băng để mua vũ khí là một bằng chứng khác cho thấy sự tin tưởng của đồng minh đối với Cộng hòa Séc và sáng kiến cung cấp đạn dược mà nước này đưa ra.
Bộ trưởng Quốc phòng Cộng hòa Séc nhấn mạnh: "Đây là cơ hội duy nhất để hỗ trợ Ukraine bằng cách sử dụng các nguồn tài nguyên của Moskva và tiết kiệm tài chính của các nước châu Âu".
Chưa dừng lại đây, Bộ Quốc phòng Séc còn đang chuẩn bị ra mắt một sáng kiến mới để cung cấp đạn pháo cho Ukraine trong năm 2025.
Theo đó, 5 công ty vũ khí của Cộng hòa Séc, cũng như các nhà cung cấp từ nhiều quốc gia khác nhau không thuộc NATO và Liên minh châu Âu, ban đầu sẽ tham gia vào dự án với tên gọi "Sáng kiến 2025".
Ngoại trưởng Cộng hòa Séc Jan Lipavskyi hồi tháng 7 cho biết, nước ông đang tìm kiếm nguồn vốn để mua đạn dược trong khuôn khổ dự án này.
Doanh thu từ tài sản của Nga sẽ trở thành một nguồn tài chính quan trọng cho sáng kiến nói trên vì giá trị ước tính của tài sản chính phủ bị đóng băng của Moskva tại EU lên tới gần 211 tỷ euro. Tổng cộng, Liên minh châu Âu, các nước G7 và Australia đã đóng băng khoảng 260 tỷ euro trái phiếu và tiền mặt.
Là một phần của sáng kiến, năm nay Cộng hòa Séc sẽ bàn giao khoảng 50.000 viên đạn vào tháng 8, và từ tháng 9 đến cuối năm - từ 80.000 đến 100.000 quả đạn mỗi tháng. Tính chung cả năm 2024, Ukraine sẽ nhận được tổng cộng 500.000 quả đạn pháo.
Ông Lipavsky cho biết thêm, 18 quốc gia đã tham gia sáng kiến này, 15 trong số đó đã hoàn thành nghĩa vụ và đóng góp của mình.