Chuyển động mới

GD&TĐ - Mở ngành mới, đa ngành, liên ngành, xuyên ngành là cần thiết, nhưng quan trọng nhất là phải bảo đảm chất lượng đào tạo.

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Mùa tuyển sinh 2024, đa số trường đại học đều mở ngành mới, trong đó nổi bật là xu hướng đẩy mạnh đào tạo đa ngành ở cơ sở có truyền thống chuyên ngành; sự xuất hiện của nhiều ngành lai mang tính liên ngành, xuyên ngành.

Có thể kể như: Trường ĐH Ngoại thương dự kiến tuyển sinh ngành Khoa học máy tính; Đại học Kinh tế TPHCM mở ngành Công nghệ nghệ thuật và Điều khiển thông minh và tự động hóa; Trường Đại học Kinh tế Quốc dân dự kiến mở 5 ngành thuộc lĩnh vực máy tính và công nghệ thông tin. Đáng chú ý là ngành có tính liên ngành cao như Thiết kế vi mạch và công nghệ bán dẫn hiện có hơn 10 trường dự kiến mở trong năm nay.

Trong bối cảnh cách mạng 4.0, sự giao thoa giữa các ngành, lĩnh vực rất lớn. Chẳng hạn ngành Khoa học Sức khỏe có liên hệ mật thiết với các ngành Kỹ thuật, Công nghệ, Quản trị, Khoa học Xã hội và Nhân văn. Ngành Kinh tế ngày càng ứng dụng nhiều tiến bộ của công nghệ để phát triển mạnh mẽ hơn, như Công nghệ tài chính, Digital Marketing… Thực tế này đòi hỏi thị trường lao động phải sẵn sàng đội ngũ nhân sự có đủ năng lực giải quyết các bài toán lớn mà nếu chỉ đơn ngành truyền thống khó có thể thực hiện.

Đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, các cơ sở đại học tập trung đẩy mạnh phát triển đào tạo đa ngành, liên ngành, xuyên ngành, dần thay thế cho hình thức đào tạo đơn ngành truyền thống và đây là xu hướng. Sự thay đổi này mang lại nhiều lợi ích cho cả người học và nhà trường.

Các chương trình đào tạo tích hợp kiến thức ở các lĩnh vực khác nhau trong cùng một ngành hoặc một nhóm ngành đào tạo sẽ trang bị kiến thức chuyên ngành, đa ngành và đa lĩnh vực, kỹ năng nghề nghiệp tổng hợp, từ đó sinh viên dễ dàng thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của thị trường lao động. Mặt khác, việc hướng tới đào tạo đa ngành, liên ngành còn giúp cơ sở đào tạo tận dụng tối đa nguồn nhân lực nếu trường nằm trong một “hệ sinh thái” đa ngành, đa lĩnh vực.

Chuyển động mở ngành theo hướng phát triển đa ngành, xuyên ngành, liên ngành của các cơ sở đào tạo trong mùa tuyển sinh 2024 là những tín hiệu tích cực cho thấy giáo dục đại học đã nhanh chóng bắt kịp nhu cầu nhân lực của xã hội. Tuy vậy, thực tế này cũng đồng thời đặt ra một số băn khoăn về điều kiện bảo đảm chất lượng, nhất là với đơn vị không có “hệ sinh thái” đa ngành, đa lĩnh vực đủ mạnh.

Liên quan đào tạo thiết kế vi mạch, nhiều trường đại học còn chưa có khả năng tiếp cận với các phần mềm thiết kế chip EDA (Electronic Design Automation) - bộ công cụ bao gồm phần mềm, phần cứng và dịch vụ được sử dụng trong thiết kế chất bán dẫn. Đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sĩ về lĩnh vực này còn mỏng, đa số tập trung ở các đại học lớn chuyên về kỹ thuật công nghệ.

Chưa kể vẫn còn tồn tại thực trạng một số trường mở ngành mới, tên mới nhưng chương trình đào tạo thực chất không khác mấy so với ngành cũ, chỉ là bình mới rượu cũ. Một số trường ồ ạt mở ngành mới nhưng còn chưa quan tâm đến việc công khai minh bạch thông tin về ngành cũng như các điều kiện bảo đảm chất lượng để người học tiếp cận, xã hội cùng giám sát. Đến nay, nhiều trường đã thông báo tuyển sinh 2024 nhưng vẫn chưa công khai đề án tuyển sinh của năm trên trang web của trường.

Mở ngành mới, đa ngành, liên ngành, xuyên ngành là cần thiết, nhưng quan trọng nhất là phải bảo đảm chất lượng đào tạo. Vì thế, đi cùng với thông tin mở ngành mới, chuẩn bị kỹ lưỡng nhân lực vật lực, các trường cần đồng thời công khai minh bạch thông tin về điều kiện mở ngành, chuẩn đầu ra… để người học tiếp cận, xã hội cùng giám sát; không để thí sinh vì thiếu thông tin mà “bé cái nhầm” khi đăng ký xét tuyển.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.