Thúc đẩy công bằng trong giáo dục nghề nghiệp

GD&TĐ - Chuyên gia đề xuất tiếp tục rà soát, đánh giá và hoàn thiện các quy định đối với bình đẳng giới, người khuyết tật và người bị thiệt thòi, yếu thế...

Sinh viên ngành logistics thuộc “Dự án thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp ngành logistics với giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam” do Chính phủ Australia tài trợ.
Sinh viên ngành logistics thuộc “Dự án thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp ngành logistics với giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam” do Chính phủ Australia tài trợ.

Từ kết quả nghiên cứu về sự tham gia của phụ nữ, người khuyết tật, người yếu thế trong ngành logistics, nhiều vấn đề về tạo sự công bằng trong tiếp cận giáo dục nghề nghiệp và công việc đã được đặt ra với những nhà xây dựng chính sách.

Nghề hấp dẫn với cả nữ giới

Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM vừa công bố thống kê cho thấy, số lượng người học lĩnh vực logistics tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngày càng tăng. Trong đó, tỷ lệ người học là nữ (đặc biệt công việc về kinh doanh, quản trị, quản lý, bán hàng, hành chính về logistics, marketing, thương mại điện tử...) chiếm trên 55% số người học. Lao động nữ chiếm tỷ lệ ngày càng cao trong các doanh nghiệp và tập trung nhiều ở các vị trí dịch vụ hỗ trợ, kinh doanh thương mại điện tử, hành chính…

Ông Hoàng Thái Sơn, Trưởng nhóm nghiên cứu về sự tham gia của phụ nữ, người khuyết tật và hòa nhập xã hội - GEDSI (hiện công tác tại Cục Quản lý chất lượng - Bộ GD&ĐT) cho rằng, GEDSI liên quan giáo dục nghề nghiệp đã được đề cập trong nhiều văn bản chỉ đạo của Đảng và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, đặc biệt được thể hiện khá rõ trong Luật Giáo dục nghề nghiệp.

Đồng thời, nội dung về GEDSI còn được lồng ghép trong các chiến lược, chương trình, dự án về phát triển kinh tế - xã hội quốc gia liên quan đến giáo dục nghề nghiệp và được các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp và những người liên quan thực hiện khá tốt. Đây là lý do quan trọng dẫn đến sự gia tăng người học là nữ giới trong lĩnh vực logistics.

Theo ông Hoàng Thái Sơn, các chính sách GEDSI đã dần được phổ biến đến với nhiều người, đặc biệt là phụ nữ, người khuyết tật và những người thiệt thòi khác. Từ đây, họ có thêm cơ hội tiếp cận với giáo dục nghề nghiệp, lao động và việc làm.

“Hiện nay, có nhiều chương trình giáo dục nghề nghiệp được thiết kế mở, gắn với yêu cầu của doanh nghiệp, có lồng ghép các yếu tố bình đẳng giới, người khuyết tật và hòa nhập xã hội và được triển khai linh hoạt. Chất lượng đào tạo ngày càng cao và phát triển nhanh, giúp người học có nhiều cơ hội việc làm và cải thiện nâng mức thu nhập”, ông Sơn cho biết.

Quan niệm và nhận thức của xã hội, công tác truyền thông, tư vấn hướng nghiệp đã làm thay đổi về sự công nhận vai trò, khả năng và những đóng góp của phụ nữ, người khuyết tật hoặc những người thiệt thòi, yếu thế trong giáo dục nghề nghiệp. Nguyễn Ngọc Yến Phương, sinh viên ngành logistics (Khoa Kinh tế, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật TPHCM) là một trường hợp điển hình. Phương chia sẻ, em chưa từng nghĩ sẽ học logistics bởi tưởng rằng đây là ngành đòi hỏi nhiều sức khỏe, chỉ dành cho nam giới.

Tuy nhiên, khi được tư vấn tuyển sinh, em hiểu ra logistics là một lĩnh vực rất rộng, có nhiều ngành, nghề và vị trí việc làm phù hợp với phái nữ như: Logistics, hành chính logistics, thương mại điện tử, quản lý giao nhận hàng hóa, quản lý vận tải và dịch vụ logistics…

“Sau một thời gian được học tập tại trường, em nhận thấy đây là ngành học và môi trường học phù hợp với em. Bên cạnh việc được đào tạo tại trường chúng em còn được đi kiến tập, thực tập tại doanh nghiệp để làm quen với thực tế, nhờ đó em thấy vững tin vào nghề nghiệp tương lai và thấy lựa chọn của mình là đúng đắn”, Phương chia sẻ.

Nhiều giải pháp đồng bộ

Theo phân tích của PGS.TS Bùi Văn Hưng - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II (TPHCM), trên thực tế tỷ lệ phụ nữ, người khuyết tật trong một số ngành, nghề giáo dục nghề nghiệp về logistics và trong doanh nghiệp vẫn còn thấp.

Điều này càng rõ nét trong các ngành được coi là “của nam giới” như xếp dỡ cơ giới tổng hợp, quản lý kinh doanh vận tải và các ngành nghề khác liên quan đến lĩnh vực điều khiển phương tiện, thiết bị; khai thác, kỹ thuật, bốc xếp; an ninh, an toàn và kỹ thuật trong lĩnh vực logistics. Tỷ lệ người học là người khuyết tật tham gia học hòa nhập các ngành về logistics cũng còn ít.

“Đây là một vấn đề đáng được quan tâm, cần xem xét trong việc đào tạo nghề cho người khuyết tật gắn với việc làm bền vững để họ có thể hòa nhập, làm việc trong thị trường lao động nói chung và lĩnh vực logistics nói riêng”, ông Hưng nói.

Để tăng cường hơn nữa sự tham gia của phụ nữ, người khuyết tật và giúp họ hòa nhập xã hội trong giáo dục nghề nghiệp lĩnh vực logistics, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II đề xuất thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, các giải pháp quan trọng nhất là phải thực hiện tốt các chính sách của Nhà nước về GEDSI trong giáo dục nghề nghiệp, đẩy mạnh công tác truyền thông, hướng nghiệp, đào tạo phải đáp ứng thị trường lao động và việc làm, cải thiện cơ sở vật chất, môi trường học tập…

Ông Chu Văn Vượng - Giám đốc nhân sự, Công ty Cổ phần Thống Nhất Hà Nội đưa ra giải pháp liên quan đến sự phối hợp chặt chẽ, tin cậy lẫn nhau giữa nhà trường và doanh nghiệp, gắn quyền lợi với trách nhiệm xã hội của mỗi bên trong đào tạo và sử dụng lao động.

Chẳng hạn, các bên cùng nhau xây dựng các quỹ hỗ trợ sinh viên vượt khó trong học tập, chia sẻ thông tin đào tạo, yêu cầu về sức khỏe, kiến thức, kỹ năng, thời gian và môi trường làm việc ở từng vị trí việc làm trong sự đa dạng các ngành, nghề.

“Từ đó, các bên cùng nhau phối hợp trong công tác truyền thông, tư vấn tuyển sinh, đào tạo, giới thiệu việc làm và tuyển dụng được lao động phù hợp bao gồm phụ nữ, người khuyết tật và các đối tượng thiệt thòi khác”, ông Vượng nói.

Còn bà Phạm Ngọc Diễm - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật TPHCM lại cho rằng, một trong những yếu tố quan trọng để bảo đảm sự tham gia của phụ nữ, người khuyết tật trong giáo dục nghề nghiệp là cần có môi trường học tập và lao động thân thiện. Hai yếu tố được bà Diễm nhấn mạnh là môi trường vật chất (lối đi, thang máy, buồng thay đồ, nhà vệ sinh, thời giờ nghỉ ngơi, làm việc, nghỉ thai sản) và môi trường tinh thần (sự đối xử bình đẳng, công bằng, không có sự kỳ thị).

Nhóm nghiên cứu về GEDSI đã có các khuyến nghị đối với các cơ quan, tổ chức và cá nhân trong vấn đề này. Trong đó, nhóm đề xuất tiếp tục rà soát, đánh giá và hoàn thiện các quy định đối với bình đẳng giới, người khuyết tật và người bị thiệt thòi, yếu thế khác trong các văn bản quy phạm pháp luật. Ngoài ra, cần nâng cao nhận thức, truyền thông, tư vấn nghề nghiệp, bồi dưỡng đào tạo nhân lực, người dạy, người học, người lao động, hỗ trợ hòa nhập…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.

Phương pháp chạy deadline hiệu quả