Bỏ ngay tâm lý sai lầm "mắc Covid-19 để sau này không bị nữa"

GD&TĐ - Nhiều người đang có tâm lý có thể trở thành F0 bất cứ lúc nào mà chủ quan phòng dịch hay suy nghĩ là cố tình mắc Covid-19 để sau này không bị nữa, chuyên gia y tế nhấn mạnh đó đều là những quan niệm sai lầm.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thông tin trên báo chí, ThS. BS chuyên khoa II Nguyễn Thu Hường - Trưởng Đơn nguyên chống dịch, BV Thanh Nhàn cho biết, nhiều người có suy nghĩ là cố tình mắc Covid-19 để sau này không bị nữa. Đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm vì người bệnh nhiễm chủng Delta rồi vẫn có khả năng nhiễm chủng Omicron, thậm chí đã nhiễm chủng Omicron vẫn tái nhiễm chủng đó, nhưng type khác”, Những người mắc bệnh đều có khả năng tái nhiễm, phổ biến nhất ở là những người bị suy giảm miễn dịch, người có bệnh lý nền, người chưa được tiêm vaccine phòng Covid-19 .

"Người bị tái nhiễm thường có triệu chứng nặng hơn lần đầu. Tái nhiễm, tái dương tính đều để lại những nguy cơ khó lường đối với bệnh nhân như các huyết khối, phổi, rối loạn nhịp tim, viêm cơ tim, tổn thương não, chậm chạp về mặt tư duy, nhận thức; các bệnh lý hô hấp kéo dài có thể gặp di chứng xơ phổi, viêm phổi kẽ, kể cả ở người trẻ không có bệnh lý nền…", bác sĩ Nguyễn Thu Hường chia sẻ.

Do vậy khi đã khỏi bệnh rồi cần theo dõi sức khỏe, bồi bổ để cơ thể khỏe mạnh, tăng sức đề kháng và đặc biệt không được chủ quan khi tiếp xúc với các F0 và người có nguy cơ cao nhiễm bệnh.

Còn theo PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội cho rằng, tâm lý chủ quan sẽ dẫn đến những ẩn họa khôn lường, cho cộng đồng và cho chính bản thân mỗi người. "Ví dụ như sẽ dẫn đến số lượng ca nhiễm lan nhanh trên diện rộng, virus sẽ có cơ hội nhân lên, nguy cơ xảy ra biến thể mới nguy hiểm hơn hiện nay rất nhiều lần", ông Hùng nhấn mạnh.

Lạc quan, thoải mái tinh thần để phòng chống dịch khác xa với chủ quan, buông xuôi. Hơn lúc nào hết, mỗi người dân vẫn cần cần tiếp tục tuân thủ nghiêm các quy định phòng chống dịch. Đặc biệt là hiện nay, Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn sống chung với Covid-19 trong trạng thái bình thường mới.

Nghĩ "ai rồi cũng thành F0" thì rất nguy hiểm

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, hiện tỷ lệ bệnh nhân Covid-19 không triệu chứng hoặc triệu chứng rất nhẹ ở Hà Nội đang chiếm khoảng 97%. Tuy nhiên, hàng ngày, Hà Nội vẫn ghi nhận bệnh nhân tử vong vì Covid-19, nên người dân không nên có tâm lý nghĩ rằng "ai rồi cũng thành F0". Khi số ca Covid-19 tăng cao sẽ kéo theo số bệnh nhân nặng tăng, rồi tỷ lệ tử vong cũng từ đó nhiều hơn, gây quá tải cho hệ thống y tế.

Theo bác sĩ nhấn mạnh, tâm lý ai rồi cũng trở thành F0 rất nguy hiểm. Chúng ta thử đặt tình huống dù thanh niên trẻ khỏe đến đâu cũng có tỷ lệ nhất định mắc bệnh diễn tiến nặng. Đó còn chưa kể đến trường hợp nếu chúng ta mắc bệnh rồi về lây cho người già, người mắc bệnh nền hay trẻ em, phụ nữ mang thai lại càng nguy hiểm hơn. Đây đều là đối tượng chưa tiêm vaccine, nguy cơ bệnh nặng, thậm chí tử vong. Do đó, người dân cần loại bỏ tâm lý ai rồi cũng mắc Covid-19.

Hiện một số bộ phận người dân có tâm lý đã tiêm nhiều vaccine bệnh sẽ nhẹ, rồi buông xuôi, thả lỏng. Theo ông Phu, đây là suy nghĩ sai lầm, cần phải thay đổi. Vaccine chỉ giúp giảm nguy cơ lây lan và giảm nguy cơ bệnh diễn biến nặng chứ không hoàn toàn chống lại được SARS-CoV-2.

Còn theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết trên báo chí, quan điểm của nước ta là sống chung với dịch, nhưng sống chung thế nào cho an toàn phải tính toán hợp lý. Nếu buông xuôi, thả lỏng, nghĩ "ai rồi cũng thành F0" thì rất nguy hiểm, kéo theo vô số những hệ lụy, trong đó có quá tải hệ thống y tế, khiến số ca bệnh nặng, tử vong tăng vọt.

Dù số ca bệnh hiện nay tăng nhiều, nhưng người dân vẫn cần tuân thủ 5K. Những ai không thực hiện tốt 5K thì nguy cơ lây nhiễm rất cao. F0 đang có xu hướng nhiều hơn F1 và hầu hết đều không triệu chứng. Ngoài ra, vì số F0 không triệu chứng hiện nay vẫn đang đi làm và ra ngoài bình thường nên đây sẽ là nguồn phát tán virus.

Vì vậy, người dân nếu không may bị nhiễm bệnh cần bình tĩnh, không quá lo lắng. Không riêng gì F0 hay F1, mà tất cả mọi người cần tuân thủ tốt 5K, hạn chế đi lại, tiếp xúc nhiều. Khi thấy dấu hiệu bất thường nào về sức khỏe cần test Covid-19 tại nhà. Nếu dương tính, nên báo cho lực lượng y tế nơi mình cư trú để được tư vấn điều trị.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ