Sinh viên F0 đối mặt khó khăn: Thích nghi việc học

GD&TĐ - Trở lại giảng đường nhưng không may trở thành F0, nhiều sinh viên phải loay hoay với việc học. Tuy nhiên, cùng sự chia sẻ, hỗ trợ của nhà trường và bạn bè, nhiều bạn đã vượt qua nỗi sợ, theo kịp tiến độ bài học.

Trần Minh Thư, sinh viên năm thứ 3 Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM, tự học trong thời gian bị F0.
Trần Minh Thư, sinh viên năm thứ 3 Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM, tự học trong thời gian bị F0.

Nhờ bạn giúp đỡ

Sau khi trở thành F0, Nguyễn Thị Vân Trinh - sinh viên năm thứ 3, Khoa Đào tạo chất lượng cao, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM sắp xếp lại thời gian học cũng như sinh hoạt sao cho phù hợp với tình hình sức khỏe của mình.

“Có môn thầy cô dạy online theo khung giờ trên thời khóa biểu, có môn thầy cô dạy offline trên lớp. Vì không đến lớp được nên em chủ động liên hệ với giảng viên bộ môn cũng như các bạn học nhờ hỗ trợ. Còn về sinh hoạt, ăn uống, em được bạn bè mua giúp. Thuốc thì thầy cô bên ký túc xá hỗ trợ. Lúc mới bị nhiễm Covid em có hoang mang và sợ, nhưng sau đó cảm thấy ổn hơn”, Vân Trinh chia sẻ.

Tương tự, Cao Cẩm Tú, lớp 20NH111, Khoa Tài chính – Kế toán, Trường ĐH Lạc Hồng (Đồng Nai) trong những ngày bị F0 không đến lớp được. Các thầy/cô quay lại bài giảng trên lớp và đưa lên hệ thống E-learning của trường để sinh viên có thể xem lại. Bên cạnh đó, sau khi xem bài giảng có những chỗ không hiểu bài, Cẩm Tú có thể hỏi trực tiếp giảng viên thông qua Zalo, Messenger và điện thoại. Chính vì vậy, mặc dù bị F0 nhưng Tú và các bạn khác vẫn theo kịp tiến độ của môn học. Sau khi hoàn thành thời gian cách ly, Tú có thể bắt nhịp và hoàn thành tất cả bài tập, tiểu luận các môn học.

“Về sinh hoạt, em may mắn hơn các bạn khác khi được ở cùng với gia đình người thân. Cả gia đình đều bị F0 nên mọi người có thể tự chăm và hỗ trợ nhau. Trong thời gian bị F0, thời gian đầu em vẫn chưa có triệu chứng nên việc ăn uống sinh hoạt vẫn bình thường và đầy đủ như mọi ngày. Đến giai đoạn có triệu chứng nhiều hơn khiến em mệt mỏi nhưng vẫn cố gắng ăn uống và uống nhiều nước, bổ sung nhiều vitamin C…”, Cẩm Tú thông tin thêm.

Đang trong giai đoạn chờ hết 7 ngày cách ly để test lại, Trần Minh Thư, sinh viên năm thứ 3 Khoa Tài chính ngân hàng, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM, cho biết, em đi học tập trung đến giữa tháng 3 thì bị F0. Vì chỗ ở đông người và chung phòng nên Thư thu xếp vật dụng cá nhân, chuyển qua ở nhà người quen (có phòng riêng) để tiện cách ly. Đồng thời, Thư thông báo đến các nhóm có giảng viên để xin nghỉ học.

“Việc học của em tuy bị gián đoạn nhưng sau mỗi buổi học, các bạn chụp bài vở để em xem qua. Nếu thầy cô có căn dặn gì, các bạn đều báo để em cập nhật thường xuyên. Các triệu chứng đều nhẹ nên trong khoảng thời gian em này tranh thủ xem lại slide bài giảng để khi đi học lại không bị bỡ ngỡ. Em thấy mình cứ giữ một tâm thế thoải mái và nếu có là F0 thì hãy đón nhận và vượt qua. Chỉ vài ngày thôi mình lại được tái hoà nhập…”, Minh Thư chia sẻ.

Phòng dành để cách ly F0 tại Ký túc xá D1 Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM.
Phòng dành để cách ly F0 tại Ký túc xá D1 Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM.

Chia sẻ khó khăn với F0

Tại Trường ĐH Lạc Hồng, PGS.TS Nguyễn Vũ Quỳnh - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Nếu có 3 - 4 F0 thì cả lớp sẽ học trực tuyến 1 tuần để theo dõi. Nếu chỉ có 1 - 2 em F0 và xác định không có F1 nguy cơ cao thì lớp vẫn học trực tiếp bình thường. Trên lớp, các em sẽ sử dụng điện thoại quay bài giảng trực tiếp cho F0 ở nhà cùng học.

“Ngoài ra, Trường ĐH Lạc Hồng còn có hệ thống LMS để hỗ trợ học tập cho sinh viên. Hệ thống này đã hỗ trợ khá hiệu quả cho sinh viên theo học tại trường, không chỉ riêng F0”, PGS.TS Nguyễn Vũ Quỳnh thông tin.

Bên cạnh đó, một số trường dành riêng phòng trong khu ký túc xá cho sinh viên là F0 cách ly. Ông Hồ Thành Công - Giám đốc Ban Quản lý Ký túc xá, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cho hay: Nhà trường dành 8 phòng trống với sức chứa khoảng 70 giường cho sinh viên nhiễm và nghi nhiễm cách ly. Từ sau Tết đến nay, khi sinh viên đi học trực tiếp trở lại, có những lúc tình hình khá căng thẳng, F0 chiếm 10% sinh viên nội trú, nên ký túc xá phải phải tăng thêm phòng cách ly. Tuy nhiên, nhờ ký túc xá còn một số phòng trống do nhiều sinh viên chỉ đăng ký giữ chỗ nhưng vẫn còn học online nên mọi thứ vẫn trong tầm kiểm soát .

Tương tự, theo ThS Trần Nam - Trưởng phòng Truyền thông và Quan hệ doanh nghiệp (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TPHCM), trước tình hình F0 tăng cao, nhà trường đã hướng dẫn sinh viên cách chăm sóc sức khỏe trong thời gian đến trường và sinh hoạt tại ký túc xá. Cụ thể, sinh viên ở các khu nhà trọ và ký túc xá cần lưu ý áp dụng các khuyến cáo của Bộ Y tế, thực hiện 5K trong lớp học, tăng cường sức khỏe bằng cách luyện tập thể thao, ăn uống đầy đủ và hạn chế tối đa tham gia hoạt động ở nơi công cộng có khả năng lây nhiễm cao.

“Ngoài ra, để đảm bảo cho quá trình học tập, sinh viên cần sắp xếp thời gian học tập hợp lý, nếu có biểu hiện nghi nhiễm Covid-19 hay xác nhận nhiễm bệnh, phải báo ngay cho nhà trường phối hợp thực hiện các biện pháp chăm sóc và hỗ trợ sinh viên học online” - ThS Trần Nam thông tin.

“Sinh viên nhiễm và nghi nhiễm Covid-19 sẽ được cách ly “cuốn chiếu”, F0 sẽ được vào chung một số phòng. Nếu trường hợp một phòng có 3 F0, các F1 còn lại trong phòng sẽ được vào ở phòng riêng cùng với F1 khác có cùng số ngày cần cách ly. Ngoài ra, ký túc xá trường có 2 phòng luôn để trống nhằm chuẩn bị cho những trường hợp trở nặng nếu có. Bên cạnh đó, ký túc xá tổ chức nhóm sinh viên hỗ trợ F0, do liên chi hội sinh viên ký túc xá điều hành để giúp các bạn đang cách ly (mua cơm và vật dụng cần thiết). Đồng thời, ký túc xá hỗ trợ các em nước uống, nước muối súc miệng và dung dịch rửa tay kháng khuẩn” - ông Hồ Thành Công chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.