Chuyên gia bày cách giúp sinh viên ổn định tâm lý khi là F0

GD&TĐ - Nhiều trường đại học lên kế hoạch cho sinh viên trở lại trường từ đầu tháng 4. Khi đi học trực tiếp, nhiều sinh viên đối diện với nỗi lo mắc Covid-19 và phải tự điều trị tại nhà.

Sinh viên được xét nghiệm nhanh khi trở lại trường.
Sinh viên được xét nghiệm nhanh khi trở lại trường.

Thạc sĩ Tô Thị Hoan, chuyên gia Tâm lý học đường và Tham vấn – Trị liệu tâm lý đã có những chia sẻ giúp sinh viên ổn định tâm lý vượt qua áp lực từ bệnh dịch.

Âu lo và trầm uất

Theo thạc sĩ Tô Thị Hoan, khi phải tự điều trị Covid-19 khi sống xa nhà, sinh viên thường gặp phải nhiều khó khăn tâm lý, có thể kể đến như: lo âu và căng thẳng; cô đơn, trầm uất…

Lo âu về vấn đề bệnh tật, đặc biệt với những sinh viên có nhiều triệu chứng của bệnh. Một số bạn sinh viên có những triệu chứng nặng có thể lo lắng về thành tích học tập ở trên lớp có thể bị ảnh hưởng do vấn đề sức khoẻ cản trở việc hoàn thành các nhiệm vụ học tập. Với những bạn tham gia nhiều hoạt động ngoại khoá còn có thể cảm thấy căng thẳng và quá tải trong giai đoạn bị bệnh này.

Cảm giác cô đơn và trầm uất khi sống một mình trong tình trạng ốm đau mà không ai chăm sóc cũng có thể nảy sinh ở một số bạn sinh viên. Các bạn có thể nảy sinh nhiều suy nghĩ không hữu ích, ảnh hưởng trực tiếp tới các hoạt động chức năng hàng ngày như việc học tập, các mối quan hệ xã hội.

“Khi xuất hiện tình trạng tâm lý như lo âu, căng thẳng và trầm cảm mà không được can thiệp và hỗ trợ kịp thời, đúng cách có thể dẫn đến các hành vi nguy cơ như sử dụng chất kích thích, hành vi tự hại cho bản thân”, thạc sĩ Hoan bày tỏ.

Theo thạc sĩ Hoan, việc chăm sóc sức khoẻ tâm thần trước, trong và sau thời kỳ nhiễm Covid-19 là rất quan trọng. Sức khoẻ tâm thần có tầm quan trọng như sức khoẻ thể chất và hai thành tố này có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Một trạng thái sức khoẻ tâm thần tốt có thể cải thiện hệ miễn dịch của cơ thể.

Chuyên gia tâm lý Tô Thị Hoan. Ảnh: NVCC.
Chuyên gia tâm lý Tô Thị Hoan. Ảnh: NVCC.

6 bước lắng nghe cảm xúc

Thạc sĩ Hoan cho rằng, sinh viên nên dành thời gian lắng nghe trạng thái cảm xúc của mình để có thể có những cách thức chăm sóc và điều hoà cảm xúc phù hợp. Các bạn có thể thực hiện việc này bằng cách trả lời 6 câu hỏi và cũng là các bước sau:

(1) Mình đang cảm thấy như thế nào?, (2) Cảm xúc ấy mạnh cỡ nào?, (3) Cảm xúc ấy nằm ở đâu trong cơ thể mình?, (4) Cảm xúc ấy đang muốn nói gì với mình?, (5) Mình cần làm gì bây giờ?, (6) Mình có thể đi một bước nhỏ nào để đến gần hơn với nhu cầu bản thân?

Khi nhận thấy mình đang có những cảm xúc khó chịu như cáu gắt, căng thẳng, lo lắng, trầm uất thì các bạn có thể thực hiện một vài hoạt động ưa thích để điều hoà cảm xúc như: vẽ một bức tranh, viết nhật ký, nghe nhạc, đọc sách, xem một bộ phim…

Đặc biệt, việc thực hành một số hoạt động chánh niệm (mindfulness) cũng được chứng minh là có khả năng giảm căng thẳng rất tốt. Một bài thực hành chánh niệm đơn giản là tập trung vào hơi thở của mình là cách mà các bạn có thể thực hiện.

Giữ kết nối xã hội với những người mà các bạn quan tâm và tin tưởng như bạn bè, người thân thông qua các phương tiện truyền thông. Bạn cũng có thể chia sẻ những cảm xúc hoặc tâm sự của mình với người mà bạn tin tưởng để tìm kiếm sự trợ giúp.

Chuyên gia tâm lý nhấn mạnh, việc duy trì một lối sống lành mạnh, cân bằng là cần thiết cho sự ổn định và cải thiện của sức khoẻ tâm thần.

Ngoài ra, chuyên gia lấy ví dụ nhà nghiên cứu David Rock và Daniel Siegel cùng với các cộng sự đã phát triển thêm hướng dẫn về “Đĩa ăn tinh thần lành mạnh” (The healthy mind platter).

Hướng dẫn gồm 7 hoạt động mà cá nhân nên thực hiện để có tinh thần khoẻ mạnh: Ngủ đủ giấc, vận động thể chất, thời gian tập trung (thay vì làm nhiều việc cùng một lúc), thời gian tĩnh để tự chiêm nghiệm và phản tư, thời gian thư giãn để đầu óc không cần suy nghĩ và làm việc theo kế hoạch, thời gian vui chơi và thời gian kết nối.

“Nếu các em gặp các vấn đề về sức khoẻ tâm thần nghiêm trọng thì đừng ngần ngại tìm kiếm sự hỗ trợ chuyên nghiệp từ những người làm tham vấn – trị liệu tâm lý có chuyên môn. Bất kỳ ai cũng có lúc cần được giúp đỡ và cần có người đồng hành để giải quyết vấn đề”, thạc sĩ Tô Thị Hoan trao đổi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ