Tuy nhiên, với nhiều trường học vùng khó, nhân lực, vật lực đều thiếu thì chuyển đổi số vẫn là một thách thức đòi hỏi sự chung tay, tháo gỡ từ nhiều phía.
“Vùng trắng” thiết bị, đường truyền
Thầy Hà Trần Hồng – Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTBT THCS Khau Mang (Mù Cang Chải, Yên Bái) - cho biết: Trường có hơn 500 học sinh nhưng hiện chưa có phòng máy tính, các em chỉ học Tin học trên lý thuyết, không thực hành. Để triển khai dạy học môn Tin học, thời gian tới trường cần được đầu tư ít nhất 1 phòng máy tính với 60 đầu máy, đường truyền mạng… Trường cũng chưa thể triển khai dạy học trực tuyến bởi 100% học sinh dân tộc, gia đình khó khăn không có thiết bị. Đặc biệt, sóng Internet còn chưa tới nhiều nơi.
Trao đổi về vấn đề nhân lực trong việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào dạy học, thầy Hồng cho biết: Dù trường chưa có phòng máy và kết nối mạng nhưng các thầy cô đều tự nghiên cứu và hầu hết đã xây dựng được giáo án điện tử, sử dụng thành thạo thiết bị máy chiếu và ứng dụng được CNTT vào dạy học nhiều năm qua.
Những khó khăn của chuyển đổi số tại Trường Phổ thông DTBT Tiểu học xã Ngọc Long (Yên Minh, Hà Giang) cũng được thầy Dương Văn Đông - Hiệu trưởng - chia sẻ: Trường chưa thể triển khai dạy học môn Tin học bởi thiếu cả thiết bị và giáo viên. Ở thời điểm các em phải nghỉ học phòng, chống dịch, giáo viên chỉ có thể giao và đưa bài tới thôn bản, không triển khai dạy học trực tuyến bởi học sinh không có thiết bị học tập, sóng điện thoại và mạng Internet nhiều nơi còn “trắng”. Cũng vì ứng dụng CNTT trong dạy học bỏ ngỏ nên giáo viên khá hạn chế trong lĩnh vực này.
Trường Phổ thông DTBT Pa Ủ (Mường Tè, Lai Châu) có gần 600 học sinh, 1 điểm chính và 6 điểm lẻ nhưng chỉ có 5 máy chiếu (trong đó 1 máy chiếu lắp phòng hội đồng; 2 máy chiếu cho lớp 1, 2 máy chiếu cho 10 lớp học các khối từ 2 - 5). Theo cô Bùi Thị Minh Khuyên, giáo viên Trường Phổ thông DTBT Pa Ủ, vì số lượng máy chiếu quá ít nên mỗi giáo viên chỉ được đăng ký mượn để giảng dạy trên lớp 1 lần/tháng.
Và cũng như nhiều trường vùng khó khác, hiện nay trường chưa triển khai dạy học Tin học và “trắng” giáo viên bộ môn này. Việc ứng dụng CNTT vào dạy học vẫn cơ bản bỏ ngỏ bởi không có thiết bị. Từ đó khiến khả năng soạn giáo án điện tử, dạy học ứng dụng CNTT của các thầy cô hạn chế. Giáo viên muốn đổi mới, sáng tạo và nâng cao chất lượng tiết dạy từ vận dụng CNTT đều không có điều kiện.
Nỗ lực cho chuyển đổi số
Trường Tiểu học số 3 Võ Lao (huyện Văn Bàn, Lào Cai) được xem như điển hình của trường vùng khó nhưng đã tháo gỡ thành công khó khăn để hòa mình vào công cuộc chuyển đổi số, đưa CNTT vào phục vụ dạy học khi dịch Covid-19 bùng phát.
Thầy Nguyễn Đức Nguyện - Hiệu trưởng nhà trường - chia sẻ: Trường thuộc vùng cao khó khăn với 99% học sinh dân tộc thiểu số, giáo viên nhiều năm qua chỉ quen với dạy học truyền thống… Song khi dịch Covid-19 bùng phát để việc học của học sinh không bị gián đoạn, ban giám hiệu vẫn quyết định triển khai dạy học trực tuyến và tìm mọi cách tháo gỡ “nút thắt”.
Trước hết, trường tiến hành khảo sát từng gia đình học sinh về thiết bị kết nối mạng để đưa ra giải pháp hợp lý như tuyên truyền phụ huynh hiểu về dạy học trực tuyến, từ đó tạo điều kiện, mua sắm thiết bị cho các em học tập. Cùng đó huy động thiết bị cho các gia đình không có khả năng mua bằng cách đích thân hiệu trưởng đứng ra bảo lãnh với cửa hàng trong địa bàn để phụ huynh được mua trả góp, tặng sim điện thoại 4G miễn phí.
Trường đồng thời đứng ra mượn điện thoại thông minh, máy tính cũ cho những em có hoàn cảnh khó khăn không có thiết bị học tập. 2 - 3 học sinh gần nhà được bố trí cho mượn và học chung một máy… Với cách tháo gỡ này, tỷ lệ học sinh Trường Tiểu học số 3 Võ Lao được học trực tuyến thời điểm nghỉ học vì dịch Covid-19 lần đầu đạt tới 98%.
Ông Nguyễn Văn Lịch – Trưởng phòng GD&ĐT Yên Bình (Yên Bình – Yên Bái) - cũng cho biết: Mục tiêu ứng dụng CNTT trong dạy học và chuyển đổi số toàn ngành làm cơ sở đổi mới phương thức dạy và học, quản lý giáo dục, quản trị nhà trường… được ngành đặt ra và đang nỗ lực triển khai theo nhiều cách.
Bên cạnh quan tâm, đầu tư nguồn lực từ ngân sách, huy động nguồn lực xã hội hóa cho giáo dục… các nhà trường còn phát động giáo viên tham gia xây dựng, bổ sung kho giáo án điện tử; sẵn sàng chia sẻ bài giảng điện tử giữa các trường. Mặt khác, khích lệ phụ huynh ứng dụng công nghệ, đầu tư trang thiết bị để cùng phối hợp với thầy cô quản lý học tập, rèn luyện của học trò trên lớp và ở nhà tốt hơn...
Để tăng cường thiết bị dạy học ứng dụng CNTT cho nhà trường, hỗ trợ việc triển khai Chương trình GDPT 2018 hiệu quả, cô Bùi Thị Minh Khuyên và nhiều đồng nghiệp bên cạnh nhiệm vụ giảng dạy còn nỗ lực huy động ủng hộ từ các tổ chức, cá nhân thông qua mạng xã hội, Zalo, Facebook… Năm học vừa qua, cô Khuyên đã kêu gọi hỗ trợ thành công cho trường 2 máy chiếu, lắp hệ thống tích điện năng lượng cho 1 điểm trường.