Sinh viên mắc Covid-19: Cần lắm sự hỗ trợ, tiếp sức

GD&TĐ - Lo lắng vì tự điều trị F0 hoặc sợ trở thành F0 là tâm trạng của không ít sinh viên khi trở lại trường học trực tiếp. Thời điểm này, sinh viên rất cần sự hỗ trợ, đồng hành từ bạn bè, thầy cô và nhà trường.

Trường Đại học Kinh tế Quốc dân hỗ trợ sinh viên chịu ảnh hưởng từ Covid-19,
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân hỗ trợ sinh viên chịu ảnh hưởng từ Covid-19,

Sinh viên "nhấp nhổm không yên"

Nhìn que test nhanh hiện một vạch đỏ, một vạch mờ, Vũ Hà My, sinh viên năm hai Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội, lo lắng không biết phải đối phó như thế nào khi trở thành F0 trong cảnh ở trọ một mình.

Hiện tại, khi đã điều trị khỏi, My nhớ lại: Ban đầu, em định xin vào khu cách ly của trường vì sợ ảnh hưởng đến mọi người trong khu ở trọ nhưng bác chủ nhà khuyên em ở lại, thiếu gì bác sẽ mua hộ. Em chỉ cần tự cách ly trong phòng và giữ tinh thần thật tốt. Em cảm thấy may mắn khi mọi người trong khu trọ không kỳ thị và giúp đỡ em trong thời gian đó.

Tạm gác mối lo về nhu yếu phẩm, thuốc men, My vẫn cảm thấy hoang mang khi nghĩ về di chứng hậu Covid-19, việc học tập bị gián đoạn hay phải nghỉ làm thêm, nguồn thu nhập bị cắt giảm. Việc học online trong thời điểm này cũng không hiệu quả vì cơ thể mệt mỏi, đầu óc không thể tập trung.

My chia sẻ: Mấy hôm đầu em vừa buồn vừa lo nhưng không làm được gì, bệnh tình cũng chẳng thuyên giảm. Em đã cố gắng xốc lại tinh thần rồi tập thở, tập các động tác thể dục nhẹ nhàng.

“Đến khi hoàn thành cách ly và trở lại nhịp sống bình thường, em nhận ra hoá ra những ngày tự điều trị không đáng sợ như tưởng tượng. Cơ thể em chưa hồi phục hoàn toàn nhưng em duy trì tập luyện kết hợp ăn uống lành mạnh. Khi em đi học lại, các bạn trên lớp và thầy cô cũng tận tình hướng dẫn, chỉ bảo. Sự quan tâm, động viên từ mọi người xung quanh đã giúp đỡ em rất nhiều trong thời gian qua”, My chia sẻ.

Trong khi đó, Nguyễn Việt Tiến, sinh viên năm ba Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Hà Nội, luôn trong tình trạng “nhấp nhổm không yên” vì lo lắng bản thân sẽ mắc Covid-19. Từ tháng 2 đến nay, Tiến hầu như không rời khỏi nhà, chỉ ra đường khi có việc quan trọng.

“Bạn bè em đều bảo ‘ai rồi cũng F0 thôi’ nhưng em không muốn vậy vì gia đình em có người mắc bệnh nền. Em chưa muốn trở lại trường hay đi làm trực tiếp. Em sợ chỉ sơ sểnh một chút sẽ khiến bản thân và gia đình rơi vào tình huống nguy hiểm”, Tiến cho biết.

Bạn bè mua quà và đồ ăn động viên My.
Bạn bè mua quà và đồ ăn động viên My.

Hỗ trợ sinh viên là F0

Ông Võ Trọng Nghĩa, Trưởng phòng Truyền thông, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết: Trước khi sinh viên đi học trở lại, nhà trường đã chuẩn bị khu cách ly dành cho sinh viên mắc Covdi-19. Do số sinh viên là F0 tăng, trường tiếp tục phải mở thêm các phòng, các tầng khác. Ngoài ra, mỗi sinh viên mắc Covid-19 được hỗ trợ một triệu đồng.

Từ góc độ chuyên gia, thạc sĩ tâm lý Phan Thị Cẩm Giang, giảng viên Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam TP. HCM cho biết: Đại dịch Covid-19 đã để lại những hậu quả rõ ràng có thể nhìn thấy về kinh tế, văn hóa, thói quen, sự mất mát, rối loạn tâm lý. Những điều này thường tăng lên theo cấp số nhân ở các bạn sinh viên nếu các em mắc Covid-19.

Bên cạnh việc sinh viên tự vượt qua khó khăn, thạc sĩ Giang gợi ý trong tập thể lớp, sinh viên cần kết nối với các bạn là F0 để liên lạc, hỗ trợ khi cần thiết. Nếu có thể, hỗ trợ thêm cho các bạn những nhu yếu phẩm cần thiết trong thời gian tự điều trị, nhất là những em ở phòng trọ một mình.

Về phía nhà trường, thầy cô thành lập các ban, nhóm, câu lạc bộ với những hoạt động khác nhau như hỗ trợ nhu yếu phẩm cho sinh viên mắc Covid-19; tuyên truyền, truyền thông kiến thức dành cho sinh viên F0 và chia sẻ trên Facebook của trường.

Bên cạnh đó, nhà trường tạo đường dây nóng hỗ trợ F0. Giảng viên hoặc cố vấn học tập giữ liên lạc với các em. Xây dựng hiệu ứng tâm lý tích cực cho các F0 bằng cách công bố số sinh viên đã khỏi bệnh và quay trở lại sinh hoạt, học tập tại trường.

Thạc sĩ tâm lý Phan Thị Cẩm Giang nhấn mạnh: "Các trường hãy cam kết cùng đồng hành với sinh viên, cam kết hỗ trợ sinh viên là F0 phải nghỉ học bằng cách học bổ sung ở lớp khác, khoá khác. Trong quá trình tự điều trị, nhà trường cần chia sẻ nhiều thông tin tích cực giúp sinh viên thay đổi nhận thức, hành vi".

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.