Chuyển đổi số tạo nguồn lao động chất lượng cao: Vượt qua thách thức?

GD&TĐ - Nắm bắt xu thế chuyển đổi số, các cơ sở GDNN trên địa bàn TP Hà Nội đã và đang nỗ lực xây dựng môi trường GDNN hiện đại...

Việc làm của người lao động “thay đổi chóng mặt” từ chuyển đổi số. Ảnh minh họa: INT
Việc làm của người lao động “thay đổi chóng mặt” từ chuyển đổi số. Ảnh minh họa: INT

Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh mẽ, nắm bắt xu thế chuyển đổi số, cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) nỗ lực xây dựng môi trường GDNN hiện đại, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Khó ở đâu?

Vừa qua, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TP Hà Nội phối hợp với Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội tổ chức hội thảo “Chuyển đổi số trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp Thủ đô - thực trạng và giải pháp”.

Theo ông Nguyễn Hồng Dân - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh mẽ, sự dịch chuyển toàn diện và sâu sắc diễn ra và chi phối mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, là con đường giúp các quốc gia, tổ chức, cá nhân nâng cao năng suất lao động, hiệu quả quản lý và tối ưu hóa nguồn lực.

“Chuyển đổi số được coi là một trong những giải pháp đột phá nhằm thực hiện chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nhằm thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp được hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định 2222 (ngày 30/12/2021) về phê duyệt chương trình chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp đến 2025, định hướng tới năm 2030. Nhiệm vụ chuyển đổi số được UBND TP Hà Nội hiện thực hóa thông qua các kế hoạch, chương trình hành động...”, ông Dân nhấn mạnh.

Theo ông Dân, chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp không chỉ là yêu cầu khách quan mà còn là yếu tố quyết định để chúng ta có thể bắt kịp với xu thế phát triển của thế giới, đáp ứng được những đòi hỏi mới từ thị trường lao động. Nắm bắt xu thế chuyển đổi số, các cơ sở GDNN trên địa bàn TP Hà Nội đã và đang nỗ lực xây dựng môi trường GDNN hiện đại, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu hội nhập và phát triển.

Cụ thể, thực hiện chương trình chuyển đổi số các nhà trường đã xác định nhiều mục tiêu, trong đó có phát triển nhân lực số cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, đổi mới và phát triển chương trình đào tạo, hạ tầng và nền tảng quản lý số, quản trị số. Một số trường đã chú trọng đầu tư bổ sung hạ tầng công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ thông tin chuyển đổi số trong dạy và học, xây dựng bài giảng điện tử, số hóa chương trình, giáo trình học liệu. Đồng thời tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng chuyên đề về chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, người lao động.

Tuy nhiên, hiện nay quá trình chuyển đổi số còn nhiều thách thức, cần phải làm thay đổi nhận thức của mỗi cá nhân, cơ sở đào tạo. Bởi vấn đề phát triển công nghệ mới trong đào tạo và quản lý còn chưa được quan tâm đúng mức.

Việc đầu tư, công tác số hóa các dữ liệu đòi hỏi nhiều thời gian công sức và khối lượng hồ sơ tài liệu chương trình tại cơ sở GDNN rất “khổng lồ”. Tại các cơ sở GDNN, nguồn nhân lực trong chuyển đổi số (nhà giáo, học sinh, sinh viên) và hạ tầng số trong điều kiện đầu tư thiếu tính đồng bộ cho thấy để có được hạ tầng số đảm bảo cho việc chuyển đổi chính là một thách thức không nhỏ.

vuot-qua-thach-thuc-2-7232.jpg
TS Phạm Vũ Quốc Bình - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ- TB&XH) chia sẻ về kho dữ liệu chung.

Thúc đẩy chuyển đổi số từ giáo viên, nhà trường

Tham luận về chuyển đổi số trong cơ sở GDNN, TS Nguyễn Nhật Quang - Viện trưởng Viện KH&CN Vinasa cho rằng, các nhà trường cần đổi mới nội dung, chương trình GDNN, đáp ứng các yêu cầu mới về nguồn nhân lực 4.0. Bởi nội hàm của chuyển đổi số GDNN là hoạt động quản trị quản lý, bao gồm quản trị nhà trường và quản lý Nhà nước về GDNN. Để tiến hành chuyển đổi số cần thay đổi đồng bộ các yếu tố về con người (người dạy, người học, nhà quản lý), yếu tố thể chế - quy chế và đầu tư thích đáng cho công nghệ số.

TS Nguyễn Nhật Quang lưu ý, mỗi cơ sở GDNN tự chuyển đổi số để trở nên thông minh, xây dựng nền tảng kết nối và các nền tảng chia sẻ dữ liệu, học liệu, các nền tảng ứng dụng dùng chung. Bên cạnh đó, kết nối tất cả các cơ sở GDNN, các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý GDNN đồng thời, kết nối mọi người có nhu cầu học tập, có năng lực đào tạo, hiện thực hóa việc học tập suốt đời cho người lao động.

“Kết nối người dạy với người học, kết nối các cơ sở GDNN, các doanh nghiệp. Chia sẻ, dùng chung dữ liệu, học liệu, thông tin, tri thức để tạo thành một hệ thống giáo dục nghề nghiệp thông minh...”, TS Quang chia sẻ.

Về xây dựng kho dữ liệu dùng chung, TS Phạm Vũ Quốc Bình - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) đánh giá, kho dữ liệu dùng chung là một nguồn lực để hỗ trợ các nhà giáo, cơ sở GDNN trong việc vận hành các bài giảng, truyền đạt kiến thức của mình.

Ông Bình cho rằng, việc xây dựng hệ thống dữ liệu dùng chung sẽ đặt ra nhiều vấn đề. Sử dụng dữ liệu dùng chung là tự nguyện, vì từng bài giảng từng dữ liệu khi đưa vào chương trình giảng dạy của mỗi giáo viên khác nhau. Do vậy dữ liệu dùng chung - dữ liệu phải được định dạng, vì khi đóng góp vào trong kho dữ liệu phải huy động toàn bộ nguồn lực xã hội.

“Cũng là ngành công nghệ ô tô, nhưng có các cấu phần liên quan đến ngành công nghệ ô tô, từ bài giảng mẫu đến các mô-dun mẫu, thậm chí là bài giảng của từng cá nhân đều có thể cập nhật vào kho dữ liệu chung đó. Vấn đề đặt ra là phải kiểm duyệt dữ liệu thế nào? Như vậy xác định xây dựng kho dữ liệu dùng chung này phải là tất cả đều có quyền tham gia với nguyên lý, có tham gia thì được sử dụng. Đồng thời, cũng phát sinh việc sử dụng miễn phí, và sử dụng có trả phí. Việc có trả phí là để tái đầu tư lại những dữ liệu đặc biệt...”, TS Bình dẫn giải.

Theo TS Phạm Vũ Quốc Bình, đơn vị dự kiến xây dựng một nền tảng dùng chung và sau đó ban hành cơ chế liên quan đến việc cấp nguồn học liệu. “Những dữ liệu chung nhất, Nhà nước phải cùng doanh nghiệp và đối tác xã hội, các nguồn lực khác nhau hợp tác cung cấp vào kho. Với dữ liệu đặc thù phải theo các tiêu chuẩn và được kiểm định, kiểm duyệt khi đưa vào. Việc khai thác học liệu chung nhất thì được khai thác tự do, nhưng cái gì đặc biệt thì phải trả phí...”, TS Bình cho biết.

TS Phạm Xuân Khánh - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội nhấn mạnh, chuyển đổi số trong cơ sở GDNN là giải pháp quan trọng để đổi mới phương thức quản lý, đào tạo. Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh mẽ, nắm bắt xu thế chuyển đổi số, nhà trường nỗ lực xây dựng môi trường giáo dục hiện đại, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ