Sinh viên F0 đối mặt khó khăn: Thầy cô, bạn bè luôn chia sẻ

GD&TĐ - Hầu hết các cơ sở giáo dục đại học xây dựng kịch bản ứng phó với dịch bệnh khi sinh viên trở lại học tập trung.

Máy đo nhiệt độ và thiết bị khử khuẩn được đặt trước cổng Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh luôn sẵn sàng kiểm tra, bảo vệ sức khỏe sinh viên. Ảnh: NTCC
Máy đo nhiệt độ và thiết bị khử khuẩn được đặt trước cổng Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh luôn sẵn sàng kiểm tra, bảo vệ sức khỏe sinh viên. Ảnh: NTCC

Không để sinh viên nào bị bỏ rơi, đặc biệt những bạn F0 và học năm thứ nhất là chủ trương được các trường quán triệt thực hiện.

Kích hoạt các tổ, đội phản ứng nhanh

Trường ĐH Luật TP Hồ Chí Minh có khoảng 40 – 50 sinh viên thuộc diện F0. Ông Nguyễn Thành An – Phó Giám đốc Trung tâm Quan hệ doanh nghiệp và Hỗ trợ sinh viên nhấn mạnh: Với phương châm, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho sinh viên, học viên tham gia học tập trung, nhà trường đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát thanh phòng, chống Covid-19 trên các trang điện tử; đồng thời kích hoạt hoạt động các đội hình, tổ phản ứng nhanh. Cùng với đó, xây dựng nhiều phương án, kịch bản ứng phó các tình huống khi phát hiện ca nghi nhiễm F0 trong khuôn viên nhằm ngăn chặn lây nhiễm trên diện rộng.

“Để bảo đảm tốt nhất cho sức khỏe của giảng viên và sinh viên, nhà trường thực hiện phương án dạy học song song, kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến. Phương án này sẽ tạo điều kiện thuận lợi để tất cả sinh viên được tiếp cận đầy đủ kiến thức, đặc biệt là trường hợp đang là F0”, ông An chia sẻ.

Đối với những sinh viên là F0, ông An cho hay: Bộ phận y tế của trường sẽ chăm sóc, hướng dẫn. Nhà trường dành riêng một phòng được trang bị đầy đủ thiết bị nhằm cách ly tạm thời sinh viên trong trường. Sau đó, sẽ làm theo hướng dẫn của cơ quan y tế. “Chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng, bất luận trong hoàn cảnh nào, nhà trường luôn đồng hành với các em, từ vấn đề học tập cho đến sức khoẻ, đời sống”, ông An nói, đồng thời viện dẫn: Các đội tình nguyện đã hỗ trợ tìm kiếm được 800 nhà trọ giá cả hợp lý, uy tín cho sinh viên; trong đó ưu tiên các em năm thứ nhất.

Sinh viên trở lại học tập trung nên nhu cầu về nhà ở tăng cao, nhất là với sinh viên năm thứ nhất. Nắm bắt được nhu cầu này, Trường ĐH Mở Hà Nội đã thành lập hệ thống Ngân hàng nhà trọ hỗ trợ sinh viên. ThS Trần Phương Thảo - Phó Bí thư Đoàn trường, Chủ tịch Hội Sinh viên - cho biết: Có khoảng 300 nhà trọ được thiết lập trong hệ thống này, hỗ trợ cho hàng trăm sinh viên năm thứ nhất có “nơi ăn chốn ở” ổn định.

Theo chủ trương của Trường ĐH Mở Hà Nội, Đoàn Thanh niên - Hội Sinh viên đã chủ động thu thập thông tin, lập danh sách các sinh viên mắc Covid-19 có hoàn cảnh khó khăn để đề xuất nhà trường hỗ trợ. ThS Trần Phương cho hay: Các phần quà đã, đang và tiếp tục được thầy, cô, đội ngũ sinh viên tình nguyện gửi đến tận nơi ở của sinh viên. Đến thời điểm này, trường đã hỗ trợ 5 đợt, với hơn 300 gói quà cho trường hợp có nhu cầu. Sinh viên F0 sẽ được hỗ trợ viên ngậm chống ho, nước sát khuẩn, vitammin C. Ngoài ra, đội tình nguyện sẽ hỗ trợ việc mua nhu yếu phẩm cho các bạn F0.

ThS Trần Phương Thảo (bên trái) cùng đoàn viên chuẩn bị những phần quà dành tặng sinh viên F0 gặp khó khăn. Ảnh: NVCC
ThS Trần Phương Thảo (bên trái) cùng đoàn viên chuẩn bị những phần quà dành tặng sinh viên F0 gặp khó khăn. Ảnh: NVCC

Luôn đồng hành cùng sinh viên

Bên cạnh vấn đề sức khỏe, thể chất, các trường còn đặc biệt quan tâm đến sức khỏe tinh thần cho sinh viên bị F0. Trường ĐH Ngoại thương đã có nhiều giải pháp hỗ trợ cho sinh viên, từ học tập, cuộc sống cho đến sức khoẻ, tâm lý… Trưởng phòng Quản lý đào tạo Vũ Thị Hiền cho hay: Nhà trường đã kích hoạt một loạt hệ thống với nhiều đội nhóm xung kích và hỗ trợ từng vấn đề cụ thể. Chẳng hạn như: Hệ thống y tế có đội hỗ trợ cấp phát thuốc, đội tư vấn điều trị, đội tư vấn hậu Covid-19…

Cùng với đó, nhà trường thành lập các nhóm online F0 để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ lẫn nhau. Ngoài nhóm toàn trường, còn có nhóm theo đơn vị với giáo viên chủ nhiệm để sinh viên có thể dễ dàng hơn trong việc chia sẻ những vấn đề riêng. Bên cạnh đó, đội xung kích của nhà trường với số lượng khá lớn, thay phiên nhau trực đường nóng để các F0 có thể đề nghị hỗ trợ nếu ngại liên hệ với giáo viên.

Tại Trường ĐH Thương mại, bất kể sinh viên F0 nào có nhu cầu đều có thể vào ở khu cách ly của trường, kể cả những bạn có nhà ở Hà Nội nhưng gia đình không đủ điều kiện cách ly. PGS.TS Nguyễn Viết Thái - Trưởng phòng Đối ngoại và Truyền thông nhấn mạnh: Nhà trường hỗ trợ toàn bộ thuốc men, có đội hỗ trợ mua nhu yếu phẩm theo nhu cầu. “Chúng tôi luôn đồng hành nên các em hoàn toàn yên tâm điều trị nếu không may nhiễm Covid-19” - PGS.TS Nguyễn Viết Thái khẳng định.

Tại các đơn vị đào tạo của ĐH Quốc gia Hà Nội đều thành lập tổ công tác phản ứng nhanh để hỗ trợ xử lý nhanh nhất trường hợp không may bị nhiễm Covid-19. ĐH Quốc gia Hà Nội cũng lập các nhóm tư vấn, chăm sóc trường hợp là F0, F1 với sự trợ giúp chuyên môn của bác sĩ, chuyên gia y tế trong phòng chống dịch Covid-19 của Trường ĐH Y Dược và Bệnh viện ĐH Quốc gia Hà Nội. Phòng Công tác sinh viên sẽ đưa các trường hợp F0, F1 vào các group này để chăm sóc, hỗ trợ.

Ngoài ra, ĐH Quốc gia Hà Nội có các tổ công tác tình nguyện, trong đó tình nguyện viên là sinh viên tại đơn vị, đặc biệt là sinh viên Trường ĐH Y Dược sẽ hỗ trợ chăm sóc điều trị và hỗ trợ mua đồ, thuốc điều trị... đối với trường hợp phải cách ly, giúp các em ổn định cuộc sống. Với trường hợp F0 gặp khó khăn về nơi cách ly, ĐH Quốc gia Hà Nội sẽ bố trí chỗ tại Trung tâm Giáo dục Quốc phòng - An ninh tại Hòa Lạc.

Tại Ký túc xá Mễ Trì của Đại học Quốc gia Hà Nội, khu cách ly dành cho F0 được Ban quản lý bố trí một toà nhà riêng. Ông Nguyễn Văn Minh - Phó Trưởng ban Quản lý Ký túc xá Mễ Trì, Trung tâm Hỗ trợ sinh viên (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết: ‘Chúng tôi đã triển khai nhiều giải pháp để phòng, chống dịch (tuyên truyền các biện pháp phòng dịch tới mỗi phòng ở, chuẩn bị khu cách ly, nhân viên y tế túc trực, điều kiện ăn uống bảo đảm an toàn thực phẩm tại nhà ăn ký túc. Những hỗ trợ về nhu yếu phẩm, phát thuốc miễn phí, tư vấn kịp thời của bác sĩ… đã phần nào giúp những sinh viên xa nhà yên tâm” – ông Minh chia sẻ.

Nguyễn Bích Ngọc (sinh viên năm nhất, Khoa Luật, Trường Đại học Mở Hà Nội) không may nhiễm Covid-19 ngay trong tuần học đầu tiên, do tiếp xúc với một bạn F0 trong lớp. Ngọc cho biết không thể ra ngoài mua nhu yếu phẩm, không có người túc trực hỗ trợ. Bên cạnh đó, giá của kit test và thuốc hỗ trợ điều trị Covid-19 không hề rẻ, nên việc cân bằng chi tiêu thực sự khó khăn. “Những lúc cơ thể mệt mỏi, nhìn các bạn đến lớp, còn mình tiếp tục học online em cảm thấy rất tủi thân… Cũng may có các thầy, cô và ban cán sự lớp luôn quan tâm động viên, giúp đỡ, nên em đã vượt qua được giai đoạn khó khăn này” – Ngọc chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Mùa hoa cải thường rơi vào khoảng giữa tháng 11 đến tháng 12…

Rực rỡ hoa cải vàng khoe sắc bên sông

GD&TĐ - Mùa này, những cánh đồng cải vàng ven dòng sông Đuống, ở các thôn: Chi Đông, Chi Nam, Gia Lâm (xã Lệ Chi, Gia Lâm, Hà Nội), đang bung nở rực rỡ.

Prompt đang trở thành một nghề mới trong lĩnh vực AI. Ảnh: Jakub Jirsak/Law.

Bình dân học vụ AI

GD&TĐ - Với mong muốn ‘Bình dân học vụ AI, phổ cập AI’, Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông tổ chức khóa đào tạo ngắn hạn về Prompt Engineering.